Tín dụng đen, cho vay nặng lãi... đang len lỏi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Với kiểu cho vay thủ tục hết sức đơn giản (chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe...), người có nhu cầu ngay lập tức được vay, cho dù lãi suất cho vay cao gấp nhiều lần mức Nhà nước cho phép.
Bình Dương đã và đang là điểm đến của nhiều lao động trong cả nước, khiến nơi đây trở thành điểm đến “lý tưởng” để các đối tượng dẫn dụ vào vòng xoáy cho vay nặng lãi. Đối với nhiều lao động ngoài tỉnh, để tiếp cận với nguồn vay hợp pháp tại Bình Dương là rất khó khăn, bởi đa số họ không có hộ khẩu thường trú, không có nhà cửa ổn định để tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều con nợ bị các đơn vị cho vay tín dụng đen “khủng bố”, tra tấn tinh thần lẫn thể xác để thu hồi nợ, tạo ra sự bất ổn về an ninh trật tự.
Mới đây, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) phản ánh về việc người lao động của doanh nghiệp thành viên lỡ đi vào đường dây cho vay nặng lãi, bị chủ nợ khủng bố tới mức phải bỏ việc làm. Thời gian qua, BIFA đã tổ chức hội thảo trang bị kiến thức cho doanh nghiệp, người lao động đối phó với vòng xoáy cho vay nặng lãi để người lao động không trở thành nạn nhân.
Từ nhiều năm qua, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) đã triển khai sản phẩm hỗ trợ vay vốn với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi cho công nhân, lao động nghèo tại Bình Dương. Tuy vậy, với số lượng hàng trăm ngàn công nhân đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương, CEP khó có khả năng đáp ứng hết nhu cầu của người lao động.
Trước tình hình bùng phát nạn cho vay nặng lãi, cơ quan chức năng trong tỉnh đã liên tục rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp cho vay tài chính, cho vay tiêu dùng đang hoạt động trên địa bàn. Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ mình, người lao động cần hạn chế tiếp cận các hình thức cho vay nặng lãi. Thủ đoạn của các tổ chức tín dụng đen là dùng lời lẽ ngon ngọt với lãi suất thấp nhưng khi lỡ vay nạn nhân mới biết lãi suất cao gấp hàng chục lần so với quy định của Nhà nước. Để thu hồi nợ, các tổ chức này sẵn sàng hăm dọa, khủng bố nạn nhân. Khi gặp tình huống này, nạn nhân cần liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết, hơn là “bỏ việc đi trốn nợ”.
Hiện nay, nhu cầu vay tiền để xoay sở lúc khó khăn (tai nạn, bệnh tật...) của người lao động khá lớn. Người lao động cần nhiều hơn các nguồn vay hỗ trợ như CEP để từng bước đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.
HOÀNG PHONG