Để doanh nghiệp dược vượt khó - Kỳ 2

Cập nhật: 24-07-2015 | 07:57:54

Kỳ 2: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành dược

 Với tham vọng trở thành đô thị lớn, nhu cầu thuốc cho khám chữa bệnh, mỹ phẩm cho việc chăm sóc sắc đẹp của người dân Bình Dương sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) dược trong và ngoài nước đến đầu tư.

 

Bình Dương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào ngành dược. Trong ảnh: Một cơ sở phân phối thuốc tây tại TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: P.HIẾU

 Tiềm năng lớn

10 năm qua, ngành dược của Bình Dương đang dần lớn mạnh với quy mô sản xuất, kinh doanh của các DN và sức tiêu thụ thuốc và mỹ phẩm của người dân luôn tăng cao mỗi năm. Nhiều DN dược lớn trong và ngoài nước đã và đang đầu tư vào Bình Dương. Hiện các thương hiệu thuốc và mỹ phẩm nổi tiếng đã có mặt tại tỉnh như OPC, Thiên Dược, Hoa Thiên Phú, Stada, Unilever, P&G…

Trên địa bàn Bình Dương hiện nay có 26 nhà máy dược, 17 công ty, cơ sở sản xuất mỹ phẩm. Bên cạnh đó toàn tỉnh còn có 1.370 cơ sở bán lẻ, phân phối, điểm bán lẻ thuốc tây; trong đó có 1.100 nhà thuốc đạt chuẩn GDP, cùng hàng ngàn cơ sở kinh doanh mỹ phẩm. Đây chính là kênh phân phối giàu tiềm năng cho các DN đang nhắm đến thị trường Bình Dương và các tỉnh phía Nam.

Ông Quách Ái Quốc, Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế, cho biết sở vừa giải quyết 138 hồ sơ quảng cáo mỹ phẩm, 55 hồ sơ hội thảo giới thiệu thuốc. Thực tế này cho thấy tiềm năng thị trường thuốc và mỹ phẩm tại Bình Dương là rất lớn, nhiều DN đã đến tìm hiểu các chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay tại thị trường năng động này.

Với đặc thù của ngành dược nên thời gian thông quan, giám định sản phẩm kéo dài. Để tạo điều kiện cho DN tiết kiệm thời gian trong quá trình sản xuất, phân phối và lưu thông sản phẩm, thời gian qua Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành liên quan đưa ra cơ chế phù hợp với đặc trưng ngành dược. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý thông tin theo công nghệ hiện đại cũng đang được Sở Y tế thực hiện để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, nhập khẩu của các DN.

Đại diện Công ty Thiên Dược, cho biết Bình Dương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công ty vận hành sản xuất và kinh doanh. Nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hải quan đang được tỉnh tiếp tục tinh giản giúp hoạt động của công ty ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Cơ hội cho các DN

Ông Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhận định hiện nguồn tân dược phục vụ khám chữa bệnh mới đáp ứng 50% nhu cầu trong nước. Định hướng của Chính phủ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là ngành dược Việt Nam sẽ phải đáp ứng 80% nhu cầu. Đây là cơ hội lớn cho các DN, bởi để đạt được đúng chỉ tiêu, kế hoạch, sắp tới Nhà nước sẽ ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này.

 Giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt 2014” do Bộ Y tế tổ chức vừa qua đã vinh danh 30 DN sản xuất thuốc chất lượng trong cả nước, trong đó Bình Dương có 8 DN, gồm: OPC, Hasan Dermapharm, Stada, United International Pharma, Thiên Dược, Imexpharm, Vidipharm và Glomed.

Bình Dương cũng đang xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp để đón đầu xu thế hội nhập. Bình Dương đang rất cần sự đầu tư của DN vào sản xuất vắc xin, kháng sinh, nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ ngành tân dược. Riêng về nguồn dược liệu phục vụ y học cổ truyền, những năm trước Sở Y tế đã khảo sát và xây dựng các vùng trồng dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng từng địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay các DN chưa mặn mà với lĩnh vực này. Sắp tới vấn đề nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc cũng sẽ được Bình Dương quan tâm nhiều hơn nữa để từng bước phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các DN sản xuất.

Theo các chuyên gia nước ngoài, ngành dược phẩm của châu Á có tốc độ tăng trưởng mạnh, tương ứng với sự phát triển kinh tế của các nước, đặc biệt là đối với thị trường ASEAN. Doanh thu dược phẩm tại khu vực này đã tăng hơn gấp đôi, từ 97 tỷ đô la Mỹ năm 2001 lên 214 tỷ đô la Mỹ năm 2010 và được dự đoán đạt 386 tỷ đô la Mỹ vào năm 2016. Các chuyên gia cũng nhận định sẽ có làn sóng đầu tư ồ ạt vào thị trường này và Việt Nam sẽ là nơi thu hút nhiều sự chú ý của các các thương hiệu lớn, các tập đoàn dược tên tuổi.

Hiện lượng sử dụng thuốc của Việt Nam mới chỉ đạt 36 đô la Mỹ/người/năm nhưng là thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, bình quân trên 16%/năm. Đời sống vật chất người dân ngày một được nâng lên thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cũng ngày càng nâng lên. Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng đón chờ các nhà đầu tư. Riêng đối với Bình Dương, bằng sự năng động, linh hoạt trong việc vận hành cơ chế, chính sách của lãnh đạo tỉnh, sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các DN muốn tham gia vào thị trường dược phẩm.

Kỳ cuối: Người Việt dùng mỹ phẩm Việt

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1162
Quay lên trên