Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh: Cần những giải pháp đồng bộ

Cập nhật: 26-12-2012 | 00:00:00

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Bởi vì nếu không giảm thiểu được tình trạng này, trong tương lai, Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung sẽ phải đối diện với tình trạng “thừa nam, thiếu nữ”. Vì thế, việc giảm thiểu MCB GTKS không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội…

 Cộng tác viên dân số, đội ngũ tích cực trong công tác DS-KHHGĐ Trong nhiều năm qua, tỷ số GTKS ở nước ta luôn ở mức trên 110 bé trai/100 bé gái và thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội. Trong thời gian qua, ngành dân số tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, tuy nhiên tình trạng MCBGTKS vẫn còn khá cao. Tỷ lệ GTKS tại Bình Dương vào năm 2010 và năm 2011 là 106 bé trai/100 bé gái; đến năm 2012 (tính đến 6 tháng đầu năm) đã tăng lên 109/100. Điều đó đã đặt ra cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh nhà những thách thức không nhỏ. Không chỉ riêng tháng hành động quốc gia, vào các tháng khác trong năm, ngành đều có những hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác DS-KHHGĐ, cũng như thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu MCBGTKS.

Có thể khẳng định, MCBGTKS là một trong những hậu quả của việc lựa chọn giới tính khi sinh. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, “có con trai để nối dõi tông đường”… đã ăn sâu vào tư tưởng một bộ phận người dân. Quan niệm này đã tạo ra những áp lực lớn đối với người phụ nữ, đó là “phải sinh bằng được con trai”. Khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm và quy mô gia đình ngày càng nhỏ, mọi người ít có cơ hội để có con trai nên mong muốn có con trai càng thể hiện rõ. Đây chính là “kẻ hở” cho công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi phát triển. Để có con trai, thông qua kỹ thuật siêu âm xác định giới tính thai nhi nhiều người đã lựa chọn GTKS cho con của mình ngay khi nó còn trong bụng mẹ. Mặc dù việc siêu âm để xác định giới tính thai nhi đã bị cấm từ lâu, nhưng trên thực tế các bà bầu không khó khi muốn biết giới tính của con mình khi thực hiện khám thai tại các phòng khám tư. Và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi để lại đó là tình trạng MCBGTKS. Chính sự MCBGTKS đã dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc DS của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Bên cạnh đó, khi nam giới nhiều hơn nữ giới, nam giới sẽ rất khó lấy được vợ, lấy vợ muộn hoặc phải lấy vợ là người nước ngoài. Đó là chưa kể đến những hệ lụy khác cũng sẽ xuất hiện, như: mại dâm, bất bình đẳng giới...

Từ những hệ lụy trên cho thấy, để từng bước khống chế tốc độ gia tăng MCBGTKS và tiến tới trở về mức cân bằng tự nhiên, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt ngay từ bây giờ. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ tỉnh, để đạt được các mục tiêu trong việc giảm thiểu sự MCBGTKS phải nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân nhằm chấp nhận thực hiện quy mô gia đình nhỏ, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Từ đó, mới nâng cao chất lượng DS; kinh tế gia đình cũng được nâng lên, việc chăm sóc con cái, người già được quan tâm hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu khác của địa phương. Trong công tác tuyên truyền, việc nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách pháp luật về giới và GTKS là quan trọng. Song song đó, việc tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông cần đa dạng hơn về mặt hình thức, phong phú về nội dung và huy động nhiều đối tượng tham gia nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) - KHHGĐ, chấp nhận thực hiện quy mô gia đình ít con, thay đổi được các tập quán lạc hậu trọng nam khinh nữ, phân biệt giới tính... Và để đạt được điều đó, sự phối kết hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, cũng như sự hưởng ứng tích cực của người dân, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh đẻ là rất quan trọng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Dương Quốc Trọng, chiến lược DS - SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS để đến năm 2015 tỷ số này ở dưới mức 113. Đây là việc rất khó khăn và khó khả thi bởi sự vào cuộc chưa kiên quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương, chưa có được sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể. Do vậy, chúng ta chưa thể hạ tỷ số GTKS xuống ngay được, mà chỉ khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS hàng năm dưới 0,4 - 0,5 điểm phần trăm/năm.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=408
Quay lên trên