Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người: Cảnh giác với những lời rủ rê đầy “mật ngọt”

Cập nhật: 30-01-2024 | 10:51:06

Mặc dù các cơ quan, ban ngành đã tăng cường tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung vẫn có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài.


Một đối tượng chuyên lừa bán thiếu nữ cho các quán karaoke bị Công an tỉnh bắt giữ. Ảnh: CABD

Việc nhẹ, lương cao và…

Những ngày cuối tuần qua, người nhà của một số nạn nhân đã tìm đến chủ một trang Facebook có nhiều người theo dõi ở Bình Dương nhờ đăng thông tin tìm con. Tất cả đều bị lừa với một mẫu số chung: “Mong đổi đời nơi xứ người”. Cụ thể theo trình bày ban đầu của một người phụ nữ đến từ tỉnh Bình Thuận, con bà bị lừa đưa sang Campuchia với chiêu “có việc làm lương cao”. “Được mấy ngày thì nó gọi về nói gia đình chuẩn bị tiền đi chuộc về. Gần tết, tui phải đi vay tiền nóng để chuẩn bị chuộc con”, người phụ nữ vừa nói vừa mếu máo khóc. Không chỉ bị lừa bán sang Campuchia, nhiều người, phần lớn là các cô gái bị lừa sang nước khác với hy vọng “đổi đời”, nay vỡ mộng vì trở thành ‘nô lệ tình dục”, không thể trở về, cũng gọi điện thoại cầu cứu.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay tội phạm mua bán người hoạt động rất tinh vi với nhiều thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân vào bẫy. Có trường hợp chúng đưa vào quán karaoke, có trường hợp đưa ra nước ngoài sang tay. Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, cho biết qua công tác đấu tranh của lực lượng Công an tỉnh cho thấy tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người còn liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác, như: Bắt, giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, ma túy, mại dâm… Các đối tượng thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả và liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… không hẹn gặp trực tiếp, mà liên lạc qua điện thoại để dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc những nơi thường không có địa chỉ cụ thể, rồi sau đó lừa bán nạn nhân.

Mới đây, ngày 12-1, Công an TP.Dĩ An đã tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Công (SN 1969, quê Nghệ An) và Mai Trung Dũng (SN 1980, quê Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi mua bán người với thủ đoạn như trên.

Thông tin ban đầu được biết Phan Thị Hoài Thương (SN 1997, quê Nghệ An) và Mai Trung Dũng tạo các trang Facebook đăng tải thông tin tuyển nhân viên nhằm lừa gạt các thiếu nữ đang cần tìm việc làm. Nguyễn Văn Công là quản lý một quán karaoke có địa chỉ tại phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An. Để tìm nữ tiếp viên làm việc tại quán, Công đã liên hệ với Thương và Dũng để tìm người. Trong tháng 12- 2023, Thương và Dũng đã lừa được 3 thiếu nữ, chở đến quán karaoke giao cho Công và được trả từ 5-8 triệu đồng/người. Số tiền này, Công ghi nợ và trừ vào tiền công của các nữ tiếp viên.

Nâng cao cảnh giác

Qua đấu tranh triệt xóa các chuyên án liên quan đến hành vi mua bán người cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là tìm các bị hại có hoàn cảnh khó khăn đang cần tìm việc làm, nhất là các thiếu nữ độ tuổi từ 18- 25, có mong muốn tìm “việc nhẹ, lương cao” thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng sẽ dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân, làm công việc nhẹ, hứa hẹn với mức lương cao… trung bình từ 20-25 triệu đồng/tháng.

Khi nạn nhân “sập bẫy”, thì các đối tượng tổ chức xe đưa đón người về để giam giữ trong thời gian đợi bán vào các cơ sở kinh doanh karaoke, massage trá hình hoạt động mại dâm, kích dục… Trong thời gian bị giam giữ, nếu nạn nhân chống cự sẽ bị trói, đánh đập và đe dọa bán sang Campuchia. Đáng chú ý là sau khi đưa nạn nhân vượt biên trái phép, chúng còn lập các đường dây chuyên dàn cảnh để chuộc người từ Campuchia về để chiếm đoạt tài sản. Vào cuối tháng 12- 2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá một đường dây chuyên chuộc người để chiếm đoạt tài sản. Nhóm này do Sơn Phà La (SN 1993; quê Sóc Trăng) cầm đầu.

Quá trình điều tra ban đầu xác định, Sơn Phà La có quen biết với các đối tượng sinh sống tại Campuchia và biết cách đưa các nạn nhân là người Việt Nam bị lừa bán qua Campuchia để làm việc. Sơn Phà La tạo tài khoản TikTok, tên tài khoản “Tướng Quân” để những gia đình có người thân đang bị giữ tại Campuchia liên hệ nhờ giải cứu. Nếu có người liên hệ thì Sơn Phà La yêu cầu đòi số tiền chuộc từ 150-200 triệu đồng/1 người và phải chuyển trước 50% số tiền chuộc.

Sau khi nhận được 50% tiền chuộc, Sơn Phà La liên hệ các đối tượng bên Campuchia để nhận người và đưa đến các cửa khẩu tại Việt Nam giao cho Sơn Phà La cùng đồng bọn đưa về nhà và nhận đủ số tiền còn lại. Trường hợp nếu gia đình không đưa đủ số tiền còn lại thì Sơn Phà La cùng đồng bọn đe dọa sẽ đưa người quay lại Campuchia và bán lại vào các khu vực làm việc do người Trung Quốc quản lý để bóc lột sức lao động nhằm lấy đủ số tiền còn lại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 CP, tình hình tội phạm mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài, nhất là sang Trung Quốc và các nước khu vực ASEAN tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Trong năm 2023, các cơ quan chức năng cả nước đã thụ lý, điều tra và tiếp tục điều tra 147 vụ, 365 đối tượng, tăng 57 vụ so với năm 2022.

Thủ đoạn phổ biến nhất là đối tượng sử dụng không gian mạng (Zalo, Facebook, Telegram, điện thoại thông minh…), lập các trang quảng cáo tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò, hội nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (quán karaoke, cắt tóc, massage…)...

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên