Kỳ 2: Giữ vững làng nghề
Hiện Bình Dương có 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống thu hút khoảng trên 45.000 cơ sở, hộ gia đình tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động và doanh thu hàng năm trên 4.000 tỷ đồng. Theo sự biến đổi của quy luật cung cầu, nhiều ngành nghề mới phát sinh và cũng có những ngành nghề truyền thống bị mai một, trong đó có ngành nghề đã hàng trăm năm tuổi như điêu khắc mộc, gốm sứ, sơn mài… Nếu không có phương án bảo tồn, phát triển một cách khoa học và hợp lý, những ngành nghề này sẽ khó tồn tại trong tương lai.
Phải tự cứu mình trước
Vấn đề chung hiện nay của tất cả làng nghề là tự thân để tồn tại trong cơ chế thị trường. Ai nhạy bén, tiếp cận nhiều thông tin, chủ động hơn trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ và thị hiếu khách hàng thì mới có chỗ đứng trên thị trường. Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương nói: “Công ty của tôi cũng phải tranh thủ tối đa mọi kênh thông tin để tìm kiếm khách hàng, website công ty chạy bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh để nhiều khách hàng trong và ngoài nước có thể đọc được và biết đến. Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm của mình”.
Bài toán đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải nghệ nhân nào, doanh nghiệp nào cũng tìm ra đáp án đúng. Thực tế cho thấy, làng nghề hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào các thương lái. Sản phẩm làm ra là công sức, tâm huyết của người nghệ nhân, họa sĩ nhưng khi bán ra thị trường giá cả gấp 3 - 4 lần giá xuất xưởng, mà phần lợi nhuận này đều rơi vào túi của các thương lái. Nói tiếc nuối như nghệ nhân sơn mài Năm Định: “Nghệ nhân bây giờ đành lấy công làm lời, coi như lúc nông nhàn mà tham gia sản xuất cho đỡ nhớ nghề là chính”.
Cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của ngành chức năng và địa phương để giữ vững nghề sơn mài truyền thống. Ảnh: K.VINH
Sự phát triển của khoa học-công nghệ giúp cho thời gian sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ rút ngắn lại nhiều lần, có thể tạo ra sản phẩm hàng loạt mà chất lượng không thua kém gì sản phẩm thủ công truyền thống. Nhưng về mặt bảo tồn, việc phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố khoa học - công nghệ khiến một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ trong đó có sơn mài… mất đi bản sắc văn hóa vốn có của nó; làm cho sản phẩm truyền thống của Bình Dương khi tung ra thị trường người ta không còn nhận ra cái hồn, cái sắc thái riêng của sơn mài đất Thủ nữa.
Trước sự đi xuống về chất lượng mỹ thuật của Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nhiều lần các nghệ nhân họp bàn để tìm ra phương án vực dậy nghề sơn mài, tuy vậy vẫn không tìm ra được tiếng nói chung bởi cái tôi của mỗi nghệ nhân, họa sĩ là quá lớn. Nghệ nhân Tư Bốn nhấn mạnh: “Nếu có thể, chúng ta nên tổ chức lại mô hình hợp tác xã sản xuất đồ mỹ nghệ như hồi Xưởng mỹ nghệ Thành Lễ từng làm. Quy tụ hết mọi nghệ nhân, nhân công lành nghề; phân công mỗi người từng công đoạn… họa may mới bảo tồn được cái tinh túy của Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”.
Thực hiện hiệu quả quy hoạch
Ngày 28-9-2011, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 2799 về việc “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống”. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… cũng xây dựng nhiều đề án trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với sự phát triển đô thị, kinh tế, du lịch của địa phương. Tất cả dự án này đang trong giai đoạn thẩm định và sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện chi cục đang xây dựng chương trình bảo tồn nghề sơn mài bằng sơn ta tại phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Dự án sẽ thu hút khoảng 14 cơ sở, hộ gia đình có tay nghề và tâm huyết với nghề cùng tham gia xây dựng lại nghề sơn mài bằng sơn ta, theo đó thực hiện đúng quy trình qua 25 giai đoạn cho một sản phẩm sơn mài. Mỗi hộ gia đình, cơ sở tham gia dự án sẽ thực hiện từng công đoạn trong quy trình làm ra sản phẩm sơn mài.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh, dự kiến lượng khách du lịch năm 2015 đến Bình Dương đạt trên 5 triệu lượt người, tới năm 2020 sẽ là 6,8 triệu lượt người; du lịch sẽ là ngành mũi nhọn giúp khôi phục lại các làng nghề truyền thống tại Bình Dương. Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nói rõ, khu vực phía nam của tỉnh gồm TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An và một phần của TX.Bến Cát sẽ là trung tâm của loại hình du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Bình Dương sẽ đa dạng hơn khi các khu du lịch dự kiến sẽ hình thành và làm mới tại lòng hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, khu vực hồ Cần Nôm; du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé… Khi các khu du lịch này đi vào hoạt động thì đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong đó có sơn mài không còn là bài toán khó giải cho những nghệ nhân cũng như các cơ sở sản xuất.
Thạc sĩ, họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc - Sơn mài tỉnh Bình Dương cho rằng, các cơ quan chức năng cần xây dựng riêng chương trình tham quan tour du lịch làng nghề một cách tập trung và đồng nhất, bằng cách cho khách tham quan một lúc nhiều làng nghề, không nên chia riêng rẽ ra từng làng nghề một. Có như thế mới để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách, giúp họ tiếp cận với sản phẩm của làng nghề truyền thống một cách lâu bền hơn.
Một số nghệ nhân còn hiến kế, nên phát triển các làng nghề sơn mài theo hai hướng. Một hướng sản xuất phục vụ số đông khách hàng với các sản phẩm chất lượng theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng loạt vừa túi tiền khách du lịch. Hướng khác là bảo tồn, quy tụ nghệ nhân có trình độ cao, dày dạn kinh nghiệm sáng tác theo hướng nâng cao chất lượng mỹ thuật, giữ gìn những thứ tinh túy của làng nghề. Hài hòa hai hướng sản xuất, sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ này là cách vừa bảo đảm phát triển làng nghề vừa bảo tồn cái giá trị văn hóa.
Bên cạnh những đề án, quy hoạch của tỉnh Bình Dương trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của cơ quan chức năng và địa phương để sớm đưa những dự án nói trên áp dụng vào thực tiễn. Cùng với đó, các nghệ nhân cũng cần thay đổi tư duy để tiếp cận và vận hành cơ sở sản xuất của mình theo hướng mới, phù hợp với xu thế hội nhập chung của thế giới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến người thợ làm nghề truyền thống không mặn mà với nghề chính là vấn đề thu nhập. Khảo sát tại một số làng nghề cho thấy, lương của thợ, nhân công còn thấp, dao động trong khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Xí nghiệp mỹ nghệ Thành Lễ trước năm 1975 quy tụ rất nhiều nghệ nhân tại Bình Dương và Biên Hòa, Đồng Nai là do có chế độ hết sức ưu đãi. Lương thợ chính có tay nghề xuất sắc lãnh tới 3.600 đồng/tháng, thời điểm đó giá vàng chỉ có 2.800 đồng/lượng; thợ bậc 1 lương 2.500 đồng; thợ bậc 2 là 2.200 đồng; thợ bậc 3 là 1.800 đồng/tháng.
PHÙNG HIẾU