Đối với người tiêu dùng (NTD), việc lựa chọn một địa chỉ tin cậy, cửa hàng thực phẩm sạch bảo đảm sức khỏe luôn là nhu cầu thiết yếu. Nắm bắt nhu cầu này, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả và tạo được niềm tin với NTD.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm rau an toàn tại cửa hàng của Công ty Foodtech, ở khu phố 4, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Q.NHIÊN
Những địa chỉ nông sản an toàn
Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Foodtech, tại khu phố 4, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một tuy vừa đi vào hoạt động nhưng đã có đông khách hàng tới mua sắm. Tại đây, có gần 20 loại rau ăn lá được công ty nuôi trồng theo đúng quy trình VietGAP, đã được cấp phép chứng nhận bảo đảm an toàn về chất lượng thực phẩm. Ông Nguyễn Bá Dũng, Giám đốc công ty cho biết, xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của NTD, anh cùng một số người bạn tổ chức sản xuất rau trên diện tích 4.000m2 và thành lập công ty chuyên cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng đến NTD.
Bên cạnh các cửa hàng bán rau an toàn cho sức khỏe, thời gian gần đây Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp triển khai được 4 sạp thịt an toàn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Sản phẩm thịt bán ở các sạp này có nguồn gốc từ Công ty Cổ phần C.P Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y theo chuỗi từ trang trại đến sản phẩm đưa ra thị trường. Ông Trần Hà Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, đây là chương trình giúp người kinh doanh, sản xuất xây dựng các chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho NTD nhận biết được một cách dễ dàng các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Xu thế phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được tỉnh quan tâm và cũng được đánh giá đang phát triển đúng hướng.
Tuy vậy, NTD trong tỉnh vẫn còn băn khoăn khi mua rau an toàn, là giá mặt hàng này còn cao; bình quân mức chênh lệch giữa rau an toàn với rau thông thường, không rõ nguồn gốc từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, theo anh Trần Văn Trường, nông dân trồng rau an toàn ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát còn có nhiều khó khăn cho người trồng rau an toàn. “Rau an toàn nhìn không bắt mắt bằng các loại rau được bày bán ở chợ nên NTD vẫn còn rất dè chừng. Trong khi đó, quy trình trồng rau sạch lại khắt khe, mất nhiều công chăm sóc, thời gian trồng lâu hơn trồng các loại rau khác nên giá thành cao hơn sản phẩm trồng theo phương pháp truyền thống”, anh Trường nói.
Làm tốt công tác quản lý
Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cho biết, trong thời gian tới chi cục sẽ tăng cường các dấu hiệu, logo nhận diện sản phẩm sạch, an toàn dán lên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh còn có chương trình hướng dẫn và hỗ trợ các cá nhân, trang trại đăng ký xây dựng VietGAP. VietGAP là tiêu chuẩn trồng trọt, chăn nuôi an toàn cao nhất của Việt Nam. Nếu tất cả các trang trại đều sản xuất theo tiêu chuẩn này thì số sản phẩm sạch đưa ra thị trường sẽ nhiều hơn. Do đó, đây là một trong những nội dung mà ngành nông nghiệp đang chú trọng thực hiện trong thời gian tới.
Tháng hành động “Vì an toàn, chất lượng vệ sinh thực phẩm 2017” đang mở ra nhiều cơ hội để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch đến gần hơn với NTD. Cùng với đó, việc cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở, kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… sẽ giúp kiểm soát được chất lượng sản phẩm của các cơ sở, công ty sản xuất thực phẩm trên địa bàn.
Hiện nay, việc xác nhận sản phẩm an toàn mới chỉ ở giai đoạn đầu, mang tính thí điểm. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn của thị trường và NTD.
QUỲNH NHIÊN