Diễn giả là một nghề thịnh hành trên thế giới nhưng ở nước ta thì lại rất mới lạ và chưa được đào tạo ở bất kỳ một trường chính quy nào. Tuy nhiên, hiện trong nước vẫn có không ít người thu gặt được khá nhiều thành công nhờ khả năng diễn thuyết trước công chúng. Thù lao dành cho họ được nhân theo thời gian. Quách Tuấn Khanh, một diễn giả chuyên nghiệp đã chia sẻ về nghề diễn giả với các bạn trẻ...
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh dự thi vào ngành y như mong muốn của ba mẹ nhưng anh không yêu thích nghề này. Sau 3 năm học, anh rời bỏ trường và quyết định đeo đuổi ước mơ của riêng mình trước sự thất vọng của người thân. Bị “cúp lương”, nghĩa là anh phải tự lo liệu mọi thứ. Năm 1994, anh học Khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Mở - Bán công TP.HCM. Sau tốt nghiệp, anh tiếp tục học MBA ở ĐH Bách khoa. Hiện anh là Giám đốc Công ty truyền thông Starlit Communications, Chủ tịch Power UP Group, một tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực phát triển con người toàn diện tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Thành công & Hạnh phúc (S.H.T.C) và là diễn giả của Công ty d’Oz International (Singapore). Ngoài bằng MBA của trường Quản trị Maastricht (Hà Lan), anh còn thu gặt được nhiều kinh nghiệm đa ngành sau gần 18 năm làm việc trong các lĩnh vực báo chí, quản lý PR & marketing, điều hành doanh nghiệp và giảng dạy đại học. Mong muốn của anh là trở thành một diễn giả chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
- Điều gì làm cho anh đam mê đối với công việc của một diễn giả?
- Bạn thấy đấy, không phải lúc nào con người cũng nhìn ra được thế mạnh, điểm yếu, kể cả tiềm năng của mình. Vì vậy, họ cần một người thứ ba truyền niềm tin và lên tinh thần, chỉ dẫn cho họ con đường sáng suốt và những quy luật để có được thành công. Người thứ ba đó chính là diễn giả.
- Để trở thành diễn giả cần phải hội đủ những yếu tố nào?
- Để có một giờ nói chuyện hay, một diễn giả có thể phải mất nhiều năm chuẩn bị, bởi nó được tích lũy bằng kinh nghiệm sống, những nguyên tắc để thành công và hoàn thiện của bản thân. Nhiệm vụ của người diễn giả là nói cho người khác hiểu. Để lời nói thuyết phục, diễn giả không những phải luyện cho mình khả năng nói lưu loát mà còn phải có ý tưởng, truyền được cảm xúc cho người nghe. Muốn vậy, diễn giả phải nói bằng những gì họ đã trải qua, làm qua, mới có thể chạm đến tâm hồn, trái tim, qua đó truyền niềm tin sang người nghe. Trước khán giả, bạn kể lại những trải nghiệm và đúc kết của chính mình, chứ không phải diễn kịch theo đơn đặt hàng. Người diễn giả cần hội tụ những tố chất quan trọng như nói hay, diễn xuất tốt, có kiến thức sâu rộng, học hỏi và thực hành mọi lúc mọi nơi, tin tưởng vào con người và những điều tốt đẹp, phải là chính mình và cần có “cái tâm”.
- “Cái tâm” ở đây được hiểu như thế nào, thưa anh?
- Đó là mong muốn giúp người khác thành công bằng những điều rất thật. Đó có thể là trải nghiệm của chính bản thân người diễn giả hay kinh nghiệm được đúc rút từ những thành công và thất bại của những người khác nhau trong cuộc sống. Diễn giả là người đi tìm hiểu sâu một vấn đề, sự việc, nguyên lý hay quy luật nào đó để chia sẻ lại với người khác, giúp họ rút ngắn hơn khoảng thời gian trải nghiệm của bản thân để đi đến hành động và thành công. Muốn vậy, người diễn giả cần có cái tâm, niềm tin, kiến thức.
- Anh có lời khuyên nào cho những bạn trẻ có ước mơ trở thành diễn giả?
- Khi tôi mới bắt đầu chọn cho mình theo con đường của một diễn giả chuyên nghiệp tôi cũng đã rất “hồi hộp”, bởi vì đây là một công việc thật sự mới mẻ, liệu tôi có được chấp nhận, liệu tôi có được thành công? Nhưng tôi nhận ra rằng, mọi người rất cần được chia sẻ kinh nghiệm một cách thực sự để có rút ngắn khoảng cách đi đến thành công hoặc những tiềm năng của bản thân mà chính họ cũng chưa nhận ra nếu không có sự khơi gợi từ người có kinh nghiệm. Nếu tôi cho ai đó tiền, họ sẽ tiêu hết, thậm chí xin thêm và làm sao tôi có đủ tiền để cho được nhiều người. Nhưng nếu tôi có tài hùng biện, tôi sẽ giúp được nhiều người thoát khỏi sự bế tắc trong cuộc sống, tạo động lực để họ thay đổi suy nghĩ và sống có ích hơn. Niềm đam mê đó đã giúp tôi thành công.
Những bạn trẻ muốn đi theo nghề diễn giả, hãy biết tận dụng mọi cơ hội để trưởng thành, sống hết mình với niềm đam mê và dấn thân đến cùng.
TRUNG THÀNH (thực hiện)