Điện từ rác thải: Bước tiến mới từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương

Cập nhật: 10-01-2018 | 08:28:56

Sau 14 năm hoạt động, phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách; nhờ có sự chuẩn bị trước, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương đã làm tốt chức năng xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, khu liên hợp cho ra đời nhiều sản phẩm tái tạo hữu ích phục vụ cuộc sống và sự phát triển như vật liệu xây dựng, phân bón hữu cơ sinh học... Và hôm nay (10-1), nơi đây tiếp tục làm lễ khánh thành, đóng điện tổ hợp phát điện 820 KW từ rác thải.

 Từ lòng đam mê, trách nhiệm

Trước ngày khánh thành Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương giai đoạn 2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đã đến kiểm tra thực tế. Tại đây, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) - đơn vị thực hiện dự án theo ủy quyền của UBND tỉnh cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, lựa chọn công nghệ, giải pháp xử lý, trên tinh thần tự chủ, tự tin, tự giải quyết các nhu cầu phát sinh trong nhiệm vụ xử lý chất thải, công ty đã vươn lên làm chủ để tự xây dựng hoàn toàn 2/3 dự án, gồm: Tăng gấp đôi công suất nhà máy sản xuất phân compost từ 420 tấn/ngày lên 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp, công nghiệp nguy hại, rác y tế công suất 3 tấn/ngày. Chỉ còn dự án phát điện từ rác công suất 820 KW/ngày là phải hợp tác, nhập khẩu. Về lý thuyết, quy trình, công thức xử lý rác để tiếp tục sản xuất ra các vật chất hữu ích, phân bón, phát điện đều cho thấy khá đơn giản, rất dễ thực hiện, nhưng khi đi vào thực tế mới thấy vấn đề cực kỳ không đơn giản. Cho nên, đã có nhiều nơi khi khởi đầu thì rất rầm rộ nhưng lại kết thúc trong im lặng, bế tắc.

Ông Trần Thanh Liêm (phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tổ máy phát điện bằng khí biogas thu hồi từ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: DUY CHÍ

Năm 2015, khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào thăm Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, Biwase đã mày mò phát điện thử bằng máy “nghĩa địa” và đã thành công bước đầu. Được Phó Thủ tướng khuyến khích, động viên, công ty đã dồn sức nghiên cứu, lựa chọn công nghệ nhà cung cấp thiết bị. Do có sự chênh lệch giá quá lớn, từ 11 triệu euro so với dự toán là 9 triệu euro nên công ty đã chủ động xin Chính phủ không sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà chuyển sang huy động vốn trong nước và thực hiện theo phương thức hợp tác, chuyển giao công nghệ. Phần nào, thiết bị nào trong nước có, công ty làm được thì tự chủ; phần nào không sản xuất được thì nhập khẩu và từng bước chuyển giao công nghệ.

Tổ hợp sản xuất điện từ rác gồm 2 máy phát công suất 410KW/máy. Nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện là khí biogas phát sinh trong quá trình ủ rác. Điện sản xuất ra được hòa vào lưới, kết nối trực tiếp đến nhà máy sản xuất phân compost bằng hệ thống điều hành scada hoàn toàn tự động. Khi nhà máy tăng công suất hoạt động thì tổ hợp máy phát điện tự động tăng công suất phát và ngược lại.

Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương cho biết, ưu điểm của tổ hợp máy phát điện là tự động xử lý và hiển thị toàn bộ số liệu, dữ liệu lên màn hình giúp quá trình vận hành thuận lợi, nhanh chóng hơn. Cái khó hiện nay là công nhân vận hành nhà máy phải mất thêm nhiều thao tác so với sử dụng điện lưới trước đây, cụ thể là trước khi vận hành nhà máy phải tắt hẳn nguồn điện lưới để chuyển sang sử dụng nguồn điện rác. Vì vậy, xí nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đi kèm với tăng thu nhập cho người lao động nhờ tiết kiệm chi phí do sử dụng điện rác.

Trực tiếp tham gia nghiên cứu, thực hiện dự án, thạc sĩ Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương chia sẻ, muốn phát triển tốt phải có nền tảng ổn định, đó là tầm nhìn của ban lãnh đạo Biwase. Trước khi bắt đầu nhận rác, công ty đã chuẩn bị sẵn các hố chôn theo đúng quy chuẩn được bảo đảm chống thấm, chống tràn, có hệ thống thu gom nước rỉ rác. Quá trình chôn lấp, cán bộ kỹ thuật đã nghiên cứu tạo ra hệ thống ta-luy thay vì đổ xá như nhiều nơi đang làm. Việc này giúp thuận tiện trong quá trình thu khí, tiết kiệm chi phí trong xử lý nhờ tách hẳn nước mưa ra khỏi nước rỉ rác.

Từ lòng đam mê, gắn bó với công việc, đội ngũ kỹ sư đã đề xuất phương án “khoan giếng thu khí” giúp quá trình phản ứng diễn ra tốt hơn, biogas phát sinh nhiều và ổn định hơn. Kết quả kiểm chứng của các chuyên gia cho thấy hiện tại tính chất khí đã ổn định ở mức 55%, rất cao so với các dự án ở nước ngoài.

Tự chủ để vươn lên

Giới thiệu với đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra hoạt động các dự án tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương trước ngày khánh thành (giai đoạn 2), ông Thiền tự tin cho biết, khi chúng ta làm chủ được công nghệ, làm chủ được sản xuất thì tương lai phía trước đang mở ra với hàng chuỗi cơ hội tốt đẹp. Bởi vì đô thị càng phát triển thì rác, chất thải các loại cũng phát triển theo. Nếu không có tầm nhìn, giải pháp và công nghệ hợp lý thì rác trở thành vấn đề nan giải cho nền kinh tế, cho xã hội và cho môi trường. Ngược lại, với tầm nhìn và trách nhiệm, có sự chuẩn bị vững vàng ngay từ đầu thì rác trở thành nguồn tài nguyên quý.

Hiện tại, mỗi ngày Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại và 3 tấn rác y tế. Bằng giải pháp xử lý hạn chế chôn lấp, tiến tới xử lý, tái chế hoàn toàn rác thải, Biwase đã đầu tư giai đoạn I Nhà máy sản xuất phân compost công suất 420 tấn/ngày. Do được nghiên cứu cẩn thận đặc điểm dinh dưỡng cây trồng, đất đai và bổ sung thành phần khoáng, vi lượng, đa lượng hữu cơ sinh học, phân bón Con Voi Bình Dương đã mang lại kết quả tốt trên cây trồng, được nhà nông ưa chuộng.

Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Trung, Giám đốc bán hàng của Xí nghiệp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương cho biết, đã nhiều năm kinh nghiệm trong công tác bán hàng, gắn bó và được nhà nông tin tưởng, ông đã cùng nhà nông thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học sang kết hợp giữa phân hóa học với phân vi sinh nhằm hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ để tạo ra chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Tự tin với chất lượng của sản phẩm phân bón Con Voi Bình Dương, ông đã phần nào làm thay đổi cách tiếp cận giữa nhà sản xuất với đại lý theo phương châm “Cả ba cùng có lợi”.

Cùng với phân bón Con Voi Bình Dương, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương còn sản xuất ra các loại vật liệu xây dựng, trong đó có gạch ống truyền thống và gạch “con sâu” được các công trình đô thị tin dùng nhờ tính mỹ thuật cao, độ bền chắc, thẩm thấu tốt.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn thiếu thốn ban đầu và cơ hội khởi nghiệp phía trước, ông Thiền chia sẻ, giá xử lý rác thải ở Bình Dương luôn thấp so với các tỉnh, thành lân cận. Tuy vậy, cơ hội phát triển của ngành xử lý rác ở Bình Dương thì không dừng lại. Công tác thu hồi, tái chế sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh vừa góp phần gia tăng nguồn lợi, vừa góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng, môi trường và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các địa phương khác với chi phí thấp nhất.

 “Xử lý chất thải các thiết bị hao mòn rất nhanh do tiếp xúc nhiều với hóa chất, chất thải các loại. Phụ tùng, thiết bị do nước ngoài cung cấp có giá rất cao; chi phí bảo trì, bảo dưỡng cũng rất cao và mất nhiều thời gian. Nếu không chủ động, tự chủ được thì hệ thống sẽ dừng hoạt động, mức độ ô nhiễm cùng các vấn đề bức xúc khác sẽ phát sinh. Với đội ngũ kỹ sư lành nghề, đam mê, trách nhiệm với công việc đã ngày đêm tìm tòi, chế tạo ra các thiết bị thay thế hữu ích đã giúp đơn vị tự chủ, tiết kiệm trong mọi hoạt động. Có thể nói, nhà máy cơ khí là “trái tim” của khu liên hợp xử lý chất thải này”.

(Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase)

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1104
Quay lên trên