Đổ xô trồng tiêu: Nhiều rủi ro

Cập nhật: 10-12-2014 | 08:22:13

Thời gian gần đây mủ cao su rớt giá mạnh, trong khi đó hồ tiêu lại bán được giá cao. Chính vì thế nhiều hộ dân ở các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng sẵn sàng cưa, đốn cây cao su để… làm trụ trồng tiêu chạy theo lợi nhuận trước mắt. Nhưng nhiều bài học trong trước đây cho thấy, làm nông nghiệp theo phong trào rất dễ gặp rủi ro.

Cây tiêu lại được… “mặn mà”

Ở Bình Dương, xã An Bình, huyện Phú Giáo là “thủ phủ” cây tiêu. Vào thời đỉnh điểm (những năm 1999-2000) An Bình có đến hơn 350 ha tiêu. Lúc đó, người trồng tiêu ở đây không cần phải tốn quá nhiều thời gian, công chăm sóc, tiêu xanh được trồng rồi thu hoạch, thương lái đến tận rẫy thu mua.

Theo UBND xã An Bình, hiện toàn xã có 176 ha hồ tiêu, tăng khá nhanh so với 120 ha thời điểm năm 2010. Đang chăm sóc cho những trụ hồ tiêu cao lút đầu, ông Nguyễn Đình Vang ở ấp Cà Na cho biết, hiện nay toàn xã có đến hơn 50% số hộ trồng tiêu là trồng mới hoặc cải tạo lại vườn tiêu cũ sau thời gian bỏ bê chăm sóc. “Năm nay, tôi có 4.000 trụ tiêu cho thu hoạch. Được mùa, được giá nên sau khi khấu trừ mọi chi phí gia đình dự kiến thu lãi gần 1 tỷ đồng”, ông Vang nói.

Việc trồng cây hồ tiêu không theo quy hoạch, chạy theo giá cả thị trường mang lại nhiều rủi ro cho người nông dân. Ảnh: THANH QUANG

Ông Nguyễn Minh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình cho biết, trong vài năm gần đây do giá hồ tiêu tăng nhanh nên cây tiêu tại xã phát triển trở lại rất nhanh; đặc biệt là năm nay, nếu năm ngoái chỉ có 5 ha tiêu trồng mới thì năm nay diện tích trồng mới đã tăng lên hơn 25 ha. Nếu giá tiêu tiếp tục giữ giá cao như hiện nay, diện tích trồng tiêu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Điều khá bất ngờ là trong thời gian gần đây, sốt sắng với việc giá tiêu tăng cao, nhiều hộ nông dân ở các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng… không ngần ngại chặt bỏ cây cao su, vốn trước đó rất gắn bó với việc phát triển kinh tế gia đình để trồng hồ tiêu. Trên đường liên huyện khu vực xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cảnh một hộ dân tại đây cắt ngang 2 ha cây cao su 8 năm tuổi, chừa lại khoảng 3m thân cây để làm trụ tiêu.

Không nên theo phong trào

Năm 2011, khi giá tiêu thị trường lên cao, đạt mức 150.000 - 160.000 đồng/kg, chúng tôi tìm về xã An Bình với niềm khấp khởi vui mừng cho người nông dân được mùa, được giá. Nhưng khi đến nơi, sự phấn chấn của chúng tôi nhanh chóng biến thành sự thất vọng tràn trề. Bởi lẽ trước đó vài năm, sau giai đoạn phát triển theo phong trào ồ ạt, chạy theo lợi nhuận, vùng tiêu An Bình đã phải trả giá đắt. Tiêu được trồng theo kiểu cắm cọc, sơ sài, khâu chọn giống không được bảo đảm và thiếu sự chăm sóc, đầu tư đúng mức khi gặp “cơn bão” đại hạ giá đã khiến cây tiêu trở thành thứ phế vật cần loại bỏ.

Đến thời điểm năm 2011, dù được giá nhưng diện tích cây tiêu ở An Bình chỉ còn khoảng 120 ha, tức khoảng 30 - 35% so với thời điểm cực thịnh. Nhiều nông dân phải kêu trời vì tiêu, khi tiêu được mùa thì mất giá, đến lúc được giá thì lại vẫn… “tiêu” vì cây tiêu đã bị chặt bỏ để trồng cao su.

Giờ thì chính những người nông dân ấy lại bắt đầu quay lại... với cây tiêu. Dường như bài học chạy theo giá, theo phong trào trước đây vẫn chưa được nhiều hộ nông dân rút kinh nghiệm nên giờ đây khi giá mủ cao su xuống thấp, giá tiêu lên đến hơn 200.000 đồng/kg, nhiều gia đình lại đổ xô đi chặt cây cao su để quay lại trồng tiêu.

Ông Bùi Quang Chánh, Trưởng phòng Nông nghiệp Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp Bình Dương không có cây hồ tiêu, vì theo nghiên cứu cây này không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Dương nên cho năng suất thấp hơn rất nhiều so với các nơi khác trong cả nước. “Trồng cây hồ tiêu ở Bình Dương xưa nay chỉ là tự phát theo kiểu phong trào chứ không hề theo quy hoạch, định hướng nào của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, bà con chạy theo thị trường, chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu là không nên. Điều này dễ mang lại những hậu quả khó lường về sau”, ông Chánh nói.

Theo tính toán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tổng diện tích trồng cây hồ tiêu của Việt Nam hiện nay khoảng 60.000 ha trong khi theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đến năm 2020 chỉ khoảng 50.000 ha. Ông Trần Đức Tụng, Chánh Văn phòng VPA cho biết, mặc dù sản lượng tăng nhưng giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước, lại dễ bị rủi ro khi có biến động xấu về giá. Chính vì thế, tình trạng ồ ạt trồng tiêu đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, kể cả những địa phương không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu liên tục làm mất điểm hồ tiêu trong mắt đối tác.

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3114
Quay lên trên