Đoàn kết vượt khó, tạo đà phát triển - Kỳ 3

Cập nhật: 07-07-2021 | 08:26:47

Kỳ 3: Giữ vững an toàn địa bàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Trong suốt 2 năm qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, Bình Dương cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với sự năng động, nhạy bén trong chỉ đạo điều hành, lãnh đạo, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sát với từng giai đoạn phòng, chống dịch bệnh (PCDB), nỗ lực giữ vững an toàn địa bàn nên đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát về tổng thể. Trong bối cảnh đó, ngành y tế tỉnh cũng tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh (KCB), nâng cao sức khỏe nhân dân.

 Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Trong ảnh: Cán bộ y, bác sĩ ngành y tế tỉnh tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 3.000 cư dân tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: MINH DUY

 Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Bình Dương xuất hiện ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 31-1-2021 và đến nay đã ghi nhận 772 ca. Riêng trong đợt dịch lần thứ 4 này (tính từ ngày 30-5), tỉnh ghi nhận 766 ca. Đa phần các ổ dịch trong cộng đồng đã được kiểm soát. Từ ngày 14-6 đến nay, dịch bệnh xảy ra tại một số công ty nằm đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân nhưng với sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp.

Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh kiên trì thực hiện mục tiêu kép, tùy từng lúc, từng thời điểm để ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch hay nhiệm vụ phát triển kinh tế. Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phân công, phân cấp, xác định rõ hơn vai trò của từng cấp, từng ngành, cá thể hóa trách nhiệm nên việc lãnh đạo, tổ chức PCDB đã khắc phục tình trạng lúng túng ban đầu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh đã nghiêm túc chuyển trạng thái chống dịch với những chiến lược cao nhất, siết chặt quản lý đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 và các khu vực phong tỏa.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong đợt dịch lần thứ 4, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sát với từng diễn biến mỗi ngày của dịch bệnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND trên cơ sở các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với chỉ thị này, tỉnh vừa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn, hỗ trợ của cấp trên, vừa phát huy tính sáng tạo, chủ động của cấp dưới để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Phương châm PCDB của tỉnh được quán triệt xuyên suốt là “4 tại chỗ” tránh bị động, lúng túng, đáp ứng với từng tình huống dịch bệnh. Tỉnh cũng thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi vừa làm vừa hoàn thiện dần.

Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, tùy từng lúc, từng thời điểm để ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch hay nhiệm vụ phát triển kinh tế. Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phân công, phân cấp, xác định rõ hơn vai trò của từng cấp, từng ngành, cá thể hóa trách nhiệm nên việc lãnh đạo, tổ chức PCDB đã khắc phục tình trạng lúng túng ban đầu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh đã nghiêm túc chuyển trạng thái chống dịch với những chiến lược cao nhất, siết chặt quản lý đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 và các khu vực phong tỏa.

Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát tốt hơn nữa tình hình dịch bệnh trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp. UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai ngay cho các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp thực hiện nghiêm “Hướng dẫn các phương án PCDB khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; đẩy mạnh giải pháp quản lý thông tin cán bộ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp quyét mã QR để PCDB”.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng là tác nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế. Do đó, tỉnh chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng nền y tế thông minh. Ứng dụng công nghệ trong điều tra, truy vết, tỉnh được Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phân tích dữ liệu, khoanh vùng dập dịch hiệu quả. Hiện nay, tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh đều triển khai các ứng dụng khai báo y tế điện tử qua QR, hình thức họp trực tuyến được sử dụng thường xuyên hơn trong hoạt động PCDB. Trong khi đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện cũng được trang bị hạ tầng CNTT ở mức cơ bản, nâng cao.

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết lợi ích của công nghệ số, ứng dụng CNTT trong chẩn đoán bệnh, giảm tối đa lỗi do con người gây ra, tăng độ chính xác và quản lý bệnh nhân tốt hơn. Thông qua nền tảng CNTT, các cơ sở y tế tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn định kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. “Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị công lập và ngoài công lập đều thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu KCB với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện việc giám định, thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế. Đến thời điểm này, gần như tất cả các bệnh viện, phòng khám có phần mềm quản lý KCB. Việc thanh toán bảo hiểm đã được đẩy lên cổng dữ liệu nên khi bệnh nhân vào bệnh viện khám xong thì lập tức dữ liệu được đẩy lên cổng dữ liệu của Bộ Y tế”, ông Hà nói.

Ghi nhận thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một cho thấy các đơn vị này đã triển khai phần mềm VNPT-HIS tại 84 Trạm Y tế xã, phường góp phần phục vụ hoạt động KCB. 7 Trạm Y tế tại TP.Dĩ An sử dụng phần mềm HIS của Viettel kể từ ngày 1-1-2020. Ngoài ra, ngành y tế còn sử dụng nhiều phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành về tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, quản lý hành nghề.

Ngành cũng đưa phần mềm quản lý dược đi vào hoạt động; phối hợp Cục CNTT, Bộ Y tế hoàn thành xây dựng dữ liệu bản đồ số các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch triển khai, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiếp tục thực hiện Dự án CNTT giai đoạn II. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Bình Dương tiến hành triển khai mạng kết nối, chia sẽ dữ liệu, trao đổi chuyên môn y tế và tiến tới thực hiện chữ ký điện tử trong lĩnh vực y tế.

Hy vọng với nỗ lực ứng dụng CNTT cùng những giải pháp chiến lược của tỉnh sẽ tạo đà kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất cũng như chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân (còn tiếp).

 Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 1.954 ca, tăng 805 ca so với cùng kỳ, bệnh tay chân miệng có 1.037 ca, tăng 706 ca. Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu hướng tăng, Bình Dương chủ trương kết hợp giữa PCDB Covid-19 với các dịch bệnh khác (sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà) và quyết tâm không để “dịch chồng dịch”. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố tích cực điều tra ca bệnh, xác định ổ dịch hàng ngày... đặc biệt, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của các cơ sở giáo dục, ký túc xá trên địa bàn. Ngành y tế khuyến cáo mỗi người, mỗi nhà nên chủ động phòng bệnh bằng biện pháp đơn giản như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà, nơi ở của mình.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=607
Quay lên trên