Đoàn Lai Uyên: Người bảo tồn và nhân giống lan rừng

Cập nhật: 24-05-2016 | 09:41:22
Sinh ra và trưởng thành ở vùng đất giàu chiến tích cách mạng với chiến thắng Bàu Bàng lịch sử, anh Đoàn Lai Uyên (ở ấp Xà Mách, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) đã nặng nợ với cây lan rừng và vươn lên làm giàu từ những giò lan.


 Anh Đoàn Lai Uyên bên vườn lan của mình. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Từ niềm đam mê

“Mình thích hoa lan rừng từ lúc còn nhỏ. Chăm sóc lan rừng không giống như chăm sóc các loại hoa khác, phải chăm chút và kiên nhẫn. Sau thời gian trồng chủ yếu để chơi, tôi đã quyết định chuyển sang trồng lan rừng theo hướng công nghiệp để kinh doanh. Có thể nói, đây là quyết định khá liều vào thời điểm đó”, anh Đoàn Lai Uyên chia sẻ.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm trồng lan nên anh Uyên gặp không ít khó khăn, lan chết nhiều. Sau gần 5 năm mày mò nghiên cứu kỹ thuật trồng lan trên mạng, qua sách báo, bạn bè và tham quan các mô hình trồng lan rừng tại một số địa phương khác anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy, đến nay vườn lan của anh luôn đạt tỷ lệ sống từ 90 - 100%.

Hiện tại, vườn lan rừng của anh Uyên có hơn 1.000 giò lan, nhiều loại lan đẹp, quý như dã hạc, nghinh xuân, hài mốc hồng, hài thân tím, phi điệp vàng, giáng hương, đuôi cáo… Anh Uyên cho biết, ban đầu anh tìm mua những loại lan rừng từ một số người bạn ở địa phương, sau đó anh đi thu mua lan tại nhiều địa phương trong Nam lẫn ngoài Bắc đem về trồng và phát triển vườn lan.

Theo anh Uyên, so với các loại cây cảnh khác, việc chăm sóc lan rừng vừa dễ vừa khó. Lan rừng phát triển tốt trên các giá thể như thân cây, gỗ, trụ xi măng…, có thể cả năm không chăm sóc nhưng lan vẫn sống. Bằng chứng là khi bạn bè đến thăm vườn lan, anh hay gửi tặng họ một vài giò ngọc điểm hoặc dã hạc về chơi. Nhiều người đem về vứt ở một góc nào đó trong vườn, năm thì mười họa mới tưới nước một lần. Còn chuyện bón phân cho lan chắc rất ít khi có, ấy thế vào mùa thì lan của mấy người bạn vẫn nở hoa bình thường.

Thu lãi hàng trăm triệu đồng

Anh Uyên cho biết, đối với các loại lan rừng thì dòng hoàng thảo là dễ trồng và dễ chăm sóc. Các dòng lan hoàng thảo như dã hạc, long tu, ý thảo… có khả năng nhân giống cao, chỉ cần mua giống một lần rồi tự nhân giống để trồng cho các đợt sau nên sẽ tiết kiệm nhiều chi phí.

Để tận dụng diện tích không gian vườn sẵn có, anh Uyên đã đầu tư mở rộng vườn lan thành nhiều tầng với diện tích hơn 1.000m2, mỗi tầng thích hợp với một loại lan. Với giá bán trung bình hiện nay từ 200.000 - 400.000 đồng/giò, những loại lan quý, độc đáo có giá từ 1 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng/giò; cùng với việc cung cấp các giò lan, lan giống trung bình mỗi năm anh có lãi hơn 150 triệu đồng.

Không chỉ trồng và chăm sóc các loại lan rừng, anh Uyên còn học hỏi phương pháp nhân giống lan rừng để bảo tồn các loại lan quý, hiếm của Việt Nam. “Lan rừng giống như gỗ quý hay thú rừng, càng ngày càng ít. Một số loài lan rừng rất khó nhân giống trong tự nhiên (các loài lan đơn thân), mà nguồn cung lại chủ yếu là từ trong rừng. Ở Việt Nam hiện nay, các loại lan quý hiếm ở trong rừng dường như không còn, chỉ còn ở Lào hay Campuchia”, anh cho biết. Vì thế, anh đã bỏ ra hơn 2 năm nghiên cứu nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô và bước đầu đã thành công. Theo đó, anh đã nhân giống thành công một số giống lan hoàng thảo và một số giống quý, hiếm của Việt Nam.

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1247
Quay lên trên