Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đã cơ bản thống nhất cắt giảm tới 99% dòng thuế hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào EU trong thời gian tới. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, ngành may mặc tỉnh Bình Dương sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường EU. Để hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức ở thị trường EU đối với mặt hàng may mặc, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc tỉnh Bình Dương.
Hoạt động sản xuất tại Công ty May mặc Chutex (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TX.Dĩ An). Ảnh: XUÂN THI
- Tình hình XK của các thành viên hiệp hội sang thị trường EU hiện nay và dự kiến trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
- Hiệp hội May mặc tỉnh Bình Dương hiện có 55 thành viên. Đa số thành viên đều có đơn hàng XK lớn đến thị trường châu Á và Mỹ; riêng EU hiện chỉ chiếm số lượng rất khiêm tốn. Hiệp hội đã thấy tiềm năng to lớn đối với thị trường EU khi dòng thuế may mặc được cắt giảm, hàng may mặc của Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội tham gia thị trường tiềm năng này.
Năm 2014, kim ngạch XK hàng may mặc của tỉnh Bình Dương đạt 2,030 tỷ đô la Mỹ, chiếm 11,4% tổng kim ngạch XK của cả tỉnh trong năm. Con số cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ngành may mặc tỉnh Bình Dương. Trong thời gian tới, thị trường EU rộng mở chắc chắn mặt hàng may mặc vẫn sẽ là nhóm hàng chủ lực tham gia XK sang thị trường này.
- Theo ông, hội viên của hiệp hội có những lợi thế cũng như khó khăn gì khi tham gia XK sang thị trường EU?
- Thuận lợi là hội viên của hiệp hội luôn nhận được các thông tin, chính sách, chương trình từ UBND tỉnh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Sở Công thương, các sở, ban ngành và hiệp hội có liên quan. Bình Dương cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi gặp mặt các doanh nghiệp (DN) may mặc để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận chủ đề giúp ích cho các hội viên trong công tác quản lý sản xuất và lao động.
Bên cạnh đó, hiện các hội viên ngành may, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu... đang liên kết tạo chuỗi giá trị để giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài nước về năng lực của các DN trong quá trình sản xuất hàng thời trang. Hiệp hội cũng đang đề xuất phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) hoặc vị trí khác ở Bình Dương để độc lập về nguồn nguyên phụ liệu, không lệ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Về khó khăn, đó là nhiều hội viên thường xuyên bận công tác nước ngoài nên việc giao lưu giữa các hội viên còn hạn chế; một số hội viên hoạt động độc lập, nguyên nhân chủ yếu là DN nước ngoài hoạt động chịu sự quản lý từ công ty mẹ ở nước ngoài. Khó khăn nữa là hiện Bình Dương chưa có chính sách ưu đãi riêng cho hội viên của hiệp hội nên ít thu hút được DN tham gia. Điều này làm cho hiệp hội rất khó tập hợp, quy tụ tiềm lực kinh tế, chất xám cùng nhau tạo ra sức mạnh to lớn hơn để đưa ngành may mặc Bình Dương thật sự trở thành một thương hiệu mạnh, mang tầm khu vực.
- Trước làn sóng DN đầu tư nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, các DN của hiệp hội đang và sẽ gặp những thách thức gì?
- Thách thức đầu tiên là chi phí sẽ tăng cao do giá xăng, dầu, điện không còn được Nhà nước hỗ trợ sau khi các FTA được ký và thay đổi chính sách về lương tối thiểu, đóng bảo hiểm xã hội... Điều này sẽ dẫn đến các chi phí khác tăng lên. Bên cạnh đó là thách thức về lao động do đa số lao động tại Bình Dương đến từ các tỉnh khác. Hiện nay, các tỉnh khác cũng có nhiều chính sách ưu đãi, giá đầu tư rẻ, giao thông thuận tiện... nên cũng thu hút nhiều nhà đầu tư, điều này đã gây không ít khó khăn cho các DN tại Bình Dương.
- Xin ông cho biết, hiện nay DN thực hiện các hình thức liên kết ra sao. Hiệp hội sẽ có những định hướng gì trong thời gian tới?
- Hình thức liên kết của DN hiện nay là từ chuỗi cung ứng của các DN tạo sức mạnh khép kín để giới thiệu đến khách hàng trên thế giới. Ngành may mặc đang liên kết rất tốt với các công ty chuyên dệt, nhuộm, nguyên liệu hỗ trợ may mặc đã giúp các DN may mặc chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguyên phụ liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên trong thời gian tới, các hình thức liên kết cần phải được đa dạng, phong phú hơn nữa mới tạo ra chuỗi liên kết bền vững, đủ tiềm lực vốn, kỹ thuật, chất xám để nâng tầm ngành may mặc của Bình Dương khi xu hướng toàn cầu hóa ngày càng diễn ra sâu rộng.
Định hướng trong thời gian tới của hiệp hội là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với chính sách ưu đãi của UBND tỉnh Bình Dương cho ngành may. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về chính sách quản trị lao động với tiêu chí ít lao động, tay nghề giỏi, lương cao... nhằm ổn định hóa lao động, thay đổi năng lực cạnh tranh, đồng thời thu hút lao động từ nhiều tỉnh khác đến và xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho lao động Bình Dương.
Hiệp hội cũng sẽ xin chủ trương của tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề quy mô lớn tại Bình Dương. Hội thảo phải quảng bá những chính sách, ưu đãi của tỉnh Bình Dương để thu hút các nhà đầu tư. Mục đích là qua hội thảo giúp DN và lãnh đạo tỉnh Bình Dương xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn để từ đó có những cơ chế, chính sách phù hợp giúp ngành may mặc ngày càng lớn mạnh và có uy tín trên thị trường toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!
PHÙNG HIẾU (thực hiện)