Ngoài các lợi thế có được khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), việc tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại được xem là các công cụ hợp pháp, hiệu quả hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đối tác Thụy Sĩ thăm Nhà máy Chế biến gỗ Công ty Tiến Hưng (TP.Thuận An)
Nắm vững quy định
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều FTA như ASEAN, ASEAN+ và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò tích cực với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập quốc tế.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trong 13 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Canada, gỗ dán của Việt Nam bị cảnh báo mức độ 4, mức độ cao nhất. Thực tế này đang khiến nhiều DN xuất khẩu gỗ lo ngại. Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), ngành gỗ đang rất lo lắng về nguy cơ bị một số nước áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số mặt hàng gỗ. Hiện nay, 2 mặt hàng đang có nguy cơ cao nhất là tủ bếp và gỗ dán. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng đồ gỗ nước ngoài đội lốt đồ gỗ Việt Nam để xuất khẩu, bị áp thuế CBPG từ các thị trường quan trọng, nguy cơ với ngành gỗ là rất lớn.
Cụ thể hơn, mới đây, Cục Phòng vệ thương mại đã có công văn hỏa tốc gửi các hiệp hội chế biến gỗ thông báo về việc Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng của Mỹ đã gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng xuất khẩu từ Việt Nam. Không chỉ với thị trường Mỹ, Bộ Thương mại, Công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc cũng đã ban hành quyết định đề nghị Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc áp dụng thuế CBPG từ 9,18 - 10,65% đối với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Khi đưa ra quyết định nói trên, Bộ Thương mại, Công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc, cho rằng, giá các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam khá bất thường, làm ảnh hưởng xấu tới ngành công nghiệp gỗ dán Hàn Quốc. Thị trường gỗ dán Hàn Quốc hiện có quy mô xấp xỉ 900 tỷ Won, trong đó, gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 45%.
Trước tình hình đó, BIFA kiến nghị biện pháp hàng đầu là các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra để loại bỏ các dự án đầu tư với mục đích mượn xuất xứ là hàng Việt Nam. Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần siết chặt hơn nữa việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O), đặc biệt là khi cấp C/O cho các DN có vốn Trung Quốc, đối với gỗ dán, tủ bếp… xuất khẩu, nhất là xuất sang Mỹ, Hàn Quốc.
Với Hiệp hội Dệt may, cùng với nỗi lo dịch bệnh Covid-19, ngành dệt may lo lắng khi vẫn phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên phụ liệu vào Trung Quốc và nguyên liệu này lại không được thị trường châu Âu chấp thuận. Để khắc phục, Hiệp hội Dệt may cho rằng, với những DN không gia công, có hai phương án lựa chọn. Một là tự sản xuất vải hoặc tìm mua nguyên liệu trong nước. Hai là nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có hiệp định thương mại song phương với châu Âu như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây là vấn đề ngành dệt may hết sức cân nhắc khi giá thành sản phẩm sẽ lên rất cao, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Một vấn đề nữa của ngành dệt may là rất nhiều DN đang xuất khẩu vào EU là các DN nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, cộng thêm vào đó các DN còn chưa am hiểu về luật, ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp…
Đại diện các DN ngành thép cũng khẳng định, việc bảo hộ thương mại đang gia tăng trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đặc biệt, các vụ kiện đến từ các thị trường chính của Việt Nam như các nước ASEAN, Hoa Kỳ, EU... Theo đó, sau những vụ kiện như vậy, DN Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu..
Chủ động đề xuất giải pháp
Cùng với các giải pháp về phòng vệ thương mại, để thuận lợi trong xuất khẩu, các DN cần chủ động đề xuất với các cấp chính quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đầu tháng 8-2020, việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất ngành hải quan ra văn bản áp lại mã HS đối với mặt hàng gỗ ghép thanh xuất khẩu là một minh chứng cho tính chủ động của ngành gỗ trong việc đối thoại với các cấp chính quyền. Tổng cục Hải quan đã đối thoại với các DN, hiệp hội DN và cơ quan liên quan để xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sử dụng để quyết định áp dụng mã HS phù hợp với nhóm các mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm.
Ông Phạm Hoàng Thông, Công ty Mộc Cát Tường (Đồng Nai) cho biết, quy trình sản xuất mặt hàng này bao gồm gỗ cao su dạng thanh đã qua cưa xẻ, tẩm sấy chống mối mọt sau khi nhập về được cắt chọn, bào hai mặt, bào hai cạnh bằng máy chuyên dụng. Thanh cao su sau đó được phân loại chất lượng phôi, lựa màu, đánh mọng để tạo mọng âm dương hình răng lược ở hai đầu để ghép dọc thành các thanh dài. Các thanh ghép dọc đạt yêu cầu sẽ được bào cạnh rồi sau đó ghép ngang. Sản phẩm sau ghép được cắt theo quy cách, chà nhám để chà sạch keo thừa, tạo độ láng tuyệt đối và bảo đảm kích thước cuối cùng theo yêu cầu của đơn hàng. Do đó, công ty này không đồng ý kết quả phân loại và đề nghị xem xét lại để được phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 hoặc nhóm 44.21 (hưởng thuế xuất khẩu 0%).
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An), cho rằng trước đây Bộ Tài chính đã từng có Công văn 9365/BTC-VCST ngày 1-7- 2009 hướng dẫn về việc phân loại mã HS mặt hàng tấm gỗ ghép từ các thanh gỗ. Việc phân loại về nhóm 44.07 làm ảnh hưởng rất lớn, cần cho DN xuất khẩu theo mức thuế 0%, để tạo thuận lợi cho DN.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, cơ quan hải quan tiếp tục xác định rõ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy cách sản phẩm trên nguyên tắc cụ thể, công khai, minh bạch, công bằng để quyết định việc áp mã HS phù hợp cho sản phẩm. Nhằm giải quyết và hỗ trợ DN tháo gỡ vướng mắc, ông Lưu Mạnh Tưởng đề nghị hải quan tại nơi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa của các DN tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ DN thực hiện xuất khẩu hàng hóa như bình thường, trước mắt là để DN hưởng mức thuế suất 0%.
TIỂU MY