Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Cập nhật: 28-08-2024 | 08:54:55

Trong bối cảnh hiện nay, việc kết hợp chuyển đổi số (CĐS) với chuyển đổi xanh trở thành xu thế phát triển tất yếu đối với doanh nghiệp (DN). Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi sự chủ động và tích cực của DN để mang lại lợi ích bền vững cho DN, cộng đồng xã hội, môi trường và quốc gia.

 Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng

 Mạnh dạn chuyển đổi kép

Xác định vai trò chủ thể quan trọng trong tiến trình chuyển đổi kép (CĐS, chuyển đổi xanh), các DN trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tích cực CĐS, từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ của mình trên thị trường.

Theo ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương (TP.Thuận An), trong ngành dệt may hiện có nhiều DN ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả cho thấy, các DN này gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trước yêu cầu của khách hàng là nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì DN không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế, các DN dệt may Việt Nam đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) sẽ có đơn hàng nhiều hơn.

“Cùng với việc ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa các quy trình quản lý, tiết kiệm nguồn lực, Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương còn chú trọng chuyển đổi xanh thông qua áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường”, ông Phan Thành Đức cho biết thêm.

Ông Lưu Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng, cho hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các DN. Để phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng trước những biến động lớn của nền kinh tế thế giới thì chuyển đổi kép chính là con đường mang lại hiệu quả cao nhất, trong thời gian ngắn nhất.

“Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng sản xuất ống gió, phụ kiện ống gió, van gió, cửa gió và thi công lắp đặt hệ thống ống thông gió cho các nhà máy, phân xưởng sản xuất tại các khu công nghiệp, chung cư cao tầng… Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền, máy móc tự động và bán tự động 100% nhập khẩu, từng bước đáp ứng những đơn hàng có khối lượng lớn của đối tác. Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh để sản xuất ra hệ thống máy móc điều khiển thông minh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Công ty cũng chú trọng yếu tố sản xuất xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường để đáp ứng tiêu chí xanh trong sản xuất... ”, ông Lưu Trí chia sẻ.

Nhiều cơ chế khuyến khích

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng của CĐS, chuyển đổi xanh, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy CĐS, chuyển đổi xanh trong DN.

 Nguồn vốn khuyến công tỉnh đã hỗ trợ Hợp tác xã Nấm Ngon Việt (huyện Dầu Tiếng) sản xuất sản phẩm theo hướng xanh, bảo vệ môi trường

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết thời gian qua trung tâm tích cực nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình khuyến công tại địa phương, qua đó hỗ trợ các cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại. Thông qua các chương trình này cũng cho thấy sự nỗ lực của DN vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất trong quá trình CĐS, xây dựng và khẳng định thương hiệu. Ngành công thương cũng tích cực hỗ trợ DN áp dụng quy trình 5S (sắp xếp, sắp đặt, sạch sẽ, sáng suốt, tự giác) trong quá trình sản xuất để xây dựng, duy trì môi trường làm việc thân thiện, sạch sẽ, an toàn…

Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh việc CĐS trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở; đồng thời hỗ trợ các cơ quan, DN nâng cao nhận thức và năng lực CĐS để chủ động tham gia vào quá trình phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình phát triển xanh, phát triển bền vững gắn với nhiệm vụ từng cấp, từng ngành, địa phương. Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng DN cũng phải có tâm thế sẵn sàng, tăng cường mọi nguồn lực để CĐS, chuyển đổi xanh thành công.

 Thông qua quy hoạch tỉnh và các chính sách hỗ trợ, Bình Dương đang vận động, khuyến khích các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở phía bắc của tỉnh. Về lĩnh vực thu hút đầu tư, Bình Dương đang ưu tiên đầu tư vào những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, công nghệ tự động hóa…

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=353
Quay lên trên