“Từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quyết định như QĐ 12 về ưu tiên phát triển công nghiệp (CN) hỗ trợ; QĐ 1483 về danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên… nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp sản xuất CN hỗ trợ nào trong nước có thể tiếp cận được các ưu đãi. Chỉ có một doanh nghiệp (DN) nước ngoài duy nhất được lọt vào danh sách hưởng chính sách ưu đãi này. Một vài DN trong nước khi nhận được thông tin đã nộp hồ sơ xin được hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ, nhưng sau đó đành bỏ cuộc”, đó là phát biểu của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công thương tại Hội thảo Tham vấn dự thảo Nghị định về phát triển CN hỗ trợ, tại TP.HCM vừa qua.
Theo Vụ Pháp chế, đến nay cả nước có khoảng 500 DN cung ứng phụ tùng, vật tư cho các ngành CN xe máy, ô tô, điện tử… Tuy nhiên, tỷ lệ cung ứng của ngành CN hỗ trợ trong nước cho các ngành ô tô, điện tử, đóng tàu… chỉ đạt từ 10 - 15%. Số lượng DN đầu tư sản xuất CN hỗ trợ còn quá ít so với tổng số DN của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, thách thức hội nhập AFTA đến năm 2018 đang đặt ra áp lực ngày càng nặng nề cho các ngành CN chế tạo trong nước.
Góp ý cho dự thảo nghị định mới về phát triển CN hỗ trợ lần này, các ý kiến cho rằng đã có những điểm mới, nhưng chủ trương của Chính phủ cần đi vào cuộc sống. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, các bộ, ngành cần phối hợp với nhau để thống nhất, đưa ra được chính sách ưu đãi hỗ trợ các DN trong nước phát triển, giảm lệ thuộc nhập khẩu. Theo các đại biểu, dự thảo nghị định mới lần này cần chi tiết hóa các ưu đãi hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, lãi suất và chính sách về đất đai đối với các DN CN hỗ trợ. Các thủ tục trong quá trình triển khai chính sách cần đơn giản, phân cấp quyền hạn rõ ràng, tránh thủ tục rườm rà khiến DN đi lại tốn kém; phát sinh cơ chế xin - cho…
K.T (tổng hợp)