Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thay đổi để ra “biển lớn”

Cập nhật: 05-05-2016 | 07:04:58

Với các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết, nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của nước ta sẽ chịu nhiều áp lực nhất.

 Phải thay đổi để tồn tại

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương khác. Sự hội nhập của nền kinh tế nước nhà ngày càng diễn ra nhanh và mạnh trên bình diện rộng lẫn chiều sâu. Điều đáng quan tâm nhất là hiện nay, nước ta có hơn 90% DN thuộc loại vừa và nhỏ, trong đó trên 70% là DN siêu nhỏ. Những DN này được đánh giá là vừa yếu vừa thiếu về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực… để đáp ứng cho nhu cầu hội nhập.

Theo ý kiến của các chuyên gia, kinh tế phẳng (có thể hiểu là hàng hóa, dịch vụ, lao động, môi trường… tự do hoạt động, không còn rào cản giữa các nước) sẽ mở đường cho sự cạnh tranh sòng phẳng về hàng hóa, dịch vụ, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp… Điều đó đòi hỏi DN phải thay đổi mới tồn tại trong môi trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Đối với các DN Nhà nước, tập đoàn kinh tế quen với kiểu làm ăn theo cơ chế “xin cho”, chạy “dự án”... sẽ phải thay đổi, làm mới tất cả trong cung cách và tư duy làm ăn. Bởi nền kinh tế đã mở rộng biên độ giao lưu và chúng ta buộc phải “chơi” bằng luật quốc tế với các FTA đã ký kết. Với DN nhỏ và vừa lâu nay vốn còn yếu về vốn, thích nghi kém với biến động của suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ rất khó tồn tại nếu không có sự thay đổi toàn diện. Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương nhìn nhận, có muốn hay không muốn chúng ta vẫn phải thực hiện đúng cam kết với các đối tác trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm… nhưng không bảo đảm cho tất cả DN tồn tại trước làn sóng hội nhập. Ngoài việc phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, đầu tư công minh bạch…, yếu tố môi trường cũng chính là thử thách rất lớn đối với các DN lâu nay quen với kiểu làm ăn thiếu trách nhiệm với môi trường.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước phải tăng
sức mạnh nội lực, liên kết, hợp tác… để tồn tại trong hội nhập.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuất nhập
khẩu điều Việt Hà (Vietcashew), TX.Thuận An. Ảnh: XUÂN THI

Tăng sức mạnh “bó đũa”

Theo con số thống kê, hiện cả nước có khoảng trên 500.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97,5% tổng số DN trong nước. Mặc dù đông về số lượng nhưng trên thực tế, các DN nhỏ và vừa vẫn còn rất yếu kém về thực lực tài chính, quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp. Theo định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, số lượng DN trong cả nước sẽ phải tăng thêm gấp 10 lần hiện nay để tăng cường sức mạnh nội lực cho chính nền kinh tế Việt Nam, vốn đang lệ thuộc nhiều vào các DN nước ngoài. Chính vì thế, cụm từ “khởi nghiệp” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việt Nam sẽ phải vận dụng mọi nguồn lực để đưa quốc gia khởi nghiệp trước bối cảnh mới.

Hiện may mặc và giày da của Bình Dương đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp nhiều vào giá trị xuất khẩu của cả nước. Nhưng giá trị đem lại hơn 70% là từ nguồn nguyên liệu và sức lao động. Nếu so sánh với thương hiệu Nike, Adidas… chúng ta dễ dàng nhận thấy cùng với một sản phẩm công dụng giống nhau nhưng giá trị chênh lệch quá lớn. Đó là do DN của Bình Dương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về chất xám để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tuy vậy, các hiệp hội ngành hàng của Bình Dương cũng đã và đang chủ động nhằm đón nhận những cơ hội và thách thức từ các FTA đem lại. Đơn cử như Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), một trong những nhóm ngành hàng chịu nhiều tác động trong quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguồn nguyên liệu để hạn chế các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khai thác rừng, gây tổn hại môi trường tự nhiên là một cam kết bắt buộc. Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA chia sẻ, đón đầu xu thế kinh tế toàn cầu, các hội viên đều có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trước và sau khi các FTA có hiệu lực. Hiện nay, hội viên của BIFA không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu gỗ mà còn có doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu phụ trợ ngành gỗ, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải..., tạo ra chuỗi liên kết nâng sức mạnh tổng hợp cho BIFA khi đưa ngành gỗ vươn xa hơn.

Để hội nhập thành công, những năm gần đây, Bình Dương đã kêu gọi nhiều DN đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp tri thức, công nghệ cao. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số khu công nghiệp chuyên cho lĩnh vực này và đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Hội nhập kinh tế là xu thế bắt buộc chúng ta phải lựa chọn, các DN nhỏ và vừa cần phải tăng cường tiềm lực đồng vốn lẫn khả năng tồn tại, thích ứng với biến động của nền kinh tế toàn cầu. Có như thế, “bó đũa” DN của Việt Nam mới thật sự là một khối vững chắc, vững vàng trong hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

 PHÙNG HIẾU 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên