Doanh nghiệp nhộn nhịp hoạt động đầu năm

Cập nhật: 22-02-2018 | 00:06:31

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán.

 Tại Công ty Gỗ Sadaco từ mùng 4 tết (19-2) đã bắt đầu làm việc trở lại. Đại diện công ty cho biết, một số bộ phận kỹ thuật của công ty đã vào làm sớm, tỷ lệ công nhân vào công ty làm từ mùng 6 tháng giêng khoảng 50%. Tuy chưa đủ nhân lực nhưng Sadaco vẫn động viên người lao động làm việc để giao hàng trong những ngày cuối tháng 2 dương lịch

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt. Ảnh: XUÂN VĨ

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long cho biết, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc hiện đạt khoảng 30%. Ngày 22-2 (tức mùng 6 tết), công ty hoạt động trở lại nhưng vẫn phải chờ đầy đủ quân số mới có thể vận hành bộ máy sản xuất “trơn tru”. Còn theo ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Gỗ Kim Thành A, năm 2017 ngành gỗ của Bình Dương đã có một năm thắng lớn trên thị trường xuất khẩu.

Năm 2018 được dự đoán tiếp tục có nhiều thuận lợi cho ngành gỗ khi lộ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực. Công ty chọn ngày mùng 9 tháng giêng (tức ngày 24-2) để bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh, với lý do vừa chọn được ngày đẹp vừa giúp người lao động có thêm thời gian nghỉ tết bên gia đình…

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, nhiều doanh nghiệp thành viên hiện đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý II-2018. Những doanh nghiệp này không khí sản xuất đang diễn ra rất khẩn trương. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt cho hay, trong tháng 2 công ty xuất khẩu khoảng 30 container hàng hóa, tháng 3 dự kiến xuất khẩu 50 container sản phẩm gỗ cho thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nhờ có chế độ đãi ngộ tốt và khuyến khích người lao động đi làm sớm nên ngày đầu tiên làm việc, tỷ lệ công nhân đi làm trở lại tại công ty đạt hơn 80%.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, lượng đơn hàng xuất khẩu năm 2017 của các thành viên tăng từ 8 - 10% so với năm 2016, nguyên nhân trước hết là nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn của thị trường EU. Bên cạnh đó, các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Bình Dương đang dần khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế và được khách hàng EU ưa chuộng. Cùng với đó, giá nguyên liệu của ngành da giày ổn định, không tăng so với năm trước cũng góp phần tạo nên thành công cho ngành da giày của Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp da giày đã hoạt động trở lại bìnhh thường để bảo đảm đúng tiến độ giao hàng cho đối tác.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA chia sẻ, nếu có được nguồn nguyên liệu dồi dào, cùng với sự quyết tâm thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp gỗ trong nước nói chung, doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương nói riêng thì hoàn toàn có thể tăng thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, ngành gỗ cả nước đang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm nay, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2018 của Bình Dương ước đạt 2,651 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sản phẩm gỗ đạt 382,5 triệu USD, dệt may đạt 315,3 triệu USD, giày da 266,3 triệu USD… EU vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Sau khi Mỹ từ chối ký Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Duơng (TPP) đã làm cho không ít doanh nghiệp tiếc nuối. Tuy vậy, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực sẽ mở đường cho rất nhiều mặt hàng, sản phẩm khác của Bình Dương thâm nhập sâu rộng vào thị trường giàu tiềm năng này.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=548
Quay lên trên