Doanh nghiệp nỗ lực thích ứng, giữ vững sản xuất

Cập nhật: 06-08-2021 | 08:27:17

Để duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã xây dựng các phương án phù hợp, ứng biến với mọi tình huống để tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” an toàn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

 Sản xuất “3 tại chỗ” tại Công ty Gre Apha Electronic (KCN VSIP 2A)

 Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã cố gắng tránh nguy cơ để “lọt” F0 vào trong nhà máy sản xuất. Tại TX.Tân Uyên, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên) chính thức tổ chức cho 165 lao động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” từ ngày 19-6. Ông Masaharu Wada, Tổng Giám đốc công ty cho biết trước bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, công ty cũng đã 3 lần thay đổi kế hoạch phòng dịch. Đến nay, công ty xác định, cửa ra vào là mối nguy cơ cao nhất và thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa.

DN đã yêu cầu đối tác khi vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu ra vào công ty phải thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 và mặc đồ bảo hộ, thực hiện đúng thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Toàn bộ người lao động trong công ty cũng được yêu cầu giữ khoảng cách với đối tác và tuyệt đối không tiếp xúc với người bên ngoài. Các phương tiện ra vào được phun khử khuẩn nhiều lần. Bên trong nhà máy, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, liên tục khử khuẩn nhà máy.

Để tiếp tục tăng cường sức khỏe cho người lao động, ngoài việc duy trì 3 bữa ăn chính, lãnh đạo Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam chỉ đạo nhà bếp thực hiện 2 bữa ăn phụ vào xế chiều và tối cho công nhân. Công nhân được ăn theo món sở thích mình đăng ký với nhà bếp. Để bảo đảm cho việc ăn, ở và “chiến đấu” lâu dài với dịch bệnh, trong giờ nghỉ, Công đoàn công ty tổ chức cho công nhân chơi cầu lông, đá cầu, xem phim… Hệ thống wifi được công ty phủ khắp nhằm giúp công nhân giải trí, gọi điện, cập nhật thông tin dịch bệnh.

Sau hơn 2 tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đến nay, mọi hoạt động sản xuất của Công ty TNHH JDT Việt Nam, DN 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất vải chống thấm (KCN Rạch Bắp, TX.Bến Cát) đã dần đi vào nề nếp ổn định. Ông Kashihara Motohiro, Tổng Giám đốc công ty cho biết trước đó, công ty đã gấp rút hoàn thành các điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở để gần 100 chuyên gia, lao động có thể “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” ngay tại DN. Việc tổ chức thực hiện bài bản tại DN nhận được sự hưởng ứng của người lao động. Ngoài ký túc xá công nhân với 18 phòng, được trang bị đầy đủ tiện nghi, trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ” công ty liên tục tiếp thu những ý kiến của công nhân để bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt thoải mái nhất cho người lao động. Ngoài ra, 100% công nhân, người lao động đều được công ty tổ chức cho xét nghiệm, bảo đảm giữ an toàn trong dịch bệnh.

Tại Công ty Gre Apha Electronic (KCN VSIP 2A) đến nay việc sản xuất đã đi vào ổn định. Bà Nguyễn Minh Trúc Lệ, Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết công ty nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn cho người lao động. Mọi cửa ngõ ra vào được kiểm soát chặt chẽ, công ty cũng liên tục tuyên truyền cho công nhân về tình hình dịch bệnh để mọi người ý thức cao trong việc thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong sản xuất và sinh hoạt tại nhà máy, tiến hành test định kỳ 3 ngày 1 lần cho công nhân để bảo đảm an toàn cho gần 600 công nhân ở lại nhà máy làm việc.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết địa phương luôn sát cánh cùng DN trong mọi tình huống, nỗ lực hỗ trợ các DN xây dựng và triển khai thực hiện hướng dẫn của các ngành y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Địa phương công khai số điện thoại liên lạc cần thiết, các ngành hướng dẫn DN xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh với từng cấp độ, bảo đảm việc thực hiện pháp luật lao động khi dịch bệnh diễn ra tại công ty. Trong đó, việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh hàng ngày, kiểm soát chặt nguồn lây từ các đối tác đến làm việc, quan hệ kinh doanh phải được công ty duy trì trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cũng cho biết, đến cuối tháng 7-2021 có hơn 630 DN ở TX.Bến Cát đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, với hơn 84.000 lao động. Công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, các DN sẽ lo các bữa ăn, cung cấp đầy đủ vật dụng cá nhân, các nhu yếu phẩm cần thiết, một số đơn vị có chi hỗ trợ phụ cấp thêm, trung bình từ 1 - 3 triệu đồng/người/ tháng. Với việc tăng cường vận động, khuyến khích tổ chức sản xuất an toàn phòng, chống dịch bệnh cùng với sự chủ động, linh hoạt của mỗi DN, TX.Bến Cát đang từng bước duy trì hoạt động sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), thời gian qua, BIFA đã nỗ lực lớn trong việc thông tin đến DN các quy định phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo trực tuyến nhằm chia sẻ kịp thời những kinh nghiệm kiểm soát nguồn lây khi thực hiện “3 tại chỗ”, cách xử lý khi có F0 trong nhà máy, quy trình ổn định sản xuất.

 Khó khăn lớn hiện nay là nhiều DN đang thực hiện sản xuất đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì nguồn cung ứng bị gián đoạn. Các DN kiến nghị các ngành chức năng tạo điều kiện cho nhân viên đại lý hải quan, nhân viên giao chứng từ xuất nhập khẩu làm hiện trường được phép đi lại khi có xác nhận của công ty, có xét nghiệm âm tính... để giúp tháo gỡ hàng hóa, vật liệu tồn kho tại cảng, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=479
Quay lên trên