Doanh nghiệp nỗ lực, xuất khẩu chuyển mình

Cập nhật: 25-08-2023 | 08:16:24

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn có những biến động, kết quả xuất khẩu khả quan trong tháng đầu quý III cho thấy với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của tỉnh đã mang lại hiệu quả, cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

 Lãnh đạo bộ, ngành khảo sát tình hình sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình

 Linh hoạt

Những năm qua, tăng trưởng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu luôn là một trong những điểm sáng của Bình Dương. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy vậy với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng DN đã mang lại hiệu quả. Theo đó, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7-2023 ước đạt hơn 3,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng năm 2023, Bình Dương xuất siêu 5,2 tỷ USD.

Điều đáng mừng, nhiều lãnh đạo DN vẫn tỏ ra lạc quan bởi vừa có sản phẩm sản xuất phù hợp thị trường trong nước, vừa có sản phẩm đáp ứng cho các đối tác nước ngoài. DN có thể linh hoạt các sản phẩm cho từng mô hình, quy mô nhà máy, giúp khách hàng có được những sản phẩm có tính cơ động cao nhất, phù hợp nhất với từng thị trường chiến lược.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, sản phẩm tiêu thụ thị trường trong nước sụt giảm 30% so với năm 2022. Để bù đắp cho sự sụt giảm, công ty quyết tâm tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Kết quả thị trường xuất khẩu tăng 60% so với 2022. Công ty vẫn giữ vững 95% công suất hoạt động và bảo đảm việc làm cho công nhân. Năm 2023 dự kiến sản lượng của công ty đạt 780.000 tấn, tương đương năm 2022”.

Tương tự, để đáp ứng yêu cầu của thị trường và tìm cơ hội vượt qua khó khăn, ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty Nghệ Năng (TP.Thuận An), cho biết công ty đã chú trọng nghiên cứu, thử nghiệm nhiều sản phẩm, giải pháp mới cùng nhiều sản phẩm tiêu chuẩn về gia công cơ khí chính xác… Theo ông Trí, đây không chỉ là những sản phẩm cơ khí đơn thuần mà đã áp dụng công nghệ hiện đại, chạy trên hệ thống có lập trình giúp thay thế công việc của con người, mang lại độ chính xác và chất lượng cao. Chẳng hạn như giải pháp về hệ thống làm mát sẽ giúp nâng cao sức chịu nhiệt của kho, bảo quản hàng hóa, xanh hóa sản xuất, phù hợp với xu thế phát triển.

Hơn thế, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN đặt ra lộ trình phát triển 3 - 5 năm và liên tục theo đuổi việc nghiên cứu các dòng sản phẩm mới để đưa ra thị trường theo đúng kế hoạch. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, trong khó khăn của nền kinh tế vẫn có thể có cơ hội cho các DN nếu biết tận dụng. Cùng với việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, việc tìm tòi, phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp cận đơn vị mua hàng đến từ trong và ngoài nước theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo sát thực tế

Trong thời gian tới, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sẽ cùng các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch hỗ trợ, phát triển các DN sản xuất chủ lực, công nghiệp mũi nhọn… cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng.

Hiện nay, các DN cần lưu ý là không chỉ là thương mại toàn cầu suy giảm, các ngành xuất khẩu của Việt Nam còn chịu tác động kép khi nhiều thị trường gia tăng áp dụng bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, khi năng lực sản xuất lớn, xuất khẩu gia tăng, DN cần chủ động theo dõi cảnh báo của Bộ Công thương về các mặt hàng có nguy cơ bị kiện cáo, từ đó có các kịch bản để ứng phó với phòng vệ thương mại. Trong trường hợp hàng hóa bị kiện chống bán phá giá, DN cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán và đúng thời hạn, chủ động lưu trữ thông tin, bảo đảm xuất xứ, dữ liệu sản xuất cập nhật đầy đủ.

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, các ngành sản xuất cần bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của mình; đồng thời tránh việc các DN đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại nhiều giá trị gia tăng.

 Theo Bộ Công thương, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 8-2023, cả Mỹ, EU, Indonesia đã tiến hành khởi kiện 4 vụ việc với hàng hóa nhập khẩu từ V iệt Nam. Trong đó, Mỹ khởi xướng điều tra xem xét sản phẩm bánh xe kéo bằng thép nhập khẩu từ Việt Nam; EU khởi xướng hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép không gỉ cán nguội của Việt Nam; Indonesia cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm P olypropylene Copolymer của Việt Nam.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên