Sản xuất nhanh, số lượng nhiều song vẫn bảo đảm chất lượng, các doanh nghiệp (DN) cung ứng vật tư y tế đang nỗ lực để góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe của người dân giữa mùa dịch bệnh.
Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế tại Công ty Định Hưng Phát (huyện Bàu Bàng)
Nỗ lực sản xuất
Hàng ngày, hàng giờ rất nhiều DN sản xuất vật tư y tế đã và đang nỗ lực để cung ứng cho thị trường trang thiết bị chống dịch. Ông Lê Thế Hải, Phó Giám đốc Công ty Khẩu trang y tế Định Hưng Phát (huyện Bàu Bàng), cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay công ty đã nỗ lực hết sức để cung ứng khẩu trang cho thị trường. Đến nay, công ty cung cấp cho thị trường đều đặn 60.000 cái/ ngày. Ông Hải cho biết do tình hình dịch bệnh nên giá nguyên liệu leo thang, cụ thể màng lọc kháng khuẩn nhập từ nước ngoài rất khan hiếm và tăng giá. DN bắt buộc mua qua trung gian, dù giá màng lọc tăng vài chục lần nhưng để có đủ hàng hóa cung ứng cho các đối tác đã ký hợp đồng từ trước và nhu cầu sử dụng của người dân, chi phí quá lớn. Trong khi đó giữa lúc này công ty cũng không thể mua thêm máy vì một chiếc máy sản xuất gấp 8 lần trước khi có dịch, khoảng 4 tỷ đồng (trước là 600 triệu đồng).
Một khó khăn mà công ty đang gặp phải hiện nay là các đơn vị trung gian khi cung ứng vật tư giá cao song chỉ xuất hóa đơn với giá như trước thời gian có dịch bệnh. Điều này dẫn đến việc công ty rất khó khăn khi xuất hóa đơn đầu ra cho khách hàng với giá bán hiện nay. Biết trước có những sự khó khăn trong khâu giải quyết vấn đề về thuế trong thời gian sau này, song vì trách nhiệm với cộng đồng, công ty vẫn nhập hàng, xuất hàng để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Ông Trần Lê Việt, Giám đốc Công ty Thiết bị y tế Bảo Anh - một công ty có nhiều nỗ lực trong cung ứng khẩu trang cho ngành y tế địa phương - cho biết hiện công ty đã nhập thêm máy móc về sản xuất dù biết trước sau thời gian dịch bệnh thì việc bảo đảm thị trường hoạt động là điều thách thức. Song vì tinh thần chống dịch, yêu cầu hàng hóa công ty “liều” đi một bước… Ông Trần Lê Việt cũng bày tỏ mong muốn ngành công thương hỗ trợ để được tiếp cận nguồn nguyên liệu trực tiếp từ nước ngoài để xuất 25% hàng hóa và để lại thị trường trong nước 75%. DN cũng đang mua qua trung gian nguồn nguyên liệu, nhất là màng kháng khuẩn. Doanh nghiệp rất mong cơ quan hải quan tạo điều kiện để thông quan nhanh nhất, sớm có máy sản xuất trong tình hình hình dịch bệnh hiện nay.
Không quá áp lực như các công ty sản xuất khẩu trang y tế, song Công ty Cổ phần Găng tay HTC (TX.Bến Cát) cũng tăng năng suất để cung cấp găng tay, đồ bảo hộ cho đối tác đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó, cùng với nhu cầu trong nước. Bà Trần Thị Trà, giám đốc công ty cam kết với tỉnh trong việc cung ứng 500 bộ đồ bảo hộ, găng tay y tế cho phục vụ công tác chống dịch với giá bình ổn. Hiện tại vật tư cho đồ bảo hộ cũng đã tăng lên nên nhu cầu vốn của công ty cũng tăng cao. Công ty mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ về vốn, thuế từ các cơ quan để tăng năng lực cung cấp vật tư y tế trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công ty sẽ có giá riêng cho thị trường Bình Dương khi nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Thành, Giám đốc Công ty Sen Việt, cho biết khẩu trang y tế trên địa bàn khan hiếm vì tâm lý lo sợ của người dân dẫn đến việc tích trữ. Ông Thành mong muốn cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp tuyên truyền để người dân ý thức hơn, đừng gây áp lực lên các DN sản xuất. Cùng quan điểm này, ông Trần Lê Việt cho biết công ty rất có ý thức trong việc nỗ lực cung ứng khẩu trang y tế đến người dân, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Nhưng điều ông mong muốn là người dân chỉ mua đủ số lượng dùng, các công ty vẫn sản xuất mỗi ngày, tránh tình trạng tích trữ quá nhiều làm thị trường khan hiếm.
Thiết thực hỗ trợ DN
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, những nỗ lực của DN trong thời gian nhằm cung cấp trang thiết bị y tế cho cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng là rất đáng ghi nhận. Về vấn đề chính sách thuế để tháo gỡ những khó khăn trong đầu ra - đầu vào cho DN, các sở ngành sẽ có ý kiến với các ngành chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Ngành công thương cũng mong muốn các DN làm việc với các đối tác về việc cung ứng nguồn nguyên liệu. Sở Công thương sẽ hỗ trợ làm việc với Bộ Công thương để làm thủ tục hỗ trợ DN. Việc xuất khẩu khẩu trang y tế hiện nay theo quy định tại Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28-2 của Chính phủ, chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ Việt Nam cho phép. Và nếu được cấp phép thì cũng chỉ cho xuất khẩu tối đa 25% sản lượng của DN. Quy định trên được đưa ra để dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở trong nước, bảo đảm có đủ trang thiết bị cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch.
Tại cuộc họp mới đây với các bộ ngành, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ và xử lý kịp thời các công việc được giao theo quy định, nhất là việc thông quan hàng hóa. Bộ Công thương cho biết về công tác hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhập khẩu khẩu trang và dụng cụ phòng hộ từ các nước khác. Sau đó, tổng hợp thông tin về đầu mối DN cung cấp nguyên liệu khẩu trang và một số trang thiết bị y tế, gửi các DN có nhu cầu để chủ động kết nối.