Các doanh nhân nữ là một phần quan trọng trong cộng đồng doanh nhân tỉnh Bình Dương. Với phẩm chất chịu thương, chịu khó và nhạy bén với thị trường, nhiều doanh nhân nữ trong tỉnh đã vươn lên từ bàn tay trắng.
Biết nắm bắt cơ hội
Bên cạnh vai trò làm mẹ, làm vợ, những năm qua, các doanh nhân nữ tỉnh Bình Dương đã nhìn thấy nhiều cơ hội khởi nghiệp từ sự phát triển của tỉnh nhà, quyết định dấn thân vào công việc kinh doanh. Chị Lê Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty nước chai Ngọc Hà (TX.Tân Uyên) là một ví dụ điển hình. TX.Tân Uyên phát triển công nghiệp mạnh mẽ, kéo theo lượng lớn công nhân về đây sinh sống và làm việc. Nhận thấy đây là cơ hội làm ăn không thể tốt hơn, chị đã mở công ty sản xuất và phân phối nước đóng chai cung cấp các khu nhà trọ của công nhân trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty Mai Thu luôn gần gũi với công nhân. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Năm 2012, chị Hà bắt đầu công việc mới với số vốn ít ỏi và kinh nghiệm là con số không. Thấy được tiềm năng lớn của thị trường nước đóng chai, chị đã chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất nước đóng chai khắp nơi để từng bước hoàn thiện cơ sở sản xuất của mình. Đến nay, nước đóng chai của Công ty Ngọc Hà đã được phân phối khắp các khu vực của TX.Tân Uyên. Tuy là công ty nhỏ, số lượng công nhân ít nhưng chị Hà luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động. Ngoài chế độ lương bổng, chị còn thưởng thêm cho công nhân vào dịp lễ, tết; tổ chức bếp ăn phục vụ công nhân trong những ngày làm việc. Chị Hà chia sẻ, anh chị em công nhân phải tốn kém nhiều thứ: tiền thuê nhà trọ, tiền học hành cho con nhỏ… nên việc tổ chức bếp ăn chính là cách để chị chia sẻ khó khăn đối với người lao động.
Với chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty Mai Thu (TX. Dĩ An), khi tỉnh nhà mới bắt đầu phát triển công nghiệp, chị đã nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường chăn, drap, gối, nệm. Chị Thu tâm tình, một khi Bình Dương phát triển công nghiệp chắc chắn đời sống của người dân sẽ đi lên, nhu cầu sử sụng chăn, drap, gối, nệm cũng vì vậy sẽ tăng lên. Hơn 30 năm gây dựng cơ ngơi, từ cơ sở may mặc nhỏ đến nay Công ty Mai Thu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, hệ thống đại lý phân phối của công ty có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước...
Có thể thấy, sự thành công của các chị Hà, Thu… đã minh chứng rằng, ngoài vai trò làm vợ, làm mẹ, phụ nữ Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành một doanh nhân giỏi.
Khát vọng vươn lên
Thương hiệu Bưởi Thanh Thủy đã nổi danh khắp cả nước. Tuy vậy, không phải ai cũng biết bà chủ của Bưởi Thanh Thủy - chị Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy (Bàu Bàng), quê ở TP.Hồ Chí Minh chưa hề được học kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nhưng với niềm đam mê của mình chị quyết định gắn bó với cây bưởi. Năm 1997, chị chọn xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng để khởi nghiệp. Để lấy ngắn nuôi dài, chị nuôi thêm gà gia công cho một công ty với số lượng từ 35.000 - 50.000 con/ lứa. Trang trại gà công nghiệp của chị không chỉ nhanh cho thu nhập mà còn cung cấp nguồn phân tốt cho vườn bưởi. Nhờ đó, đến nay, chị đã gây dựng một trang trại bưởi kết hợp nuôi gà có quy mô hơn 30 ha.
Năm 2016, chị Thủy vinh dự được tuyên dương là một trong 10 gương nông dân xuất sắc trong cả nước. Hiện công ty của chị đã tạo công ăn việc làm cho 45 lao động ở địa phương, với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Đối với nghề đan len tại Bình Dương vốn đã có từ lâu đời, nhưng hiện nay còn rất ít cơ sở họat động. Cơ sở đan len Phương Anh (phường Đông Hòa, TX.Dĩ An) của chị Lê Thị Phượng là một điển hình cho quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống. Không để nghề truyền thống này bị mai một, chị Phượng cùng những người bạn của mình đã cùng nhau gây dựng cơ sở đan móc len Phương Anh. Trong điều kiện nhu cầu, thị hiếu của khách hàng luôn thay đổi, sản phẩm đan len lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường buộc chị Phượng phải liên tục thay đổi mẫu mã, tìm kiếm thị trường. Hơn 20 năm qua, chị vẫn duy trì hoạt động sản xuất len, đang nỗ lực giữ gìn và phát triển nghề này. Điều quan trọng là cơ sở của chị đã tạo công việc cho hàng chục lao động lớn tuổi, mất sức lao động, người khuyết tật…
Tiếp xúc, trò chuyên với các doanh nhân nữ Bình Dương, chúng tôi nhận ra ở họ khát vọng vươn lên, khát khao chia sẻ, chung tay góp sức vì sự phát triển chung của tỉnh nhà.
XUÂN VĨ