Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, ngày 11-10, (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, ngày 11-10, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đưa ra những cảnh báo về xu hướng kinh tế mới toàn cầu, theo đó những lợi thế về lao động giá rẻ, vị trí địa chính trị của các nền kinh tế mới nổi, như Việt Nam có thể sẽ mất đi. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp trước đây “biến con người trở thành những cỗ máy” thì cuộc cách mạng mới lại “biến những cỗ máy thành con người.”
“Làn sóng hội nhập đang đến, tác động cộng hưởng của hội nhập với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư sẽ tạo ra những áp lực cực lớn với cả cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Những lợi thế về tài nguyên và lao động sẽ suy giảm, thương mại quốc tế có xu hướng đảo chiều. Theo đó, các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và thâm dụng tài nguyên có thể sẽ trở lại chính quốc ở châu Âu và Bắc Mỹ với công nghệ tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo và vật liệu mới, công nghệ nano, in 3D… với chi phí ngày càng giảm,” ông Lộc cảnh báo.
Với nội dung “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu,” tại Diễn đàn năm nay, các diễn giả sẽ cùng đại diện doanh nghiệp trao đổi về những vẫn đề cốt lõi của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm xây dựng diện mạo mới, định hình tương lai trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, vị thế của khối doanh nhân và các doanh nghiệp sẽ trở nên quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn thông qua hiệp định thương mại tự do. Hơn thế nữa, các hiệp đinh này được xem là những nhân tố chính để thúc đẩy kinh tế. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài tốt hơn, tăng cơ hội việc làm cho người lao động đồng thời việc làm cũng sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Chang lại thẳng thắn chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nảy sinh từ quá trình hội nhập sâu rộng.
“Cần phải nhìn nhận thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thường nằm ở các vị trí thấp trong chuỗi giá trị, người lao động được trả lương thấp, công nghệ sản xuất thì lạc hậu và lợi nhuận biên rất là nhỏ. Như trong một số ngành điện tử, các doanh nghiệp đa quốc gia có xu hướng thống trị toàn bộ ngành công nghiệp. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thể cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thì họ sẽ không được hưởng lợi từ quá trình hội nhập này,” ông Chang khuyến cáo.
Theo ông Lộc, các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa khởi nghiệp. “Chính phủ đang nghĩ mới, làm mới. Chính phủ đang cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN và toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.”
Nhưng ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Đầu tư Quỹ đầu tư Vietnam Oman Investment (VOI) cũng chỉ ra một thực tế, việc khởi sự kinh doanh chủ yếu là tận dụng cơ hội chứ không phải vì “không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn,” trong đó tận dụng cơ hội là mục tiêu chủ yếu để tăng thu nhập chứ không phải là trở nên độc lập tài chính. Trong một nghiên cứu điều tra gần đây cho thấy, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (89%), còn trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp thì thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Về vấn đề này, ông Lộc ghi nhận, thúc đẩy khởi nghiệp, định hướng hoạt động trở thành yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp. Khởi nghiệp không chỉ là thành lập doanh nghiệp mới mà còn là tái cấu trúc lại doanh nghiệp cả về sản phẩm, dịch vụ, quản trị và công nghệ.
“ Khởi nghiệp là nghĩ mới, làm mới. Khởi nghiệp không chỉ là việc của doanh nghiệp mà còn là việc của chính quyền các cấp,” ông Lộc nói./.
Theo Vietnam+