Đổi đời nhờ nuôi loài chim “hòa bình”

Cập nhật: 05-07-2011 | 00:00:00

Qua quá trình tìm tòi học hỏi, anh Nguyễn Ngọc Thức ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi đã xây dựng nên trang trại nuôi bồ câu với số lượng lên đến 1.000 cặp. Mô hình này đã đem lại cho anh nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mày mò dựng mô hình

Chúng tôi tìm đến tham quan mô hình nuôi bồ câu giống Pháp của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Thức (27 tuổi) giữa trưa hè tháng 7. Trang trại Ngọc Điền của anh nằm giữa cánh đồng rộng mát với tiếng gù huyên náo của bầy chim bồ câu. Trước khi chuyển qua nuôi chim bồ câu, anh Thức là tài xế cho một công ty tại Bình Dương. Lúc này gia đình anh cũng nuôi chim bồ câu sẻ nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

 Anh Thức (phải) đang giới thiệu mô hình với khách tham quan

Với ý nghĩ không muốn làm thuê mãi cho người khác, bằng số vốn tích lũy được, năm 2008 anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và bắt tay lập nghiệp từ nuôi loài chim bồ câu giống Pháp. Lúc đầu anh chỉ nuôi 400 cặp chim nhưng đến nay anh đã có trong tay 1.000 cặp chim bố mẹ. Trong câu chuyện trao đổi, anh không ngần ngại kể với chúng tôi về những khó khăn thời gian đầu khi mới lập nghiệp. Trong một lần lên mạng anh tình cờ tìm được thông tin về nuôi bồ câu giống Pháp - loại chim có giá trị kinh tế cao hơn so với chim bồ câu sẻ. Anh lần mò xuống tận Vũng Tàu tìm mua giống bồ câu này và bắt đầu từng bước xây dựng chuồng trại, làm lồng nuôi chim. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm anh cho bồ câu ấp cả 2 lứa trứng đầu nên khi nở ra chúng  yếu, trọng lượng nhỏ. Nguyên nhân là do lúc này bồ câu đực chưa “thuần” và bồ câu mẹ chưa đủ sức khỏe để ấp trứng tốt. Rồi có khi đàn bồ câu của anh cũng bị mắc một số chứng bệnh mà chưa có sách vở nào nhắc đến như bệnh đường hô hấp. Với loại bệnh này anh cũng phải tự mày mò tìm thuốc về điều trị cho đàn bồ câu của mình.

Đến nay đàn bồ câu của anh đã phát triển ổn định. Bồ câu giống Pháp có trọng lượng lớn hơn, sản lượng cũng đạt cao hơn so với bồ câu sẻ. Giá trị của thịt chim bồ câu Pháp cũng cao và được nhiều người chuộng mua. Theo anh Thức nuôi bồ câu rất khỏe do sức đề kháng của chúng cao nên ít bệnh tật; thiết kế chuồng trại cũng khá đơn giản và cũng không hao tốn nhiều công chăm sóc. Chuồng trại cần xây cho kín để tránh sự xâm hại của các loài vật gây hại cho chim như mèo, chuột. Ngoài ra chuồng trại cũng cần sạch, thoáng mát, khô ráo. Với mỗi lồng 9 tấc vuông chia làm 4 ngăn là có thể nuôi được 4 cặp chim bố mẹ. Mỗi ngày cho bồ câu ăn 2 lần và 2 ngày thay nước uống để phòng bệnh cho chim. Hiện nay anh Thức vẫn phải lấy cám gà trộn với gạo lức theo tỉ lệ 2 cám 1 gạo cho bồ câu ăn vì chưa có thức ăn chuyên cho bồ câu. Bên cạnh đó anh còn bổ sung thêm khoáng để tăng sức đề kháng cho chim. Chim bồ câu con sau khi nở cho ở chung với bố mẹ 1,5 tháng thì tách ra cho ở riêng và nuôi khoảng 1 tháng nữa thì có thể xuất chuồng. Nuôi thêm khoảng 4,5 tháng nữa thì bồ câu đẻ. Bồ câu tự bắt cặp, tự đẻ, tự ấp trứng. Con cái thường đẻ trứng vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng. Một năm bồ câu đẻ được hơn chục lứa trứng và có thể cho 8-9 cặp chim con. Nếu được chăm sóc tốt, cặp bồ câu mẹ có thể cho trứng kéo dài trong 5-6 năm.

Mô hình làm giàu mới

Hiện nay trung bình mỗi tháng trang trại của anh cung cấp cho thị trường khoảng 600 - 700 cặp chim với giá bán khoảng 110.000 đồng/cặp. Ngoài ra, anh còn làm đầu mối thu mua bồ câu của các hộ xung quanh để cung ứng đầy đủ cho khách hàng. Đây là những cơ sở mà anh cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật. Với các đầu mối này cộng với số chim trong trại, hàng tháng anh cung ứng cho khách hàng khoảng 1.500 cặp chim. Với 1.000 cặp chim bố mẹ hiện nay hàng tháng sau khi trừ hết chi phí anh Thức thu về hơn 50 triệu đồng.

Trang trại bồ câu của anh thường xuyên có khách từ các địa phương khác đến tham quan học hỏi cũng như mua con giống. Với những thắc mắc của khách anh đều nhiệt tình hướng dẫn không giấu nghề, ngay cả những bí quyết riêng của mình tự mày mò, tìm hiểu lâu nay. Anh cho biết: “Nếu chịu đầu tư thì đây là mô hình làm giàu cho nông dân. Nuôi bồ câu không khó. Trong quá trình nuôi chủ yếu cần chú ý đến việc phòng chống bệnh tật cho chim. Trong quá trình chim sinh sản cần chú ý theo dõi chim để loại bỏ các trứng không đạt chất lượng cũng như kịp thời cung cấp thêm chất bổ cho chim mẹ để phục hồi sức khỏe”. Cũng theo anh Thức, anh không lo đầu ra cho con chim bồ câu vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường là rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, hiện nay anh đang tiếp tục cho xây thêm 1 trại nuôi bồ câu nữa với quy mô 1.500 cặp đến 2.000 cặp. Anh cũng đang tự mày mò tìm công thức chế biến thức ăn riêng cho chim bồ câu. Nếu thành công giá trị của con chim bồ câu anh nuôi sẽ còn tăng lên nữa.

MINH DÂN - CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên