Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Nhà nước không chỉ tổ chức, quản lý xã hội bằng các thiết chế pháp luật mà còn phải thông qua việc thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của người dân, cung ứng các dịch vụ công cho xã hội. Để thực hiện tốt chức năng này cần phải đổi mới và xác định rõ hơn vai trò, chức năng của bộ máy Nhà nước nói chung và vai trò, trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ công nói riêng nhằm hướng tới nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này.
Dịch vụ công tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tận nhà của Bưu điện Bình Dương đã phát huy tốt tác dụng thời gian qua
Từ những chủ trương
Việc đổi mới vai trò, trách nhiệm của Chính phủ và bộ máy hành chính Nhà nước trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công thực sự là một nhiệm vụ quan trọng cần tập trung giải quyết. Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng nêu rõ: “Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức thực hiện một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng”. Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đổi mới căn bản cơ chế quản lý và phương thức cung ứng các dịch vụ công cộng”. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã có những tư tưởng chỉ đạo cụ thể về vấn đề này: “Thực hiện cơ chế thị trường và đẩy mạnh xã hội hóa đối với cung cấp các dịch vụ công...”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ đặt ra yêu cầu: “Xây dựng quan niệm đúng đắn về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan Nhà nước trực tiếp đảm nhiệm. Trong từng lĩnh vực cần định rõ những công việc mà Nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm”. Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước 2011-2020 tiếp tục khẳng định: “Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công”, “Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; từng bước thực hiện chính sách điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp...”.
Về phương diện pháp lý, tính đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dịch vụ công đã được ban hành, như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Các Nghị định số 36/2012/NĐ-CP và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương đã quy định rõ việc quản lý dịch vụ công là một trong những chức năng chủ yếu của bộ máy hành chính Nhà nước. Cùng với việc đẩy mạnh cải cách kinh tế và CCHC, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm tách bạch quản lý hành chính Nhà nước với hoạt động dịch vụ công, đẩy mạnh xã hội hóa, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công.
Xây dựng cơ chế chính sách chung
Tiến sĩ Hà Quang Ngọc, trường Đại học Nội vụ Hà Nội, khẳng định: Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, CCHC, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với dịch vụ công đã được xác định rõ trong đường lối, chủ trương của Đảng cũng như trong các quy định pháp luật. Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với dịch vụ công được thể hiện như sau: Trực tiếp tổ chức thực hiện một số dịch vụ công, dịch vụ công là dịch vụ do Nhà nước chịu trách nhiệm, vì thế Nhà nước phải trực tiếp thực hiện cung ứng một số dịch vụ công thông qua các cơ quan tổ chức của mình lập ra. Chỉ có điều khi trực tiếp thực hiện việc này, Nhà nước cần phải nghiên cứu, xác định rõ các dịch vụ nào thực sự cần thiết phải trực tiếp làm, phạm vi đến đâu để tránh ôm đồm quá với khả năng cho phép nhất là về tài chính và bộ máy nhân sự.
Đề xuất về giải pháp, tiến sĩ Hà Quang Ngọc cho biết cần xây dựng cơ chế chính sách chung, thống nhất, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách cho mỗi loại dịch vụ công. Tham gia vào cung ứng các dịch vụ đó trong điều kiện xã hội hiện đại, gồm nhiều chủ thể khác nhau: Nhà nước, thị trường, các tổ chức xã hội, các cá nhân... Chính vì vậy, Nhà nước phải xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách đối với việc cung ứng dịch vụ công làm căn cứ pháp lý để tổ chức, chỉ đạo thống nhất. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để các tổ chức xã hội và công dân có thể lựa chọn và tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ công một cách hiệu quả. Việc xây dựng, hoàn chỉnh chính sách về dịch vụ công còn là để bảo đảm sản phẩm hàng hóa dịch vụ công đến tận tay người được hưởng thụ, khắc phục sự thất thoát từ những tổ chức thực hiện dịch vụ. Cụ thể là dịch vụ công tiếp nhận và trả hồ sơ tận nhà của bưu điện đang thực hiện đã giảm gánh nặng cho bộ máy Nhà nước.
Để các loại hoạt động cung cấp dịch vụ công của Nhà nước có hiệu quả, tiến sĩ Hà Quang Ngọc cho rằng đáp ứng yêu cầu của người dân, Nhà nước phải không ngừng có những điều chỉnh, cải cách trong lĩnh vực này. Những nội dung cải cách hoạt động cung cấp dịch vụ công, bao gồm: Thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ; đánh giá hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ công thuộc Nhà nước trên kết quả đầu ra chứ không dựa trên đầu vào; coi người tiêu dùng là khách hàng có quyền lựa chọn; phi tập trung hóa quyền lực và áp dụng chế độ cùng quản lý; thay cơ chế quan liêu bằng cơ chế thị trường; làm xúc tác cho các khu vực công, để họ tự nguyện cùng tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng...
HỒ VĂN