Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 17-09-2014 | 10:18:55

> Xem Kỳ trước 

Ông rút ra nhận xét: “Nuôi thú, sẽ được quan sát, luôn thấy hành động. Con khỉ sờ đầu, cọp không chịu. Tay khỉ như người, nhưng lửa cháy cũng thò vào. Con vật dại dột. Có cái dây xích, đi vòng vòng đứng chịu hoài, tự mình cột chặt. Con chim bồ câu thì có tình nhất: phải cùng nhau ấp trứng. Con mái đi ra ngoài cũng không đi với con trống khác. Còn con trống thì không cho con nào đến chỗ vợ nó ấp. Tôi gọi cặp đó là niên trưởng, cặp bồ câu già lớn, hay cắn con khác”.

Còn về sinh hoạt của ông? “Ăn uống: một ngày hai chén cơm nhỏ”. Tôi cười: vậy thì sống sao được? Ông cũng cười: “Thì tôi đang sống mà khỏe đây này”.

Trước khi bước vào công việc tiếp tục kể về quãng đời sau cái vụ trốn và làm việc ở mỏ Bồng Miêu năm 1936 - ông kể một chuyện làm quen cũng khá là “Sài Gòn”: “Đi ăn một bát cháo vịt. Có một ông già đứng ngó lom lom. Tưởng là một người nghèo đói đứng… tôi cho tiền. Ổng làm thinh. Rồi kêu bia lại uống. Hóa ra ổng có tiền - Ổng là một người già bình thường, chắc cũng cô đơn như tôi vậy. Thế là thành bạn - Tôi gặp ông luôn ở quán cháo vịt”.

  12. Lần này thì tôi hỏi ông về hai lần gặp Ngô Đình Diệm từ những năm 30-40, lúc nhà họ Ngô chưa lên nắm quyền. Điều lạ lùng là một lần gặp trong tư thế người tù, lần sau gặp trong tư thế chính khách sang trọng, nhưng Ngô Đình Diệm tuyệt nhiên không phát hiện. “Không phải là anh đã cải trang như kỹ nghệ gián điệp trong các tiểu thuyết nước ngoài chứ? Anh không sợ Ngô Đình Diệm phát hiện sao?”. Không, Hoàng Đạo nói rằng hai lần gặp cách nhau khá xa. Lần gặp đầu lại ngắn và không mấy quan trọng. Lần gặp sau là cuộc gặp quá cao cấp - Tiếp quốc vụ khanh của Bảo Đại kia mà - Có thể vì thế Ngô Đình Diệm không thể ngờ.

Lần thứ nhất, đầu khoảng 1931, Ngô Đình Diệm lúc đó làm quản đạo ở Ninh Thuận, khu vực người Chăm, đơn vị hành chính cuối cùng ở Phan Rang. Lúc đó Hoàng Đạo đang làm việc ở Depol Tháp Chàm, là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở đó. Lý do bị bắt thì cũng xoay quanh việc tranh đấu, hoạt động trong phong trào công nhân xe lửa, thuộc Đảng ủy đường sắt phía Nam, do ông Trần Văn Út làm bí thư - khi bị giải về Ninh Thuận, Hoàng Đạo gặp ông Trần Hữu Dực - Xứ ủy Trung kỳ bị bắt ở nơi khác cũng bị giải về đó - Họ gặp nhau ngay nơi hỏi cung. “Ngô Đình Diệm mặc áo dài trắng, quần trắng, khăn đóng, tay cầm roi chỉ vào tôi quát: Quỳ xuống! Tôi định quỳ thì nghe tiếng ông Trần Hữu Dực: Răng quỳ? Diệm: “Mi là cộng sản”. “Cộng sản răng quỳ? Cộng sản đánh Tây đâu có tội gì mà quỳ? Diệm: Mi treo cờ rải giấy! Ông Dực: Cộng sản có làm tay sai cho Tây đâu mà quỳ. Có ông quỳ!”.

Hoàng Đạo ngừng lại cười, kể tiếp: “Diệm bực lắm quát lính “đưa xuống!”, lính giải Trần Hữu Dực xuống, Diệm quay sang tôi. Mi tên chi? Nguyễn Văn Hoàng - Mi có chủ trương đình công không? Tôi không có chủ trương nhưng tán thành các yêu sách hợp lý như uống nước chín trong giờ làm việc. Chúng tôi bị nước độc, ốm đau vì công việc, sao không được hưởng chế độ đau ốm vì công tác. Vì sao cũng làm việc, lương người Pháp 10 đồng một ngày, chúng tôi chỉ 1 đồng? Làm sao sống? Yêu cầu phải tăng lương…”.

Lần ấy Diệm chuyển vụ Hoàng Đạo về tỉnh để xem xét - Còn lần gặp thứ hai? Hoàng Đạo lúc đó đã ở một tư thế khác, ông đã trở thành quốc vụ khanh, thay mặt Bảo Đại ra Huế để tiếp cận với các đảng phái nhân sĩ. Ông Trần Văn Lý, hội đồng an dân Trung kỳ mời Ngô Đình Diệm từ tòa khâm mạng sang gặp bàn việc thành lập chính phủ theo ý đồ của người Pháp muốn - Người Pháp hy vọng vào một bộ mặt mới, có đủ sức chống lại kháng chiến của Việt Minh, của cụ Hồ đang uy tín lớn. “Tôi vẫn nhớ đó là ngôi nhà ở gần cầu Ga Huế, một vila loại bình thường, cất chưa xong. Đến cùng với Ngô Đình Diệm, có hai linh mục ngồi hai bên trong suốt buổi hội đàm. Tôi nói rằng đức quốc trưởng Bảo Đại cho tôi chuyển lời thăm sức khỏe và mong “ngài” dành thì giờ trong việc giúp lập ra chính phủ”. Ngô Đình Diệm đã nói gì? Trong buổi hội đàm thân mật ấy, Hoàng Đạo còn nhớ rõ:

Diệm nói: Tôi không muốn nói với đức quốc trưởng Bảo Đại những lời tôi nói ở đây với ông hôm nay. Nước Việt Nam là hành lang ở Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Một nước nhỏ lại có Chúa ban cho đặc ân có vịnh Cam Ranh. Ai làm chủ Cam Ranh sẽ làm chủ Đong Nam Á - Thái Bình Dương. Mà Việt Nam ta thì yếu ớt không đủ sức bảo vệ hành lang, bảo vệ Cam Ranh của mình. Phải có một nước lớn với hải quân hùng hậu chiếm giữ Cam Ranh, làm chủ đất nước này. Việt Nam nhất thiết phải lệ thuộc một nước lớn. Các nước ấy là Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Ông phải chọn một trong ba nước ấy. Tôi nghĩ đã không tránh được kiếp nô lệ thì phải chọn làm nô lệ sống trong cái chuồng vàng chứ đừng ở trong cái chuồng gỗ mục của Pháp hôm nay. Vấn đề ông làm thủ tướng hay tôi làm, không giải quyết được gì. Tôi khuyên ông đi Mỹ với tôi, khi về, tôi sẽ ở cương vị tổng thống, còn ông, phó tổng thống. Duy có một điều cần là ông phải có lực lượng để giúp chúng ta khi thời cơ đến”.

(Còn tiếp)

   NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=865
Quay lên trên