Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 16-09-2014 | 08:40:10

> Xem Kỳ trước 

 “Tôi chở hai xe cam nhông sách ra bán. Người ta hạch hỏi giấy phép xuất bản đâu. Làm gì có! Thế là tôi đem béng lên chỗ họp Quốc hội tôi bán. Thấy tướng Võ Nguyên Giáp lại mua, tôi biếu ông thêm 5 cuốn. Rồi tôi chở ra đường Tràng Tiền - Hà Nội. Một cái thời thú vị - Người ta chen nhau mua sách đến nỗi sập cả cửa sắt. Đến lúc có vụ kiện quyền tác giả, tôi cũng phải ra làm chứng”.

Vâng, nhưng ông đừng quên cái đoạn gặp kẻ đã hỏi cung ông ở cái ngã ba Trung Đàn vào năm 1936 ấy nhé - Tôi nghĩ thầm, thì vừa lúc ông tiếp tục: “Tôi gặp người đồng chí cùng hoạt động, mới vô tình biết “người kia” chính là em đồng chí của mình. Tôi hỏi: mày bắt tao hồi xưa đó? Nó chối đây đẩy: “Bắt anh làm chi. Anh như ông anh của tôi. Bắt anh thì khác nào bắt anh của tôi” - Tôi bảo: thôi cho qua. Già hết rồi. Chúng tôi kể lại chuyện cũ, kể cả lối những hạch hỏi của tên chánh mật thám Quảng Nam tên là Rây-nô. Đúng, tôi có hoạt động đây. Nghe nói ngài Gô-đa đến, tôi gom nguyện vọng lên trình, nói điều kiện ăn ở của dân phu mộ. Ăn không no. Mỗi lần nổ mỏ chết tới chục mạng người. Nó vặn lại: hoạt động chưa được phép, hoạt động ngoài pháp luật…”.

Chắc là Hoàng Đạo đang nhớ lại thời kỳ ở Gia-rây, ranh giới Phan Thiết khi bọn mật thám đón đường để bắt anh, giam ở sở mật thám Phai-phô, rồi đuổi anh về quản thúc ở quê nhà Dĩ An - Đó là năm 1939.

***

Anh nhớ trên đường bị áp giải về Nam kỳ, họ đi bằng tàu hỏa từ ga Kỳ Lam. Lính áp tải là một người dân tộc Ra-đê, bị còng chung với tù bằng một sợi xích. Còn anh bị còng tay. Đầu chụp một thùng gỗ có khoét hai lỗ nơi mắt để nhìn đường, giống cái gông thời cổ. Khi ăn cơm mới được mở cái thùng ra. Những lúc đi vệ sinh, anh phải kéo theo cả tên lính. Hỏi sao không mở còng để đi vệ sinh, tên lính đáp “Thằng Tây biểu!”. Nhiều lần anh muốn nhảy tàu, vì có thể lượng sức chủ động thoát - Nhưng nếu nhảy vậy, thằng lính rơi xuống thế nào cũng chết, về đến Gia-rây, nhân viên mật thám Sài Gòn ra nhận bàn giao, giải về Catinat. Ở đó chúng tiến hành thủ tục quản chế tại Dĩ An.

11. Vào một buổi sáng mùa hè, vẫn trong mùa nắng El Nino, khi công việc của chúng tôi bắt đầu trôi chảy, chợt giật mình khi nghe ông Hoàng Đạo nói ngay khi vừa ngồi xuống ghế: “Năm nay xem chừng muốn nằm nhiều hơn - yếu trong người. Điếc lần đầu. Lãng tai. Ngày trước ở Hà Nội tôi uống rượu ngang cỡ Nguyễn Tuân, nay thì không uống nữa”. Rồi ông trầm ngâm thoáng qua, buông một câu: “Nhiều khi tôi muốn tự vẫn, hoặc kết thúc cuộc đời”.

Tôi ngạc nhiên, nhưng không phải thứ ngạc nhiên tò mò khi nghe “xì căng đan” để hỏi những câu đại loại như: ông có chuyện bực mình, oan trái, ông gặp một thất bại gì chăng?

Không, con người bình thường này giản dị đấy, nhưng cuộc đời lại đầy từng trải và chiến công - Chắc chắn nỗi buồn này không phải là sự chán sống hoặc trốn chạy. Có ý nghĩ muốn ngày nào đó “đã đến lúc kết thúc”, chỉ là tâm trạng của một người biết rất rõ giá trị cuộc sống và nhìn thấy mình đang đứng ở đâu trong đoạn đời. Hay nói đúng hơn, đó là khát vọng được sống một cách hữu ích đang dày vò một con người đã có những năm tháng rất đặc biệt, giờ đối mặt với thực tế sau cùng. Tôi thầm ngắm trộm và lượng đoán: con người này phải sống thọ - ông còn khá tráng kiện, dù mỗi lần lên nhà tôi, ông đều nói: “Tôi ớn cái cầu thang leo lầu nhà bà”.

Để giải bày về cái việc “muốn chết” kia, ông bảo: “Đôi khi nhớ lại toàn cục thì nói: Giờ đây sống gần như vô ích. Tôi chuẩn bị rồi. Con cái tôi chúng cũng nói như cô vừa nói: sống là niềm an ủi, chỗ dựa của con cái. Ba là ngọn đèn cho chúng con nhìn. Sống phải có lẽ sống là đúng thôi - Các con nói đúng. Nhưng đèn leo lét rồi không giúp nó ánh sáng được”.

Tôi không thể dằn lòng, kể cho ông nghe về người mẹ của tôi, sống ở xa hàng ngàn cây số, nằm liệt giường trước khi chết tới năm năm trời. Vậy mà những năm tháng đó tôi vẫn thấy vững mạnh hơn là bây giờ côi cút. Đó chỉ là bộ xương nằm nơi ngôi nhà hoang vắng nhớ thương con cháu đi xa. Nhiều lần mẹ đòi chết vì nghĩ mình sống như vậy làm khổ mọi người. Vậy mà tôi ở xa vẫn thấy mình có mẹ. Mình mạnh bước hơn trên cuộc đời gian khó. Khi có kẻ xấu hãm hại, lòng vẫn thấy có sự bảo vệ, chở che.

“Đúng! Đó là cảm nghĩ của người con. Những gì cô nói tôi đều hiểu. Nhưng nếu xét một cách khách quan, thì đó chỉ là sự biện minh. Kẻ cắp cũng có lý do của kẻ cắp. Anh bắt gặp người đàn ông trong buồng vợ mình, người ta cũng có thể giải thích lý do được. Nước Pháp cũng nói lý do vì sao họ đến Việt Nam. Mỹ cũng giải thích tại sao nó phải vào đây”.

Ông sống như thế nào trong những ngày này? Nếu nghe nói nhà có nuôi trăn, khỉ, chim, cọp, người ta hẳn nghĩ chắc là nhà khá giả. Khi đến thăm ông, tôi thấy đó không phải là các vila, trang trại như những nhà nuôi trăn, cọp, thường phải có các khu vườn rộng. Đó chỉ là sự giải trí của một người già tận dụng các góc sân thượng nhỏ hẹp. Tất nhiên, ông không thể nghèo khổ - năm con trai một con gái ông đều là đảng viên, nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội. Tất cả đều trưởng thành đủ để lo cho cha mẹ một cuộc sống tốt, đầm ấm theo kiểu gia đình cán bộ.

Một ngày của ông thế nào?

“Đừng hỏi một ngày, mà phải một ngày một đêm. Cô có biết cái thú vị của việc nhìn sao và trăng? Chiều đến tôi phải lao động, rửa cho sạch cái sân thượng nhỏ mà chim, khỉ cùng sống ở đó - Rồi treo võng, tưới cây”. Vậy không ngủ sao? “Khoan, 10 giờ ngủ đến 12 giờ. Nằm ngoài trời. 12 giờ đọc sách hoài. Nhìn trời, lúc này có trăng tốt lắm. Lặn phía tây là 1 giờ đêm. Thấy sao Hôm đợi sao Mai mà có khi nào gặp. Tôi sống bằng sách báo. Sách tới vài ngàn quyển. Báo thì có khá đủ. Tôi thích đọc sách của Mac Namara viết về chiến tranh” - Thế đấy, ở cái thành phố vĩ đại này có đủ các kiểu sống, thì ông - và tôi - cũng góp phần hai kiểu, khi tôi suốt đời thèm ngủ hơn cả ăn, tất cả các dòng viết ra đều vào ban đêm, đều khấu vào giấc ngủ, thì ông đang phải ngắm sao Hôm, sao Mai, trăn trở với cuộc sống và không sao ngủ được. Có lẽ đây là thời kỳ duy nhất ông được dừng lại để thưởng thức (hay là chịu đựng?) quãng thời gian của người già ngơi nghỉ trong trăn trở. Trong niềm vui ngắm các cháu lớn lên. Đứa cháu nội của ông mách bố nó là ông nhận xét bố nó “thược dược” (thực dụng - nhưng chú bé không hiểu chữ thực dụng là gì) - Không giống cả đứa cháu nội lớn hơn, học đại học Bách khoa - Ông quan sát sự vật với tính “triết học”.

“Tôi nuôi súc vật. Chơi. Già! Người chơi cảnh - Mình chơi cọp. Nuôi thử và mình hiểu nó hơn. Một con cọp, một con khỉ mà ở chung nhau, ôm nhau ngủ, không giành nhau. Tôi làm chuồng lưới sắt, mua cho một ngàn thịt bạc nhạc, lớn hơn cho ăn hai ngàn. Già, có người chơi tem, cây cảnh. Tôi chơi sinh vật”.

(Còn tiếp)

 

 NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=893
Quay lên trên