Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Món cuối cùng, tức là lưỡi lam xẻ và đốt bông gòn tẩm cồn. Nó nói với thằng thông ngôn. Tôi quan sát cách làm của thằng ghi hồ sơ: tờ trình có đánh số. Tài liệu tham vấn phải nằm phía sau bút lục. Cuối cùng có nhận xét của thằng lập hồ sơ, để trống cho ý kiến cấp trên. Ngay cả việc hỏi cung, nó cũng có nghề. Từng câu rất dễ cho mình trả lời, rồi bất ngờ nó “khóa” mình lại - Đó là những bài học đường đời, lần đầu tiên một thiếu niên trải qua và chứng kiến các “kỹ năng” hành chính sơ đẳng mà sau này trong đời làm Trưởng Công an cách mạng tôi đã “học” cách thức làm hồ sơ. Hồ sơ Công an Thanh Hóa đã làm tốt nhất so các tỉnh phía Bắc để giữ an ninh cho thời kỳ cách mạng còn trứng nước”.
Đôi bàn chân ông che khuất trong đôi dép da không có quai hậu, đã có lần ông lên nhà tôi lúc về đi nhầm luôn đôi khác về nhà, để hôm sau giữa trưa hối hả đạp xe lên trả - Đôi bàn chân ấy đã bước tiếp qua bao đoạn đời, bao miền đất từ Nam ra Bắc - Tôi không nhìn chân ông để tìm dấu vết gì của đòn tra - Hơn nửa thế kỷ rồi còn gì.
“Cách hỏi cung của nó đem tới cho tôi bao điều lạ, dù lúc đó còn đang phải đối phó với căng thẳng. Tờ báo này là tờ báo gì” tờ H’umanité. Báo của ai đó? Của Đảng Cộng sản Pháp ạ - Ờ - Mày nghe nhé, luật 91 sửa đổi cho thuộc địa, báo này bị cấm đọc và lưu truyền, ai vi phạm bị phạt tù từ 1 ngày cho tới 5 năm. Bây giờ khoan nói mày đọc là phạm pháp rồi, tao hỏi: Đảng Cộng sản mày có in được tờ H’umanité này không? Dạ không in được. Báo Cộng sản của họ in xu xoa, chứ báo Cộng sản viết tay thôi. Ừ mày nói có lý. Tờ này in bên Pháp, đúng. Đảng Cộng sản Việt Nam không in được. Mày uống nước đi. Rồi giải thích cho tao nghe vì sao trong tủ thợ của mày có 10 tờ này. Lúc hỏi tủ mày đâu, mày chỉ bậy tủ người khác, cuối cùng phải phá cái tủ mày ra mới lấy được. Từ bên Pháp, nó bò cách nào vào tủ mày?”.
Chàng thiếu niên đã khai như mọi người thường khai: Lương ngày làm có 1đ2 mà có người thuê chuyển sẽ trả 1đ. Nếu đưa cho người khác đọc sẽ có tiền - Mày đưa cho ai? Một người đi xe đỏ, mặc bộ đồ lụa đen. Đang ăn cơm sẽ có người đến chào vui vẻ, cho tiền rồi lấy thứ đó đi, không rõ là thứ gì.
Tôi phải tưởng tượng trong đầu về một người có thật, để miêu tả cho đúng trước sau. Nó bảo: Thôi mày bố trí tao bắt thằng đến lấy. Nó còng tay tôi, cho lính giải về nhà máy Faci để ngồi đó. Các đồng chí trong chi bộ đi làm qua, thấy thế sợ lắm. Tôi cười cười. Thằng lính áp tải lo quát bảo: Mày chỉ đại một thằng nào cũng được, không thì về ông Cò đánh mày chết. Nhưng không phải người đó làm sao chỉ. Đ.m. mày ngu. Cứ chỉ đại một thằng, chúng tao đánh đau nó nhận là mày xong. Lúc về, thằng Cò hỏi: không có thằng đó đến mày nghĩ sao? Các ông còng tôi thì thằng đó biết tôi bị bắt sao nó dám đến? Ừ mày khôn. Nó tát bọn lính giải đi dẫn về.
Nhưng ông chưa kể hết về cái ngày mai kinh khủng mà Pe-rốt dọa? Có phải chính đêm ấy ông đã chọn việc tự tử để khỏi khai báo vào ngày mai, khi lửa cồn sẽ cháy ở gan bàn chân? Điều này đã làm ông nổi tiếng, trở thành nhân vật trong tác phẩm hồi ký của Tạ Thu Thâu “30 ngày ở Catinat”.
“Tôi thấy mình sẽ không chịu nổi. Nhưng khai ra, thì không thể. Lúc đó tuổi nhỏ, những năm đầu giác ngộ, chưa có triết lý về lý tưởng bao nhiêu, tôi chỉ lần lượt nhớ tới những người mà tôi không thể nào đẩy họ vào tù đày thế này được. Họ rất thương quý tôi. Đảng viên già thì đòi gả con gái cho. Vợ con họ một tiếng “chú Tư” vui mừng, lật đật đi nấu cơm khi tôi đến. Khi tôi đi, họ còn nhét tiền vào túi. Làm sao mà khai họ ra được? Tôi quyết định tự tử”.
5. Ông cầm cây bút, xoay cuốn sổ ghi chép của tôi và vẽ những hình rất lớn: Sơ đồ cái xà lim trong đó có các dãy khám song song châu đầu vào các hành lang nhỏ - lùi về sau có cả bể nước và nhà xe. Ông “chiết” riêng một hình vẽ lớn hơn về cái phòng giam của ông: “Cụm này có 4 xà lim. Tôi ở số 3, cạnh ông Nguyễn Lương Bằng số 1. Tạ Thu Thâu ở số 4, đối diện với tôi”.
“Tôi quyết định tự tử bằng cách xé quần ra chập thành dây. Người ta thường đồn rằng khi một người muốn chết, thì chỉ cần chui đầu vào thòng lọng là được chết - nghĩ thế tôi quyết làm. Nhưng suốt từ 1 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng không sao chết được, tôi máng dây vào cái bản lề cửa, thả xuống lại đứt. Lần cuối cùng sắp sáng rồi, không thể trì hoãn: tôi thả nhẹ, dây không đứt nữa. Cảm giác: cái bệ xi măng đặt nằm, chạy qua chạy lại. Nhưng lúc đứt dây, mồ hôi tuôn ra có mùi hôi thối. Rồi tôi không biết gì nữa. Sau này nghe kể lại, khoảng 4 giờ 30 lính gác phát hiện, đem tôi vô nhà thương Chợ Quán. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy có rất nhiều người xung quanh ai cũng bị cùm cả. Hỏi thăm đây là đâu, nhưng không cất tiếng nói được. Sau này mới biết đó là nhà thương Chợ Quán. Những người kia cũng là tù nhân. Nó đem giam đôi một năm mới xử. Về cái chết hụt này, ông Tạ Thu Thâu có viết về người tù chính trị vị thành niên can đảm tuẫn tiết trong một tập hồi ký “30 ngày ở Catinat” in tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp. Mãi năm 1936 có dịch in trong tờ Tranh Đấu (La Lutte). Cậu thiếu niên Hoàng Đạo trở nên nổi tiếng.
“Vì sao Tạ Thu Thâu biết rõ việc này? Lúc ấy tôi chỉ biết mang máng, Tạ Thu Thâu là một trí thức, nhà báo đã tham gia mít-tinh của sinh viên Việt Nam tại Pháp để phản đối án xử Nguyễn Thái Học khởi nghĩa Yên Bái. Vì thế, cùng nhiều người, Tạ Thu Thâu bị Pháp trục xuất. Tạ Thu Thâu làm tờ báo “La Luýt” in tiếng Pháp, do một người Pháp gốc Ba Lan xin phép xuất bản. Trụ sở ở đường La Grăng-đie, hình như gần góc đường Thủ Khoa Huân bây giờ. Trước lúc đi đến quyết định tự tử, tôi gọi ông Nguyễn Lương Bằng còn gọi là anh Thượng Hải hay là người số một, xin anh báo lại với Đảng là tôi hy sinh, không khai báo, làm tròn nhiệm vụ đảng viên. Với Tạ Thu Thâu, tôi yêu cầu ông là nhà báo, xin ông hãy tố cáo sự dã man của bọn khốn nạn tại đây, một địa ngục trần gian. Ông Thâu hứa ông sẽ làm tất cả những gì có thể làm được”. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI