“Cái điều cô thắc mắc đó, cách đây mấy chục năm, trong một đợt chỉnh huấn dài ngày, người ta cũng chất vấn tôi: Vì sao Pháp tin ông đến như vậy?”
Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
3. “Cái điều cô thắc mắc đó, cách đây mấy chục năm, trong một đợt chỉnh huấn dài ngày, người ta cũng chất vấn tôi: Vì sao Pháp tin ông đến như vậy?”. Ông Hoàng Đạo có vẻ khó nhọc khi nhắc lại điều này. “Có tới 1.000 câu hỏi chứ không phải chỉ một câu như cô hỏi đâu”. Sự khó nhọc này không phải vì buồn bực, mà có lẽ đó là vì những câu hỏi không thể giải thích ngay một lúc cho “thông” được. Cả một giai đoạn chiến tranh cách mạng mà văn học, sử học cũng như các tư liệu chưa phục chế lại được bao nhiêu - Ngay cả chiến công của Tổ điệp báo A.13 được đánh giá là chiến công tầm cỡ đầu tiên trong lịch sử tình báo Việt Nam hiện đại, thì cũng phải 45 năm sau, vào năm 1995 một hội nghị lớn, cuộc hội thảo lớn ở Sầm Sơn, mới có dịp khẳng định tầm cỡ và quy mô của nó.
Ở trang đầu những cuốn tiểu thuyết viết về ông và nhóm A.13, chỉ cần đọc qua lời cảm ơn, lời giới thiệu, lời nói đầu của tác giả Văn Phan, Lê Tri Kỷ, cũng đủ làm nản lòng những ai muốn đi sâu và tiếp tục viết về con người này. Địa chỉ, chức vụ công tác của những người được cảm ơn cũng nói lên phạm vi của tài liệu: Các nhà văn được sự giúp đỡ của Hoàng Đạo và Kim Sơn người giúp việc thông dịch cho ông Hoàng Đạo. Kim Sơn nhiều năm theo Hoàng Đạo với vai thư ký riêng và thông dịch Pháp ngữ. Hai tình báo viên chủ chốt A.13 của ông Nguyễn Tạo, nguyên Trưởng ty Điệp báo Trung ương, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, ông Lê Tân Dân nguyên Phó ty Điệp báo Trung ương, ông Chu Duy Kính - Trung tướng Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên là một trong những người công tác ở nhóm A.13. Người được cảm ơn đó nay cũng đã mất, kể cả nhà văn Lê Tri Kỷ. Đọc trong lời đề tựa tiểu thuyết đó, tôi còn nản lòng hơn bởi quy mô tài liệu mà tác giả đã dựa vào đó. Trong đó có những tài liệu thật quý hiếm, khi giở ra các giấy tờ đã gần mục nát do cất giấu ở một hang núi trong chiến tranh. Tôi không ham muốn viết theo kiểu hồ sơ đã miêu tả diễn biến điệp vụ. Việc đó có bảo tàng và có các tổng kết nghiệp vụ của ngành tình báo công an. Điều khao khát của tôi là trò chuyện với Hoàng Đạo, đủ thứ trên đời, để hiểu được tâm hồn ông, người công an, người tình báo, những nghề nghiệp luôn buộc họ như một ẩn số trước con mắt thiên hạ. Tôi không có một hòm tài liệu nào để khui, tôi có một con người sống động trước mắt: Điệp viên A.13 Hoàng Đạo. Khám phá những bí ẩn tâm hồn ông, những quan niệm cuộc sống, có thể đó là con đường dẫn tới câu trả lời cho câu hỏi của tôi. Vì sao ông vượt qua nhiều lần chết, thu phục được lòng tin của những thực dân như Duypra, trưởng tình báo chiến lược nấp trong danh nghĩa nhà sưu tầm sử liệu cáo già Pháp, như tướng Alexandri, cố vấn đặc biệt Cút Xô. Khi họp tại Đà Lạt thành lập nội các, Cút Xô và Bảo Đại mời ông làm Quốc vụ khanh, người đại diện cho Bảo Đại trong Hội đồng Chính phủ… và quyền tiếp xúc với các lãnh tụ của mọi khuynh hướng, quan điểm chính trị khác nhau trong vùng bị tạm chiếm và vùng tự do thuộc chính quyền cách mạng quản lý.
Ông còn chiếm được lòng tin của thủ lĩnh các phe nhóm chính trị từ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân, cho tới Ngô Đình Diệm, Hà Thúc Ký, Nguyễn Văn Hướng, Bảy Viễn, Nguyễn Hữu Trí, Đặng Văn Sung. Câu trả lời chắc chắn không chỉ tìm tòi theo hướng các kỹ thuật điệp báo với sự chỉ huy và lãnh đạo của lực lượng cách mạng - cái đó tất nhiên rồi - mà cần tìm ra ngay chính con người với những sức mạnh tinh thần, phẩm chất người Việt Nam.
Buổi sáng hôm gặp ông lần đầu tiên, tôi đã quyết định tìm ra một cách thức cho mình. Không đi theo dấu vết tài liệu điệp vụ ở trong các “bảo tàng tình báo không ai được xem” - Vì thế tôi cũng không bắt đầu theo thói thường để mở đầu cuốn sách bằng chương đại loại như người ta vẫn làm, đầu tiên phải là “cánh đồng thơ ấu”.
4. Tại sao kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, người ta tìm ra rất nhiều địa chỉ đỏ mà không nói tới “địa chỉ đen”? Ông Hoàng Đạo chất vấn, khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện tại một quán giải khát - Từ nay về sau thì câu chuyện của chúng tôi tiếp tục “chạy rong” nhiều nơi, khi thì ở căn- tin bên đường Võ Thị Sáu ầm ầm xe cộ giữa cái nắng làm cho thần kinh căng thẳng - Khi thì câu chuyện diễn ra ở một căn phòng làm việc của người khác do chúng tôi mượn địa điểm.
“Sống ở Sài Gòn, chắc cô thường đi qua đường Đồng Khởi, đoạn trước Sở Văn hóa - Thông tin bây giờ. Nơi vỉa hè rộng thế mà bao nhiêu năm trước người qua lại thường tránh sang phía bên kia đường, cô có biết vì sao không? Rồi đây nữa, năm 1953 Ngô Đình Diệm đã làm một việc phải ghi: Phá Khám Lớn Sài Gòn để xây nên một thư viện khang trang - Một công trình văn hóa trên nền Khám Lớn Sài Gòn. Diệm làm việc này tốt hay xấu? Có người nói “khách quan mà xét” thì đó là công trình văn hóa thay cho nơi giam cầm. Nhưng đó là một ý đồ xóa đi dấu vết tội ác của bọn thống trị giam cầm tra khảo những người yêu nước - Đúng vậy không? “Hỏa Lò Hà Nội giờ đây ta cũng phá đi để xây khách sạn cao tầng nhưng rồi có nhiều ý kiến đóng góp, đó là một di tích lịch sử, nhiều nhà cách mạng đã bị giam giữ ở đó - Trên báo chí đưa tin Tổng Bí thư Đỗ Mười còn dẫn cả cựu tù binh Mỹ vào đó xem lại “khách sạn Hilton” nơi phi công Mỹ đã từng bị giam giữ - Phải có ý kiến đóng góp nên Hỏa Lò bị phá đi, xây cất nhà khang trang bước vào thời kỳ mới, nhưng vẫn giữ lại góc thế là đúng, là tốt. Nhưng trở lại cái năm 1953 tại Sài Gòn không ai can kịp mà cũng không ai can được ông Diệm. Theo tôi, ở bót Catinat ấy, nay là Sở Văn hóa - Thông tin, phía sau nếu có phục chế lại nên để vài cụm xà lim như cụm số 1, 2 , 3, 4 nơi đã giam cầm nhiều thế hệ người yêu nước Việt Nam như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn An Ninh… Vì sao người dân phải đi tránh qua bên kia đường? Họ tránh khỏi phải nghe tiếng kêu la thảm khốc, tiếng phản đối của những người yêu nước đang bị tra tấn dã man.
Những cái tên có thể kể ra hàng trang giấy. Những người đã từng qua bót Catinat và Khám Lớn Sài Gòn qua nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng, lẽ ra phải được sưu tầm in lại thành sách như một tượng đài lịch sử. Nơi đó Lý Tự Trọng trong xà lim án chém, ra đi để lại cuốn Truyện Kiều. Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần. Thế hệ tiếp nữa có Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương… Nơi đó Nguyễn Đình Chính (tự Chính Heo) cuộc đời đã có cả một cuốn sách - anh đã viết thư gửi Bác Hồ và phía sau tấm hình anh trong khám tử hình có treo ảnh Bác. Hiện nay mọi người có thể xem tư liệu quý này ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Nhưng thưa ông Hoàng Đạo, ông cũng là một người tù ở đó rất sớm từ những năm 1930-1931?”. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI