“Lúc đó tôi còn rất trẻ, may mắn gặp cách mạng rất sớm, “được đưa vào đây sớm” - ông kể về cái đoạn đời ở bót Catinat này với chữ dùng “được vào đây” như một sự đánh dấu cho việc tham gia cách mạng của ông. “Tôi lúc đó đang giữ chức cử soát viên của chi bộ hãng Faci, in ấn tờ Thợ Thuyền, tờ báo của công nhân Sài Gòn. Nhà in nằm sau nhà máy cưa Giá Tỵ. Nay chỗ đó tôi có trở lại tìm, không còn dấu vết. Nếu cô không ngại nghe chuyện cũ, tôi sẽ kể lại cái vụ tôi bị bắt vào năm 1931 đó, nếm đòn Catinat và tận mắt thấy anh Lý Tự Trọng bị hành hình, chuyện tôi bị giam cùng với ông Nguyễn Lương Bằng (sau này là Chủ tịch nước) ra sao”.
Đó là năm 1931, chàng thanh niên công nhân Hoàng Đạo mới ở tuổi thiếu niên, làm thợ- Anh đã được tổ chức Công hội Đỏ dẫn dắt con đường đầu tiên làm cách mạng ở Nhà máy Xe lửa Dĩ An. Làm việc, lo in ấn báo Thợ Thuyền, anh được giao nhiệm vụ đến vườn hoa Xã Tây (nơi vườn hoa tượng đài Bác Hồ trước cửa UBND TP.Hồ Chí Minh ngày nay) để chờ gặp một người đến trao đổi mật hiệu bí mật trao cho những tờ H’umanité, tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp để chuyển cho một cơ quan bí mật. Giờ đây, cái vườn Xã Tây Meri Tòa thị chính ấy trở thành một công viên trung tâm nhộn nhịp nhất. Những ngày lễ hàng đoàn người đến đặt hoa nơi tượng đài. Các em thiếu nhi đến ca hát. Khách du lịch ngạc nhiên thấy cuộc sống sinh động ở Việt Nam, có niềm vui gì đó là đổ ra đường, ra cái công viên tượng đài ấy. Niềm vui hân hoan của một trận bóng đá đội nhà đã vào chung kết của Tiger Cup thôi, cũng nghẹt cứng với cờ hoa và bóng bay xanh đỏ. Trong những lúc đông vui như thế, chắc chắn không có bóng một người đã cao tuổi - nhân vật ta đang nói tới đây - lúc đó ông ở trong nhà, chia sẻ niềm hân hoan trước màn hình. Ông không đi ra cái vườn Xã Tây Meri ấy, vì tuổi già không mấy ai thích đông đúc ầm ĩ và kẹt xe giữa biển người. Nhưng có lẽ, trái tim ông không hề xa lạ với nơi đó, nơi mà cách đây hơn nửa thế kỷ, ông đã đến ngồi trên cái ghế để chờ. Sẽ có người thủy thủ Pháp chưa hề quen biết, ở dưới tàu lên. Mật hiệu để nhận ra nhau là chàng thanh niên Việt Nam ngồi ở cái ghế bên trái, thuốc lắp trong ống điếu dài, châm xong vẫn không cất bật lửa vào túi. Người thủy thủ sẽ đến xin lửa. Bật lửa châm thuốc, họ sẽ ngồi lại bên nhau. Khi đứng dậy ra về, người thủy thủ “để quên” lại trên ghế một bọc giấy. Nhiệm vụ của người thợ trẻ Hoàng Đạo là cầm về, cất vào kho của xưởng, rồi ngày mai sẽ có người nhận đi, anh sẽ lấy cho vào cái tủ đựng đồ nghề riêng của mỗi người thợ. Anh không biết rằng chính người giữ kho đã khai báo và Hoàng Đại lần đầu bị bắt, nếm đòn Catinat.
“Trong bót có 3 ban. Pe-rốt là sếp của ban 3, ban chính trị. Ông ta có một tay giả mang bao cao su màu xanh. Ông viết tay trái, tra tấn bằng tay trái không biết mệt mỏi…”.
Dường như ông Hoàng Đạo thoáng chút lưỡng lự khi kể đến đây. Với thế hệ sau như tôi, đã đọc nghe nhiều hồi ký của chiến sĩ cách mạng bị tù đày, đã từng nghe những tội ác kinh khủng về Côn Đảo, Chuồng Cọp, chắc là ông có ý nghi ngại, không rõ tôi có chú ý lắng nghe ông không, hay cho đó là chuyện cũ. “Chuyện bác cổ lắm bác ơi! Đứa nào nói với tôi câu đó, tôi cho là hỗn lắm” - Có lần ông đã nhận xét như vậy. Giờ đây, sự ngập ngừng của ông có lẽ liên quan đến điều e ngại này chăng. “Mỗi một người cách mạng là một trang sử làm nên lịch sử của đất nước mà thế hệ sau rất cần phải biết”. Nghe tôi thưa như vậy, ông bắt đầu:
“Hồi đó chưa có kiểu đánh nhiều như giai đoạn sau này. Nhưng có một kiểu ít người qua nổi. Kiểu đánh vào gan bàn chân bằng roi mây, cô có nghe qua chưa? Khi nó dẫn tôi vào, phòng của ông cò trưởng ban Pe-rốt có bọc da để mọi tiếng động, âm thanh trong phòng không thể lọt ra ngoài. Tôi sẽ kể cho cô quy trình của cuộc đánh roi mây này, dù rằng tôi chưa phải nếm qua đoạn cuối đâu- Kiểu đánh này không bao giờ quên được với một thế hệ người hoạt động bị bắt, giam cầm thuở ấy. Người tù bị bắt nằm trên một cái mền màu đỏ cho máu khỏi loang, nằm sấp. Lúc nó bảo tôi nằm, tôi chưa biết, nên đã nằm ngửa. Nó bảo nằm sấp xuống. Cột chân cột tay, một dây cột cho bàn chân ngửa ra. Một dây đồng 3 ly chẹn vào miệng. Người ta thường nói cắn lưỡi chết, nhưng đó chỉ là huyền thoại, không đúng. Tôi thấy có người cắn lưỡi nhưng không chết. Nó bơm thuốc, bơm thức ăn vào, khỏi rồi chỉ nói đớt chứ không chết”.
Tôi liếc nhìn trộm xuống đôi bàn chân ông và rùng mình. Trong khi đó, ông không để ý, vẫn dõng dạc kể, như giới thiệu cho tôi hình dung được một thứ “kỹ thuật”.
“Cô hình dung ra đi. Một bó roi mây đánh vào gan bàn chân. Đánh nát bó này, lấy bó khác. Không chỗ nào khủng kiếp bằng bị đánh nơi gan bàn chân. Nhức ở trong óc và nách. Chừng nào bàn chân sưng lên, nó chỉ khẽ quẹt qua cũng đủ ngất. Khai thì đưa qua phòng bên để khai cung, không khai đánh lại. Nó lấy lưỡi lam xẻ cái gan bàn chân sưng húp và tụ máu đen - Nó nói: Cho mày xuống đã. Ngày mai còn một món cuối cùng, mẹ mày có mấy cái lông, mày cũng sẽ khai hết. Mai. Mai là cái cửa thứ 10 cho đầu thai kiếp khác. Vào đây, Cộng sản là khai ra bằng hết. Tao cắt nghĩa cho mày nghe. Tao cho khiêng mày xuống để mai mày hưởng món cuối cùng”. Nó còn dẫn chứng: Mày xem kiên trung như Ngô Đức Trì ở khám 13 dưới kia. Chính nó khai rất kỹ về “Tổ chức Đảng Cộng sản đấy”. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI