Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 30-09-2014 | 11:28:59

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Đó là đã vào đầu năm 1948. Tại Dinh 1 Đà Lạt, Hoàng Đạo tiếp kiến Quốc trưởng Bảo Đại. “Tôi với tư cách là đại diện các đảng phái nên phải để râu cho già một chút, mặc đồ Tôn Trung Sơn màu xám, đi giày đen. Có một bảo vệ mang súng đi kèm, chính là Kim Sơn. Tôi đẩy cửa gió đi vào, dáng dấp lãnh tụ phải tập. Hôm trước bàn với Kim Sơn rồi: Kim Sơn phải mở cửa, kéo ghế cho “lãnh tụ ngồi” - Hoàng Đạo kể tiếp.

Lễ tân phía Bảo Đại là Phạm Bích ra mở cửa, Hoàng Đạo biết mình phải ước lượng bước khoảng bốn bước chầm chậm để tới kịp lúc Bảo Đại giơ tay ra, bắt tay. Phạm Bích (con của Phạm Quỳnh, bấy giờ là Đổng lý văn phòng quốc trưởng), đẩy cửa gió và lui ra mời - Ngài Hoàng Đạo vào... một giây, quốc trưởng bước ra, cùng đứng trên bức thảm đỏ giữa phòng... bắt tay chính khách Hoàng Đạo... Lời lẽ, sáo ngữ tuôn ra nghiêm trang, giờ lịch sử giả tạo của đám bù nhìn lạnh lùng của Pháp bắt đầu. Họ ngồi xuống ghế. Bảo Đại: “Ông từ ngoài kháng chiến mới vào có phải không?”. “Dạ phải!”. “Hồ Chủ tịch có mạnh khỏe không?”. “Thưa, cảm ơn quốc trưởng, tôi có nghe nói Hồ Chủ tịch khỏe”. “Thế còn các ông bộ trưởng cũng được khỏe luôn chứ? Đặc biệt xin hỏi ông Phạm Văn Đồng có được khỏe không?”.

Sau những lời thăm hỏi thông thường ấy, Hoàng Đạo đi vào đề một chuyện mà thâm tâm ông luôn luôn nhớ: Thanh Hóa. Tổ A.13 đã nhận định, đó là con đường đi vào Nam, là kho thóc của kháng chiến - Bảo vệ bờ biển thì ta chưa có hải quân. Giặc mà đánh cái đập Bái Thượng là mùa màng mất hết, quân dân vùng kháng chiến sẽ bị đói. Tướng Nguyễn Sơn nói rằng về quân sự ta muốn cắm cờ chỗ nào trong Thanh Hóa đều được hết, nhưng giữ không được. Phải giữ Thanh Hóa bằng trí tuệ, bằng mưu trí. Một lần khi quân Pháp đổ bộ đánh Thanh Hóa, Hoàng Đạo đã biết trước lộ trình kế hoạch, báo ra cho quân ta chặn đường đánh tan nát. Điều đó chứng minh lời ông vẫn khuyên can ngăn ngừa. Nhưng cũng chỉ dừng ở mức ấy, ta chưa đủ sức để làm chủ Thanh Hóa hoàn toàn. Đó là điều tâm niệm trong lòng, hôm nay ông có dịp động viên quốc trưởng Bảo Đại đứng về phía mình. Phải biến quốc trưởng thành “cộng tác viên” vô tình của cách mạng bằng cách giữ Thanh Hóa không để cho Tây vào. Ở đó có lăng ông tổ nhà nguyễn, nơi hoàng triều cương thổ và có lăng Triệu Tường. Nói chính xác ra, phải giữ yên đập Bái Thượng cho dân Thanh Hóa có cơm ăn và là vựa thóc nuôi Việt Bắc. Đây chính là lúc nói chuyện này với Bảo Đại. Hoàng Đạo thưa: “Nếu tôi biết không lầm thì năm 1945 cách mạng thành công, ngài thoái vị, ngài có yêu cầu hai việc đều được Hồ Chủ tịch chấp thuận: Việc thứ nhất là ngài không còn làm vua thì xin cho ngài được làm con của nhà Nguyễn một cách trọn vẹn đầy đủ là bảo vệ tôn lăng các tiên vương. Điều thứ hai là đối xử với người trong Hoàng tộc được bình đẳng”. Hoàng Đạo nghĩ thầm “Tôi nói Hồ Chủ tịch chấp thuận, chứ không nhắc lại Hồ Chủ tịch phong ngài là công dân số 1 - Công dân số 1 đâu mà lại đi theo Pháp thế này” - Ông nói tiếp với quốc trưởng: “Hôm nay tôi vào với tư cách là một người Thanh Hóa. Phải nói rõ như thế. Tôi muốn ngài cố gắng tối đa đừng để người Pháp bước chân vào Thanh Hóa. Nếu họ vào, không thể bảo vệ lăng Triệu Tường ở Hà Trung được (đến đây ông lại thầm nghĩ: Không lẽ nói rằng nếu để quân Pháp vào, nông dân người ta đào mả nhà ông lên vì ông rước Pháp vào giày xéo quê hương giết hại dân lành).

Đức quốc trưởng rất hài lòng chấp thuận, còn vui vẻ khi nghe Hoàng Đạo nói có gặp Đức Từ ở trong nội. Bố vợ của Hoàng Đạo là Bửu Trí, một võ quan tam phẩm, thị vệ trưởng cuối cùng của nhà Nguyễn, là người luôn ở bên cạnh Đức Từ (là bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại tên thật là Hoàng Thị Cúc, tức Hoàng Thị Sắc).

Ông có cả một thời kỳ “sống đời vua chúa” rồi còn gì. Tôi hỏi ông có bao giờ gặp Nam Phương hoàng hậu không - Hoàng Đạo tả: Bà Nam Phương cực kỳ đẹp, mũi cao, da trắng. Nói chuyện chỉ ra dấu vì bị điếc, lúc nào cũng cười đáp lễ. Mặc áo dài, tóc bới thấp kiểu Nam bộ. Có lần bà gọi con gái ra chào tôi. Công chúa Phương Mai thì phải”.

Cuộc đời “lãnh tụ” đã kéo ông tới những cuộc tiếp xúc rộng rãi. Ông đã gặp bao nhiêu loại người, bao nhiêu đẳng cấp khác nhau vào quãng đời đó?

Làm sao nhớ hết! Bây giờ chỉ kể theo trí nhớ bất chợt thôi - Lúc còn tìm hiểu các loại chính kiến, đảng phái, đã tiếp xúc với Trần Văn Lý, Chủ tịch Hội đồng an dân Trung kỳ, gặp tại nhà riêng ở gần cầu xe lửa Huế. Trước kia cũng gặp Ngô Đình Diệm từ Tòa khâm sứ sang tiếp. Ở Hà Nội thì gặp Nguyễn Hữu Trí khâm sai miền Bắc để thăm hỏi và bàn góp sức “Chấm dứt chiến tranh tương tàn” ở Việt Nam. Một người “nguy hiểm” mà ông gặp là Phạm Kim Xuyến, đại diện cho giám mục Lê Hữu Từ ở Phát Diệm mưu toan lập xứ Công giáo tự trị ở miền Bắc. Ở dưới nhà ông Xuyến này có cả máy in bạc giả Việt Nam. Các chính khách lớn đều lui tới. Họ đã tổ chức cho quân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm. Cũng có một cuộc gặp khác mà ông nhớ sâu sắc, đó là lần ông Chu Duy Kính đi liên lạc, phải tìm đường khác để tránh tên Mô-la. Mô-la là viên quan tư nhảy dù xuống Phát Diệm đang tiến hành giúp xây dựng công giáo tư trị - Trước đây Chu Duy Kính là liên lạc viên của chúng ta ở Hà Nội bị bắt, Mô-la đã bắt Kính làm bồi cho hắn. Suýt nữa mà Kính đi qua ngã đó, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Đời hoạt động xa xưa sớm một chút nữa, ông gặp cả những người như Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Khá, Trương Văn Bền hoạt động báo chí.

Chỉ riêng những cuộc gặp gỡ, các mối liên hệ với những con người đủ mọi lĩnh vực, cũng thấy đời ông thật kỳ lạ. Ông sống lâu, nhưng không giống những ông già bình thường mà chính là một con người sống gắn bó với những biến động dữ dội của lịch sử.

Thời kỳ sống ngay ở đầu sóng đời sống chính khách, sống cạnh vua chúa, ông phải luyện cử chỉ cho đúng vai thượng thư trong cái “Ủy ban tham mưu tối cao Pháp - Việt”- Trước lúc nói phải suy nghĩ, ngay cả việc ngồi cũng phải luyện. Lần đầu tiên ăn yến, đưa cái khăn để cái chén lên, ăn một miếng cho người ta bê đi. Đó là một vở kịch. Về đám người xung quanh thì ông nghĩ: Chúng mày cũng đóng kịch trước mặt tao thôi. Mồm lúc nào cũng nói đến quốc gia hưng vong mà tối đến đi chơi cô đầu nhà thổ. Luôn mồm nói chuyện chống Tây nhưng lại đi làm cho Tây để lấy tiền. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=998
Quay lên trên