Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Khi tôi đặt vấn đề muốn anh nhận xét về cha, Hải chợt như có chút phản ứng. Quan điểm của anh thống nhất với quan điểm của cuộc tranh luận vừa diễn ra trên báo chí, lên án việc có một trường học tổ chức lấy ý kiến học sinh phê bình thầy cô giáo - “Tôi không đồng ý học sinh phê bình nhận xét thầy cô giáo”. Ý anh muốn nói rằng hôm nay đây, anh cũng không muốn phê phán cha mình? Nhưng tôi chỉ muốn anh nói về cảm xúc của người con trong nhìn nhận cha mình kia mà? Chưa để tôi nói câu đó, Hải hỏi: Chị biết cha tôi quê ở đâu không, chị? Ở Dĩ An, tôi nói ngay- Nơi có nhà máy xe lửa- “Vâng, tôi muốn hỏi chị về cái vùng quê ấy vì nó là một vùng nông thôn nhưng do vị trí lịch sử có nhà máy xe lửa, một cơ sở công nghiệp tương đối lớn. Ông già tôi cùng lúc có nhiều tư tưởng: cái lãng mạn của thị dân, cái tự do của nông dân, cái hoài bão của công nhân. Người ở làng tôi đều bị nhiễm hệ tư tưởng như vậy” - Theo anh, vùng đất đó nhiều điều buồn cười: Xung quanh đó, trong kháng chiến chống Pháp, trước cách mạng, cho đến kháng chiến chống Mỹ sau này cũng vẫn đặc điểm ấy: Vừa rẫy, ruộng, xe lửa, buôn bán, dệt... Cả thị dân, nông dân, công nhân ở trong một gia đình - Gia đình phân hóa, tồn tại trong mỗi con người nhiều ý thức hệ... Câu chuyện tới đó thì có người vào.
“Căn nhà mười phòng, đêm ngủ mở cửa sổ cho mát, nó vào lấy hơn 2.000 đô. Công an quận, phường xuống điều tra chưa động tĩnh gì. Đề nghị anh đẩy nhanh điều tra” - Một người đàn ông vào đề nghị - Được rồi, chúng tôi sẽ cho xác minh... Người đàn ông bước ra.
Hải tiếp tục: Ông già tôi cũng không thoát được đặc điểm ấy. Ở ông có lãng mạn, tự do, hoài bão, muốn tập hợp người khác lại để cùng thực hiện lý tưởng. Ông tự do như người nông dân, thích thì làm chết bỏ, không thích thì thôi. Con người có cá tính mạnh nên đứng về tổ chức thì khó thể chấp nhận.
Tự chuẩn bị cái chết? Thực ra đó là biểu hiện sự lãng mạn của người có cá tính (nhận xét giống Hoàng Đạo, ông anh cả) - Theo tôi, ai lại không sợ chết - Chỉ có người nào thoát khỏi thực tế mới bộc lộ ra sự tính toán khác lạ như vậy. Thoát khỏi thực tế là lãng mạn. Trong công tác, hoạt động, ông cũng có tính lãng mạn đó.
Hồi nhỏ quá thì chưa có nhận thức gì, lúc anh lớn lên lại không được sống chung do cha đi hoạt động - 17, 18 tuổi anh vào đại học, năm 1975 về Nam. Mãi năm 1979 anh mới ra trường - Hải nhận xét, ba anh hiền và lãng mạn “nhưng hình như thời làm công an ông dữ”.
Vì sao Hải theo nghề công an? Trong khi anh cả đi bộ đội, bị thương ở Quảng Trị rồi về học quân y, chị gái học dược sĩ...
“Đến thời tôi lớn thì gia đình chưa ai làm công an hết. Tôi đi theo nghề này là ước muốn của ông già. Ông luôn nghĩ con người có thể trở nên tốt đẹp và can đảm trong nghề này”.
Rồi bất ngờ, Hải kể theo cách của anh, chân thật - Dù cho ông già có ước muốn lý tưởng xa xôi, nhưng với Hải, anh theo ngành công an “chỉ vì sợ không học giỏi, thi trượt”. Nhiều sự sắp xếp chỉ đơn giản vậy thôi. Do sắp đặt. Nhưng nếu hồi đó mà không theo nghề công an... làm công an thì rõ ràng với tôi là tốt hơn. Hồi đó ông nhìn rộng hơn một học sinh mới qua phổ thông.
Tôi không là một trẻ ngoan - Hải vẫn bộc lộ theo mạch suy nghĩ khách quan nhất khi nhìn nhận chính mình - “Tôi không là trẻ ngoan, hồi nhỏ lưu ban lớp 9 vì hạnh kiểm kém. Có lẽ cần một môi trường kỷ luật chặt chẽ hơn. Đó là công an và quân đội”.
Nhưng anh thấy nghề công an như thế nào, nó có làm tiêu hao những xúc cảm và đặc tính cá nhân? Chưa để Hải trả lời, tôi bộc lộ thêm. Nhà tôi ở sát bên trụ sở của anh đây, chỉ cách cái ngã tư giao nhau giữa đuờng Điện Biên Phủ và Cách Mạng Tháng Tám. Ở một chung cư leo rất cao, loại chung cư đẹp đẽ thoáng mát và khá an ninh. Nhưng nếu tôi có tiền, nếu như người ta có thể di trú tự do, đổi chỗ ở dễ dàng, tôi sẽ chuyển nhà đi ngay. Tôi khó nghe được tiếng còi hụ của xe chở tù nhân ngày hai buổi đến tòa án. Đường Cách Mạng Tháng Tám nơi tôi ở là lộ trình từ nhà tù đến tòa án, xe phải đi qua. Tim tôi thường loạn nhịp khi phải nghe tiếng còi này.
Hải không hỏi gì thêm về những suy nghĩ khá riêng tư của tôi. Là một người cầm bút, thậm chí đã có lúc tôi mơ hồ sợ hãi ông Hoàng Đạo khi biết ông có tham gia vụ nhân văn giai phẩm, vụ án về một số văn nghệ sĩ có sai lầm. Sau này tôi hiểu ông hơn. Ông yêu quý các văn nghệ sĩ và công việc chủ yếu của ông là khuyên can. Ông giữ được tình bạn do chất nhân văn mà chính con người của ông chất chứa khá tràn đầy - Hải không giải thích thêm chuyện ấy, anh nói về nghề công an. Nếu đó chỉ là các quan điểm phải giữ chặt chẽ khi nói chuyện với giới báo chí, để không phạm sơ hở trong cách ăn nói của một người chịu trách nhiệm về điều tra hình sự kinh tế - thì tôi đã chẳng phải ghi chép nhiều. Nhưng hải nói những suy nghĩ riêng. “Nhiều khi tôi tâm sự với anh em, mình tiếp xúc đau khổ của người khác nhiều, rất sợ chai lỳ. Đời một công an điều tra, suốt ngày nghe người ta đến nói về việc bị mất cắp, giật đồ, bị hành hung... nhiều vô kể, những việc trở nên chuyện hàng ngày của chúng tôi là giữ được xúc cảm, biết cảm nhận được nỗi đau của người khác. Tôi vẫn nhắc nhở mình khi làm điều tra, khi đề nghị chuyển qua xét xử ở tòa... những công việc hàng ngày ấy không được coi đơn giản là việc hành chính, thủ tục. Có người nói nghề chúng tôi cũng như đưa đò... điều tra, rồi chuyển viện kiểm sát, rồi lại điều tra, lại chuyển... Nhưng chúng tôi luôn nhắc nhau: Phía sau công việc ấy, là số phận một con người, là cả cuộc đời con người. Nếu không nhìn thấy một cuộc đời trong đó, thì chính người công an hỏng”. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bảy, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Dĩ An tâm đắc với cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ”. Theo ông, đây là cuốn sách đáng đọc, bởi giá trị giáo dục sâu sắc.
“Ông Hoàng Đạo sinh ra tại Dĩ An và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Tuy nhiên, trong lịch sử Dĩ An chưa đề cập đến ông. Đây là một thiếu sót, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thị ủy sẽ xem xét xin ý kiến cấp trên để bổ sung. Cả cuộc đời Hoàng Đạo nhiều lần “vào sinh ra tử”, nhưng với ý chí, nghị lực ông đã vượt qua tất cả để tự hào với tên gọi điệp viên A.13”, ông Bảy cho biết.
Riêng ông Bảy, khi đọc cuốn sách của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, bản thân ông cảm thấy tự hào, kính trọng, nể phục một người con xuất sắc của mảnh đất Dĩ An. Ông cũng khẳng định, việc cho in cuốn sách này có ý nghĩa hết sức to lớn để giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc. Hiện nay đất nước ta đang trong công cuộc hội nhập quốc tế thì việc giáo dục thế hệ trẻ rèn luyện ý chí cách mạng, bản lĩnh chính trị rất cần thiết. Cũng từ những giá trị lịch sử, thấm nhuần truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thanh niên sẵn sàng lên đường bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, nhất là quần đảo Trường sa, Hoàng sa.
Qua tác phẩm này, việc tuyên truyền sâu rộng về tấm gương, cuộc đời Hoàng Đạo là việc làm hết sức quan trọng. Do đó, Ban Tuyên giáo Thị ủy sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, kênh thông tin đại chúng để hướng dẫn tuyên truyền về tấm gương của Hoàng Đạo. Mỗi cơ sở Đảng có chương trình, kế hoạch, tổ chức học tập và làm theo tấm gương của Hoàng Đạo. Các cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên ra sức học tập, noi theo tấm gương của Hoàng Đạo. Từ đó, mỗi người sẽ đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, quê hương, đặc biệt xây dựng Dĩ An một đô thị văn minh, giàu đẹp, mà trước nhất phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị như nghị quyết đại hội đã đề ra.
Ông Bảy cũng cho biết thêm: “Trên cơ sở những bài viết đã đăng tải trên báo Bình Dương, chúng tôi sẽ báo cáo cho cấp ủy xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó, Ban Tuyên giáo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cấp cơ sở tiến hành in ấn, photo, chọn lọc thời gian cụ thể để giáo dục cho thế hệ trẻ theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Mỗi ngày giáo dục từng chương, từng trang về những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Hoàng Đạo để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Thị ủy sẽ có hình thức tuyên truyền mang tính trực quan sinh động để mỗi cơ quan, địa phương, cấp ủy nhắc nhở thường xuyên giúp đảng viên học tập, nhìn nhận tấm gương Hoàng Đạo để làm theo”.
TỐ TÂM