Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Sau mỗi lần gặp, trước khi ra về ông Đạo thường kể một vài câu chuyện vui. Cộng gộp trở lại những câu vui vẻ ấy, tôi hình dung ra đúng như xưa nay thường vậy: Các bà vợ của tình báo, luôn chịu đựng hy sinh, có thể phải buồn vì một thói quen nào đó của chồng. Cái thói quen phổ biến nhất, ấy là quá ít thời gian cho gia đình. “Quá ít” ở đây không chỉ có nghĩa “hầu như không”. Mà còn là sự tạm lãng quên hẳn trong ý thức, do bước vào công việc nguy hiểm sống, chết. Sinh hoạt đầm ấm riêng tư với người thân yêu là điều hiếm hoi. Đó là thứ “xa xỉ phẩm” không dám nghĩ tới, nhất là khi sự sống chết có thể ập tới bất cứ lúc nào. “Trong cuộc họp gia đình, hôm rồi có đủ bốn cô con dâu và các con trai, tôi bảo: Có đứa nào không sợ cằn nhằn không? Đã nếm mùi cằn nhằn chưa?”. Không hiểu những người con ông: Nguyễn Văn Hoàng Đạo, Nguyễn Thị Hoàng Điệp, Nguyễn Văn Hoàng Sơn, Nguyễn Văn Hoàng Hải, Nguyễn Văn Hoàng Hà, Nguyễn Văn Hoàng Giang, cả một đại gia đình mang tên Nguyễn Văn Hoàng ấy, ngoài việc phê phán ông hay đi, họ còn nói gì trong các cuộc “họp gia đình”?
Có hôm, ông đến tôi chơi bộc bạch: “Tôi đang gây với con. “Thằng” Hoàng Đạo nói: Ba hạnh phúc, các con thành đạt, không còn gì hơn. Ba làm gì nữa sẽ không tốt đâu. Nhưng tôi bảo phải để tôi được sống theo ý tôi, còn suy nghĩ thì còn làm - Còn lo suối đờn phát nhạc điệu, làm máy phát điện. Còn muốn có máy tiện gỗ làm ra các lọ hoa tặng bạn bè làm kỷ niệm. Nếu không làm việc, tôi sẽ phát điên và đau ốm” - Rồi ông quên ngay cái chuyện gây với con, khi bắt vào chuyện tiến độ của cái suối đờn ở Long Thành. Làm thủy điện, phải làm cái Cannan cho giảm đường nước, nâng đập, mới có dòng chảy ổn định. Đằng này ông tính sức nặng của bánh xe, căn cứ vào dòng kiệt của mùa nóng nhất để tính sau dù nước lớn hay cạn, nó vẫn chạy từ từ. Nước có ngập lên 4 mét cũng vậy - Các kỹ sư lấy làm lạ. Tâm tưởng của ông vẫn ngập trong công việc - Đó là lý do chính để ông phải chịu cằn nhằn. Tôi chợt thoáng hiện một câu đúng dành cho ông: Ưu điểm kéo dài quá thành khuyết điểm.
Hai ông bà ngồi ăn sáng trong căn-tin bữa đó, bên tay phải tôi, ông vẫn say sưa các lập luận như mọi khi, còn bà Hồng Nhung ngồi đối diện, hiền hậu lắng nghe. “Chỉ mong ba đừng làm mẹ buồn lúc tuổi già”. Đó là lời các con, ông thường kể cho tôi nghe - Ông khá thật thà trong khuyết điểm của mình. Tôi hỏi: “Có được nói về sự đào hoa thời trẻ trung của ông không đấy?”. Ông liếc nhìn vợ: nói vừa thôi. Thật ra, tính ông hay bay nhảy, hay thân quen người này người khác. Có làm bà buồn nhiều không. Tôi cười, “phỏng vấn” bà trước mặt ông. Bà bảo: Làm gì còn buồn được. Vì nhiều điều buồn phiền chịu đựng suốt rồi, quen rồi đâu còn biết buồn. Nhiều quá đến không còn buồn nổi nữa. Rồi cả hai ông bà cùng cười.
“Hội nghị gia đình bà tố giác tôi hay đi ngoài đường. Các con hỏi ba đi việc chi? Ba không biết, phải đi! Ông có lần đã kể: Những người Hoa kiều quê ở miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống thời xưa thường đi bán chiếu tre trúc gọi là “chú chệt”. Những người Hoa này khi gặp ai quen thường chào: “Anh Hai, mạnh giỏi. Ăn cơm chưa?”. Ông vẫn thường tự hỏi không hiểu sao trong câu chào lại có liên quan “ăn cơm chưa”. Bây giờ ở nhà, ông cũng bị hỏi như một thói quen: “Đi đâu?” và ông trả lời: không biết đi đâu.
Ông nói tiếp về vợ: Nếu không có bà, sao tôi làm được việc?
Ông khẳng định, rồi tự kiểm điểm: Tôi tự hỏi tôi đã thiếu gì? Thiếu trông nom bả như hồi còn trẻ với nhau. Bả sinh cho tôi bốn con và nuôi dưỡng hai con nữa là sáu. Tôi giờ đây phải cùng yêu thương giúp đỡ các con và sống vui bằng hạnh phúc yên ấm của gia đình các con.Khi ra về, ông đột ngột hỏi tôi: “Cho về chưa?”.
“Cho về!”. Tôi đáp trong tiếng cười của ông. Chỉ có bà là chưa hiểu. Ông nhắc lại câu đùa lần nào chia tay cũng nói: “Cho về! Cô nói làm tôi nhớ lúc Ngô Đình Diệm hỏi cung tôi xong nó cũng nói vậy. Cô nói giống Ngô Đình Diệm!”.
32. Nhưng phải đến khi gặp người con thứ của ông, Nguyễn Văn Hoàng Hải, Phó Trưởng Công an quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, thì tôi mới tìm được một hình ảnh mang tính so sánh. Cả hai cha con đều là công an, ở hai thời khác nhau xa. Vậy có cái gì của người công an Nguyễn Văn Hoàng còn ghi dấu trong Hoàng Hải?
Gọi điện thoại cầm tay cũng nhiều khi nghe một tiếng chuông ré báo hiệu tắt máy. Hẹn ngày giờ rồi, đến cổng, trực ban bảo anh vừa đi. Mình đến mà khổ thế này. Nếu là người dân liên quan gì việc lôi thôi, làm sao tìm gặp được! Tôi dự định lần gặp này sẽ thành thật nói hết cảm nghĩ của tôi. Tôi chưa có một người bạn thân nào trong nghề công an. Tôi cũng như tất cả các nhà báo được học hành giáo dục nhiều, sự hiểu biết và tự hào về lực lượng chuyên chính vô sản mạnh mẽ này là điều hiển nhiên. Họ không chỉ có nhiệm vụ trấn áp kẻ thù để bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà còn xây dựng xã hội đi vào cuộc sống văn minh hiện đại thanh bình. Cái nghề đó đòi hỏi những con người đặc biệt, có tài có đức. Bản thân họ, như tất cả các ngành khác, cũng phải đương đầu với các vấn đề nội bộ, nhất là trong kinh tế thị trường, đồng tiền đang chi phối tới nhiều lĩnh vực tưởng như chắc chắn, không thể đảo điên được. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy một số cảnh sát gây lộn với dân, thậm chí cá biệt còn đánh người ngoài đường. Điều đau lòng là: Khi tôi đi đến góc đường thì cuộc đánh lộn đã xong, người đã bị dẫn đi rồi. Chỉ còn dấu vết là cái nhìn ngơ ngác, giận dữ của những người dân túm tụm chưa giải tán - Họ vừa mới chứng kiến xong. Với trái tim nhiều xúc cảm của một phụ nữ cầm bút, nếu được chứng kiến thì chắc ánh mắt của tôi cũng sẽ như họ thôi. Có thể là rất vô lý khi giận như vậy, bởi vì thiếu gì những kẻ côn đồ đã đánh công an đến chết. Số chiến sĩ công an bị hy sinh như thế trên báo chí đã không còn là chuyện hiếm - Lý trí thì ai cũng hiểu, nhưng tình cảm thường bị sốc nếu nhìn thấy người mặc bộ trang phục cảnh sát đang đánh một người dân thường - Tất cả trạng thái này, tôi cũng sẽ nói với vị quận phó trẻ tuổi. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Chúng tôi đến Nhà máy xe lửa Dĩ An (nay là Công ty Xe lửa Dĩ An) đúng lúc chi đoàn công ty đang tổ chức sinh hoạt. Lần này, các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được nghe kể về một nhân vật tình báo xuất sắc cũng từng làm công nhân nơi đây. Với lối kể chuyện hấp dẫn của người Bí thư Chi đoàn Nguyễn Viết Ngọc (ảnh), các bạn ĐVTN “say mê” với cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ”của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.
Anh Nguyễn Viết Ngọc cho biết, chi đoàn thường xuyên tổ chức những đợt sinh hoạt định kỳ cho ĐVTN. Từ đây, các bạn đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Cũng thông qua đó, Ban chấp hành chi đoàn giới thiệu những nhân vật xuất sắc trong thời chiến, thời bình để các bạn học hỏi, noi theo. Lần này, chi đoàn chọn hình ảnh người điệp viên Hoàng Đạo (tức Nguyễn Văn Hoàng) để nói lên tinh thần đấu tranh của công nhân nhà máy những năm sống dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Ông Hoàng Đạo đã cùng anh em công nhân đứng lên đình công đòi quyền lợi chính đáng. Sự xuất hiện của Hoàng Đạo tại nhà máy đã được nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chứng minh. “Công việc đầu tiên của đời công nhân - bắt đầu bằng việc chăm nước cho thợ tiện, cho tới lúc mười ba, mười bốn tuổi, chú bé khéo tay đã biết làm nghề, đã có tiền để góp tiền Công hội Đỏ mỗi tháng một hào”.
Để giúp các bạn ĐVTN “mê” tìm hiểu về nhân vật Hoàng Đạo, bản thân anh Ngọc thường xuyên theo dõi các chuyên mục của cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ”đăng tải trên trang báo Bình Dương điện tử (baobinhduong.vn). Anh Ngọc tâm sự: Càng đọc, tôi càng tự hào khi được làm tại công ty, nơi ghi dấu nhiều dấu ấn lịch sử. Mỗi di tích như tháp nước, nhà máy, hội trường… đều gắn với một sự kiện lịch sử hào hùng. Càng tự hào hơn khi nhà máy được công nhận Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh. Tấm bằng càng cho chúng tôi thêm động lực, quyết tâm trong việc lưu giữ những cái cũ để phát huy cái mới cho hiện tại”.
Đối với nhân vật Hoàng Đạo, thông qua những đợt nói chuyện chuyên đề lịch sử, sinh hoạt định kỳ, chi đoàn sẽ giới thiệu tiếp cho ĐVTN biết thêm về ông. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo công ty, chi đoàn đã lưu lại những bài viết về ông, in ra thành nhiều bản phát cho công nhân. Sau giờ làm, đây là “món ăn” tinh thần cho các bạn. Qua nhân vật Hoàng Đạo các bạn ĐVTN biết được công việc của một người điệp viên sống trong lòng địch.
Anh Ngọc cho biết thêm, ngoài giúp thế hệ thanh niên công ty phát huy truyền thống cách mạng, chi đoàn thường xuyên đẩy mạnh thi đua học tập, rèn luyện, lao động, công tác gắn với chương trình hành động “Năm thanh niên tình nguyện 2014”. Phát động ĐVTN xung kích trong phong trào thi đua lao động sản xuất đăng ký thực hiện 2 công trình thanh niên như: Đại tu toa xe hàng, công trình vệ sinh xưởng và bảo vệ môi trường. Chi đoàn còn tổ chức thăm, tặng quà các bậc tiền bối đã gắn với công ty; chăm sóc những di tích lịch sử; về nguồn tại các điểm di tích lịch sử… Với những việc làm nhỏ hy vọng góp phần xây dựng nhân cách sống lành mạnh cho ĐVTN.
TỐ TÂM