29. Năm 1954, hòa bình lập lại, cả miền Bắc bước vào khôi phục và xây dựng kinh tế sau chiến tranh. Nếu trước đây lý tưởng của mỗi người lựa chọn là đi theo kháng chiến, làm gì cho kháng chiến, thì nay sự học hành, các kỹ năng sản xuất đã trở thành mục đích cho cuộc chiến đấu trong xây dựng nước nhà.
Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Không khí đó làm sống lại chất người thợ trong ông. Cảm thấy phải quyết định bước ngoặt mới, ông xin về nhà máy chè Phú Thọ lúc đó còn đang thi công. Với tư cách giám đốc nhà máy, ông phải lo giám sát thi công. Đó là những năm hòa bình đầu tiên, Liên Xô tặng toàn bộ kinh phí cho ông xây dựng nhà máy chè, từ cái nền khuất lấp cho tới bên trên. Công việc của ông là phải lo đốc thúc đủ vật tư, về Hà Nội khi thì ký văn bản giao nhận công trình của Liên Xô, khi thì đơn giản chỉ là giải quyết có đủ sắt cho tiến độ thi công. Một lần, vị Bộ trưởng lên thăm kiểm tra công trình, toàn Ban giám đốc được mời tới nhận chỉ thị. Người ta biết rõ là ông Đạo được cử về Hà Nội, nhưng khi Bộ trưởng hỏi Đạo đâu, một người cộng sự của ông nói: Ông Đạo chỉ ở Hà Nội thôi, ông ta có bao giờ ở trên này!
Những lời như thế là rất nặng. Lúc đó nhà máy như bãi chiến trường, ai không chịu bám nhà máy, bỏ về Hà Nội, giống như người trốn tránh nơi gian khổ!
Câu trả lời ấy khiến vị Bộ trưởng giận Hoàng Đạo lắm. Bộ trưởng liền nhắn qua thư ký: “Hôm sau bảo ông ấy lên gặp tôi một tí” - Ai cũng hiểu ý nghĩa câu nhắn này giống như lời “triệu tập” lên khiển trách. Người thư ký chuyển câu ấy tới Hoàng Đạo, không ngờ ông trả lời: “Anh về nói với ông ấy, rằng Hoàng Đạo bảo ông ấy công tác cho tốt” (!). Người thư ký kinh hãi: Ông ấy là Bộ trưởng sao dám khuyên ông ấy công tác cho tốt? Hoàng Đạo: “Tôi là một anh hay nói đâm họng người ta. Tôi lên gặp ông ấy chỉ để ổng sai vặt chứ làm gì!”.
Tôi phá lên cười vui sướng khi nghe ông kể điều này. Ở đời quá nhiều kẻ xoay sở, tìm cách dẫm lên đồng nghiệp để ngoi lên, thói thường người ta cũng không thể thẳng thắn như vậy với cấp trên. Những người chính trực nhìn cảnh đời đó mà nhức nhối. Cách cư xử tự trọng và can đảm của ông như một làn roi quất. Phải, con người này chết còn chẳng sợ, thì có gì lại phải sợ... Ông đâu có tức giận gì Bộ trưởng. Sở dĩ ông cư xử như thế cho những kẻ xum xoe kia phải giật mình. Ông dám không lên gặp một người mà ai cũng không dám trái lệnh, dù trong lòng họ có không ưa.
Nhà máy đang hoàn thành, chưa sản xuất ra một cân chè nào, thì ở mỏ Apatit Lào Kai cũng bắt đầu phục hồi, cần người phụ trách. Nơi đó miền núi xa quá, ít vị giám đốc nào muốn nhận. Hoàng Đạo lúc đó đã có quyết định làm Phó Giám đốc Nhà máy xi măng Hải Phòng. Có tới mấy người xung phong vào chức đó. Thấy vậy, Hoàng Đạo đòi đi Lào Kai. Tình hình ở Lào Kai lúc ấy thế nào? “Trong lãnh đạo lúc đó có một giám đốc, lai Tây da màu nên các ông phó có vẻ ngại ngần, mặc dù ông giám đốc ấy rất giỏi và tốt sau này làm tới Tổng Giám đốc mỏ than Hòn Gai”. Phụ trách cơ khí điện, ông được một trăm phần trăm phiếu bầu vào Đảng ủy. Hình như một tính cách thẳng băng gay gắt như thế khó tránh được đụng chạm ở đời này. Nếu như bây giờ thì ông sẽ bị người ta hoài nghi sao đi quá nhiều cơ quan. Hay là người có vấn đề? Với Hoàng Đạo ông chuyển cơ quan một phần do công việc, phần nữa là để thỏa mãn tính thẳng thắn của mình.
Sau khi trải qua nhiều lần thuyên chuyển công tác, ông về Tổng công đoàn phụ trách giáo dục kỹ thuật cho công nhân - Ở đây lại xảy ra một vụ tranh cãi về sáng kiến - Thế là ông bỏ Tổng công đoàn lên Ban Công nghiệp Hòa Bình. Lúc đó, công nghiệp địa phương là chiến lược kinh tế của Việt Nam. Ở đây lại “đụng” vị Bộ trưởng một lần nữa: Bộ trưởng yêu cầu làm một nhà máy xi măng ở dốc Quy Hậu, Hòa Bình. Ông Đạo cho rằng ở đó không hội tụ đủ điều kiện hợp lý để xây dựng nhà máy xi măng. Mới có ý kiến thế, vị Bộ trưởng nổi giận: Anh không làm sẽ có người khác làm. Thế là ông xin thôi việc ngay lập tức. Đó là năm 1970. Sau đó, ông làm hợp đồng ở Tổng công đoàn, rồi về báo Đại Đoàn Kết. Năm 1975 miền Nam giải phóng, ông về làm phát hành cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Tới năm 1980, ông ở nhà hẳn không đi làm nữa.
Trước khi kể về cái đoạn “không làm gì nữa”ấy, ông nhớ lại cảm xúc của một đêm trăng không bao giờ có lần thứ hai trong đời. Đó là khi trở về Sài Gòn, xe đến cầu Hiền Lương đúng vào một đêm trăng. Ông xuống xe, đi bộ trên cây cầu lịch sử, cây cầu chia đôi đất nước...
Trèo lên lô cốt hai bên đầu cầu để nhìn về hai bờ, ông thấy con sông mà bao năm người Nam kẻ Bắc vẫn lấy làm cái mốc để “ra đứng trông về, đôi mắt đượm tình quê” vẫn trào lên nỗi dứt ruột vì nhớ thương. Những chia cắt vô lý của thoáng chốc lịch sử, nhưng với con người thì đã qua gần cả một đời. Bao tuổi thanh xuân trôi qua trong cách biệt. Nó gợi nhớ tới một tứ thơ đường thời Nam Tống, Bắc Tống chia cắt. Hình như bài thơ do nhà thơ Hoàng Trung Thông đọc cho ông nghe. Không nhớ rõ từng câu, ông chỉ thấm vào lòng tứ thơ nói về con chim có phúc lớn hơn con người. Nó bay qua được những giới hạn mà con người tự làm cho mình không thể qua - Con người không đến được với nhau... tứ thơ vụt sống dậy khi ông đứng giữa cầu, trong đêm, dòng nước mắt rơi lặng lẽ.
Đã trải qua cuộc đời đầy sự kiện, ông sống như dòng thác. Hình ảnh dòng thác thật chính xác cho đời ông. Hơn thế nữa, đó là dòng thác cuốn ông trong lòng những sự kiện dữ dội nhất. Cuộc đời ấy khó lòng có được một giây phút dừng lại, để lắng nghe ngay chính cảm xúc của mình. Trái tim đập không ngừng nghỉ, nó là bộ phận làm việc thống khổ suốt ngày đêm trong đời người gần một thế kỷ. Chỉ có nó là không biết mệt.
Đến hôm nay thì trái tim ấy vẫn tiếp tục nhịp sống của nó. Xúc cảm của quá khứ, của hiện tại vẫn chỉ là những bí ẩn của trái tim, không ai “giải phẫu” để xem dấu ấn năm tháng là của khổ đau hay vui sướng. Chỉ có các nhà văn là say mê làm việc đó, dù biết mình quá tham lam và cũng mạo hiểm, có thể so sánh với một điệp viên. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI