Ông Phạm Hồng Phi, Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty xe lửa Dĩ An: Phát huy tinh thần cách mạng của cha anh

Cập nhật: 11-10-2014 | 09:32:47

Thời gian qua, lãnh đạo Công ty xe lửa Dĩ An luôn chú trọng thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục chính trị, truyền thống cách mạng cho công nhân viên chức.

Ông Phạm Hồng Phi

Khi biết lịch sử có thêm người công nhân gan dạ Hoàng Đạo, công ty sẽ giới thiệu cho thế hệ trẻ để họ học hỏi, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao nhận thức, góp phần vào sự nghiệp phát triển của công ty.

 “Là thế hệ sau, tôi chưa có dịp được gặp ông Hoàng Đạo (tức Nguyễn Văn Hoàng). Tôi chỉ biết ông qua Lịch sử Phong trào công nhân Nhà máy xe lửa Dĩ An (nay là Công ty xe lửa Dĩ An) - gọi tắt là sách sử nhà máy. Ông cùng những bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp, cống hiến trong việc xây dựng, duy trì nhà máy. Thế nhưng, thành tích của các bậc tiền bối vẫn chưa được ghi chép đầy đủ. Riêng đối với Hoàng Đạo, sau năm 1936, sách sử nhà máy không còn nhắc đến. Do đó, chúng tôi sẽ xem xét, bổ sung thêm quá trình hoạt động của Hoàng Đạo”, ông Phạm Hồng Phi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty xe lửa Dĩ An cho biết.

Ông Phi dẫn chứng về ông Hoàng Đạo đã có nhiều đóng góp, nhất là cùng anh em công nhân đứng lên đình công những năm 1930. Sau đó, phát hiện Hoàng Đạo là hội viên Công hội đỏ, Pháp đã đuổi việc ông. Trong đêm 30-4-1936, chi bộ cho người bí mật cắm 3 lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tháp nước của nhà máy và trên ngọn cây cao gần cổng chính. Sáng 1-5-1936, hơn 400 công nhân khi đến nhà máy thấy cờ và truyền đơn nên nhất loạt bãi công. Ông Nguyễn Văn Hoàng lúc này được tín nhiệm cử làm đại diện công nhân lên gặp chủ để đưa yêu sách đòi tăng lương, chống cúp phạt đánh đập, đòi giảm giờ làm, đòi phải có thuốc trị bệnh cho công nhân, khi nghỉ bệnh vẫn được hưởng lương…

Thực hiện tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lãnh đạo và công nhân công ty rất trân trọng các tầng lớp đi trước, luôn ghi nhớ công ơn, các cán bộ, công nhân đang ngày đêm ra sức xây dựng, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của công ty, cũng như ngành đường sắt. Hàng năm, công ty thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà các cụ nguyên là lãnh đạo công ty đang còn sống. Riêng các cụ qua đời, được lưu lại hình ảnh, trưng bày tại Nhà truyền thống công ty để mỗi dịp lễ, tết nơi này mở cửa cho công nhân đến xem và tưởng nhớ. Bên cạnh đó, các dịp sinh hoạt thanh niên, công đoàn, phụ nữ, ban lãnh đạo còn lồng ghép giới thiệu các nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ. “Đối với nhân vật Hoàng Đạo, công ty sẽ sưu tầm những bài đã được đăng trên báo Bình Dương, mua sách viết về ông để giới thiệu đến cán bộ, công nhân trong công ty về người anh hùng của nhà máy”, ông Phi nói.

Công ty vừa nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Bằng xếp hạng di tích này là phần thưởng cao quý thuộc về các thế hệ công nhân xe lửa Dĩ An qua các thời kỳ. Đây sẽ là sự ghi nhận xứng đáng truyền thống vẻ vang của công ty với bề dày lịch sử, động viên quý báu để những người thợ xe lửa Dĩ An hôm nay vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với người Bí thư Phạm Hồng Phi, những cái cũ phải được lưu giữ, cái mới tiếp tục phát huy. Do đó, ông đã đăng ký công nhận di tích cho công ty với các hạng mục mang dấu ấn lịch sử, như: Hội trường, tháp nước cắm cờ Đảng đầu tiên; xưởng đóng tàu của Pháp; đang khôi phục nhà ở của đốc công người Pháp.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2364
Quay lên trên