Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Suốt trong quá trình làm việc của chúng tôi, ông Hoàng Đạo chỉ kể bằng trí nhớ mà không có tài liệu nào trong tay. Nhưng lần này ông đưa ra một bản photo tài liệu, chê thằng thư ký “Đờ-lê-gac-xông-đờ Thủ Đức” dốt tiếng Pháp đã dịch nhóm (group) thành ủy ban (committee) nên đã đánh giá cao tổ chức của ông. Trong tài liệu này, Nguyễn Văn Hoàng 22 tuổi, công nhân “đã bị giữ như cộng sản” - tên quận trưởng tên Tỉnh ký báo cáo ngày 16-9-1936, về “Ủy ban hành động Depol xe lửa Dĩ An”. Những tài liệu quý như thế vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Ông cũng muốn tự tay mình ghi lại một tài liệu quan trọng về Lê Trực. Biết đâu, đó chẳng là điều hiếm có được lưu giữ cho mai sau. Người họa sĩ có thêm tài liệu đi tìm xương cốt chú mình. Nó hiện rõ lên cuộc đời hai con người Hoàng Đạo và Lê Trực, hiện lại cả một phác thảo của phong trào cách mạng. Năm 1934 khi ra tù, ông Đạo trở lại Dĩ An, được cử ra Depol Tourcham xây dựng lại cơ sở. Bị bắt giam ở Phan Rang, nông dân, công nhân kéo lên tỉnh lỵ Phan Rang yêu cầu công sứ Pháp phải thả ông ra - Từ đó Đảng trong các cơ quan đường sắt xuyên Đông Dương phải tổ chức ra Đảng ủy đường sắt Đông Dương, do đồng chí Trần Văn Út làm bí thư, sau này là trưởng đoàn đại biểu công khai đấu tranh của phong trào dân chủ 1936-1939 mà Hoàng Đạo là một thành viên. Từ Tourcham, ông Đạo góp phần phát triển rộng thành hệ thống hoạt động theo đường răng cưa Tourcham - Đà Lạt, Tourcham - Diêu Trì, bắt liên lạc ra tận Đà Nẵng, ông nhận xét: Lê Trực “là một con người có đầy đủ những điều: bản lĩnh, thông minh, kiên cường và trung thành với cách mạng”. Tháng 8 năm 1945 Lê Trực thành cán bộ lãnh đạo cả khu vực Đà Lạt, mở rộng xuống Phan Rang, giặc đàn áp dữ dội, nhưng Lê Trực vẫn bám đất hoạt động - Giặc treo giải lấy đầu Lê Trực, ông bị tên Heo tây lai bắn gãy chân và bị bắt vào năm 1947, chúng giam ở một chuồng cọp trong đồn điền trà, tra tấn dã man đến chết, xương cốt ở đâu bây giờ chưa tìm ra. Về ông Lê Trực, bất kỳ ai ở địa bàn này còn sống của thời kỳ 1945-1949 đều biết và ít nhất cũng nghe người già nói lại...
28. Ông Hoàng Đạo nói: “Tôi còn sống đến hôm nay, nên viết lời xác nhận lên đây với trách nhiệm của mình, để gia đình làm cơ sở, trình bày lên các cơ quan chức năng xem xét và giúp đỡ để còn hy vọng tìm được nắm xương của ông đã bị kẻ thù vùi dập...”. Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã xác nhận việc này. Không rõ người họa sĩ khiếm thị Lê Duy Ứng sẽ còn phải vượt qua những gì để tìm lại dấu vết người liệt sĩ hy sinh đã hơn nửa thế kỷ?
Qua một số người quen, tôi nghe được một chuyện khó nói, nhưng quyết định vẫn phải hỏi ông. Ông là người bị đánh giá là chịu ảnh hưởng của nhóm Tờ-rốt-kít phải không? Cùng với nhược điểm “tự do mạo hiểm” thì đây có phải là một “phốt” để đời ông lận đận hay không?
Ông cười: “Không ai chính thức kết luận tôi điều gì cả. Nhưng có một vài người nghĩ như vậy, tôi không rõ lắm. Tuy vậy tôi có thể hiểu lý do vì sao người ta nghĩ như thế. Do điều kiện hoạt động thời trẻ ở Sài Gòn tôi biết một số người Tờ-rốt-kít. Nhưng tôi không bao giờ liên lạc gì về hoạt động đấu tranh với họ cả - Sau nữa, bằng quan sát của tôi, tôi cho rằng Tờ-rốt-kít chỉ dừng ở tư tưởng chứ chưa bao giờ có một tổ chức mạnh. Tờ-rốt-kít không vào được một cơ sở nào cả, phong trào công nhân càng không. Nếu ai đó đưa sự kiện Tờ-rốt-kít ảnh hưởng phong trào công nhân Dĩ An, Ba Son, là không đúng với thực tế”.
Ông không nói với tư cách nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng trong cách mạng Việt Nam. Nhưng bằng mối quan hệ cụ thể, ông hiểu thêm một khía cạnh con người của họ. Đó là Tạ Thu Thâu với tờ Vô sản, nhóm Hồ Hữu Tường xuất bản tạp chí tháng 10 với Đoàn Văn Trương ở Đa Kao, Phan Văn Chánh làm “Tủ sách tả đối lập”. Ba nhóm đó cũng không hợp với nhau. Họ không có quần chúng, chỉ là một nhóm lý luận. Làm sao có thể tranh giành ảnh hưởng nổi với các tờ báo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản lúc đó như tờ Dân chúng của Nguyễn Văn Trấn, tờ Lao động của Lý Chính Thắng, ông Đạo nói rằng ông xuất thân từ nông dân ít học nên thường quý trọng tư cách các trí thức, dù có thể khuynh hướng của họ khác nhau. Bởi do hoàn cảnh tù đày, ông đã quen những người như Tạ Thu Thâu, chiều chiều ngồi ăn với nhau ở chợ Sài Gòn. Có lẽ vì thế, ông bị mang tiếng chăng? Điều này có liên quan gì về việc ông vào trường - có điện thoại bốn số một (1111) rồi thành tên nơi đảng viên đến soi mình, cải huấn tư tưởng để bước vào giai đoạn tổng phản công? Không rõ - Nhưng rõ ràng ông đã có thời kỳ không được hoàn toàn tin cậy. Có lúc ông còn chịu sự theo dõi - Ngay chính người theo dõi lại báo cho ông biết. “Tôi buồn về người lãnh đạo đó và bảo với cậu được phân công theo dõi: Mày về bảo ổng sao không gọi tao đến mà hỏi thẳng, theo dõi chỉ mất thời gian”.
Tôi hỏi: “Đời ông có gì là khổ nhất? Có phải các mối quan hệ nội bộ làm ông khổ không?”.
Ông suy nghĩ một lát, trả lời một câu làm tôi ngạc nhiên - Một người nhiều lần bị tù đày vậy mà nói là “không có gì khổ cả” nếu nhìn toàn bộ cuộc đời đi theo cách mạng - “Tôi thường lý giải cho cái khổ, xem là tại sao. Cái gì cũng có tổng kết cả đấy” - Ông Đạo lại làm tôi ngạc nhiên. Văn hóa ông chẳng là bao, nhưng thường làm công tác gì rồi cũng làm một quyển sách tổng kết, ông còn có mục đích: Để nói với con. Quyển thứ nhất: “Ký ức của những trinh sát địch hậu” Nhà xuất bản Minh Đức do Nguyễn Hữu Đang giới thiệu, họa sĩ Nguyễn Sáng làm bìa. Quyển thứ hai: “Thủy điện cho cơ khí nhỏ”, dùng nước ở thượng du Hòa Bình phục vụ đời sống con người. Quyển thứ ba: “Máy cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp” - ông còn viết báo có bài “Cái phớt mở” kể về một sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Khi học bổ túc văn hóa, ông thấy bài của mình được trích trong tuyển văn dạy Văn - Sử - Địa.
“Tôi cho đó là tổng kết công tác là chính, không phải nghề viết báo của tôi”. Chỉ có quyển sách viết tổng kết đời ông là chưa có mà thôi. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI