Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 09-10-2014 | 10:24:50

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

“Nghề công an có nhiều quyền đặc biệt, dù có được quy định bởi pháp luật chăng nữa, tính chất của hành xử luôn mang dấu ấn cá nhân. Do vậy Bác Hồ mới chú ý đặc biệt tới những điều quy định “Mười điều kỷ luật” của quân đội, của công an - Thủ đoạn thường khác hẳn với kỹ thuật đánh địch, kỹ thuật phá án cho phép” - Ông giải thích cặn kẽ cho tôi: “Con người luôn cần chân thật và cần đối xử chân thật. Vì nhiệm vụ, tôi không thủ đoạn. Còn người ta dùng thủ đoạn như thế nào tôi không biết. Đánh Pháp, có nhiều cách tôi cũng nói thật với nó. Tôi tranh luận ngay với chính người Pháp rằng chúng tôi không muốn thanh niên Việt Nam và cả thanh niên Pháp phải chết cho cái thất bại của các nhà lãnh đạo Pháp. Thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không được các nhà lãnh đạo nước Pháp đón nhận. Nếu cánh tả của nước Pháp không có thiện chí, thì chiến tranh điêu linh. Muốn bảo vệ chính nghĩa thì chết cũng phải bảo vệ cái đúng đắn, không uốn cong con người”. Những điều khó nghe này được nói thẳng với người Pháp.

Phải chăng cũng như nhân vật cùng thời đại của ông, tình báo viên Vũ Ngọc Nhạ vào hoạt động trong lòng địch cũng bằng những nhận định sâu sắc hiểu lòng tin tôn giáo để chinh phục kẻ thù? Ông tranh luận cái thua cái thắng hợp lý khiến kẻ thù phải công nhận ý kiến sâu sắc của ông - Chết sống không kể tới bởi như mọi người làm cách mạng “dấn thân vô là phải chịu tù đày...”. Hơn thế nữa, với nghề tình báo, cái sự sống chết coi như đã chấp nhận. Có lẽ không ít lần, ông đã “sờ” thấy cái chết, có lúc chân đã chạm cõi hư vô. Điều này làm nên nhiều huyền thoại. “Với cung cách đó, những người cảm tình thì thương tôi, nhưng cũng có người họ không chịu nổi. Nếu họ là cấp trên thì mình chết” - Ông nói toạc ra sự đời, như một kinh nghiệm sống mà ông tự nhận là mình không thành công trong cuộc đời.Phải chăng, cách nghĩ và cách làm của ông đã bộc lộ ra một phẩm chất ngay thẳng và tự do? Trong một guồng máy đầy ắp các sự kiện khẩn cấp của chiến tranh, tính ngay thẳng ấy đã phải chịu thử thách nặng nề. Nhưng cũng chính sự ngay thẳng này luôn khẳng định con người trung thực trong ông. Có lần ông Lê Giản làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam, đã gọi ông Đạo lên Việt Bắc đưa ra một thư nặc danh. Thư tố cáo ông Đạo bắt giam chồng để cướp vợ người. Ông Đạo cười: Vậy là không xứng đáng lãnh đạo ngành công an một tỉnh lớn, tôi xin trả lại ông chức trưởng ty, để chờ kết luận điều tra. Ông Đạo bỏ về. Lê Giản cho người đạp xe theo tận Vĩnh Yên, buộc ông quay lại. Lê Giản hỏi: “Theo anh thì nên giải quyết thế nào, nếu anh ở địa vị trên”, ông Đạo: “Tôi phải điều tra ra sự thật rồi mới kết luận. Tại sao lại đưa thư này cho tôi?”. Lê Giản trả lời: “Sao anh nóng nảy vậy? Tin anh mới gọi anh bàn bạc. Nếu đúng sẽ tìm cách giải quyết đúng, nếu không đúng, anh cũng biết có kẻ muốn hãm hại anh”.

Còn một câu chuyện nữa - Năm đầu tiên làm Trưởng ty Công an Thanh Hóa - vào dịp tết âm lịch năm 1946, có người đến biếu quà. Ông trưởng ty nhận quà là một lá cờ lớn để treo ở ty. Một người khác, đội một mâm bánh chưng tới biếu. Người thư ký riêng của ông khuyên: hối lộ thì tránh, còn quà bánh tết thì phải nhận vì đó là phong tục đẹp của địa phương. Ông nhận cho mình hai cái bánh - Còn cả mâm bánh chưng, ông sai đem xuống chia hết cho những người bị giam tết đến không ai thăm nuôi. Sau đó người biếu bánh tố giác ông nhận hối lộ 100 bánh chưng. Ông Đạo cho mời người đó để làm rõ lại sự thật. Người đó công nhận sai và xin lỗi. Đời ông thật cũng lắm hoạn nạn. Nhưng cái còn lại là vẻ đẹp con người - dù chỉ là một vẻ đẹp “cho gió bay đi”...

27. Sau khi bài phỏng vấn đăng trên báo ít lâu, Hoàng Đạo mới tới hỏi tôi có biết Lê Duy Ứng không - Tôi nghe tên người họa sĩ khiếm thị ấy từ lâu, nghe về tài năng của ông, nhưng chưa lần nào gặp mặt.

“Bài phỏng vấn kết thúc ở đoạn tôi đọc tham luận trong Đại hội báo chí Trung kỳ xong thì được tin mật thám sẽ bắt. Tôi trốn lên mỏ vàng Bồng Miêu. Lê Duy Ứng đến tìm tôi và báo cho tôi biết là: Người ở lại Depol Tháp Chàm tiếp tục phần việc của tôi chính là Lê Trực. Lúc đó có phong trào công nhân hỏa xa tuyến đường răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt và phong trào công nhân phía bắc Trung Trung kỳ”. Lê Duy Ứng gọi Lê Trực là chú ruột. Bây giờ người họa sĩ khiếm thị tìm đến, mong mỏi tìm thêm được dấu vết gì của Lê Trực, người chú đã bị giết trong một Sở trà ở Trạm hành Cầu Đất, không tìm thấy xác. Việc này nhà văn Lê Tri Kỷ đã viết trong cuốn “Bài học trong song sắt” - Hoàng Đạo và người họa sĩ đều chưa được đọc tác phẩm đó. Họa sĩ đã đến, muốn nghe một nhân chứng sống nói về người chú đã hy sinh anh dũng. Gia đình hy vọng tìm manh mối nơi ông hy sinh, họa may có tìm được xương cốt.

Tôi nhớ rõ lắm - ông Đạo nói - Lê trực người Quảng Bình, cháu của nhà làm rượu phong nha nổi tiếng tên là Lê Quýnh. Chính tôi ra quê để xác minh kết nạp ông vào Đảng. Thấy Lê Trực là con người cương nghị, miệng rộng chữ điền, nên tôi làm mối cho bà chị của tôi. Lấy Lê Trực, bà đẻ một con gái ở Dĩ An. Bà ấy là chị vợ của tôi mà, do đẹp gái, bị gả cho công tử chơi bời, bà bỏ về Dĩ An. Tôi đã làm mai mối cho Lê Trực lấy chị ấy.

Sau khi bỏ trốn, ông Đạo có bí mật trở lại Tháp Chàm để bàn giao phong trào cho Lê trực tiếp nối. Người liên lạc cho cuộc gặp đó ngày nay ông còn nhớ rất rõ là vợ một xếp ga ở sông Lòng Sông, bà ta bị lé con mắt. Phong trào vào tay Lê Trực phát triển tốt. Năm 1947 mật thám lùng bắt khi ông là phái viên của tỉnh Phan Rang. Ông bị địch bắn gãy chân, giam ở Sở Trà, tưới vôi ngâm chết rục xương, không rõ chính xác là chỗ nào. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1540
Quay lên trên