Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 08-10-2014 | 10:29:04

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

26. Có một câu chuyện, không rõ chính xác tới đâu, chính ông Hoàng Đạo cũng chỉ nghe được trong các cuộc tranh cãi của những người tham dự chỉnh huấn lúc đó. Ông Nguyễn Chánh Nhì quê Vĩnh Long, Bí thư Đặc ủy Hậu Giang được cử đi họp hội nghị Ma Cao cùng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Ông Nhì đã từng đóng giả cặp vợ chồng với bà Đầy để hoạt động. Có một người ở Hậu Giang “sáp” vô bà Đầy - Ghen tương như thế nào không rõ, một bức điện tố ông Nhì là mật thám được gởi theo ngày ông đi hội nghị. Thành ra ông vẫn ở phòng chờ ở Ma Cao mà không được vào dự hội nghị. Khi thấy người ta đã họp về rồi, lúc đó ông mới biết mình bị giữ lại. Ông buồn bỏ qua Thái Lan, sống làm nghề trồng rau với một số Việt kiều. Được tỉnh giao nhiệm vụ Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Hoàng Đạo nhắn ông ra Thanh Hóa lúc ông Đạo đang làm Trưởng ty Công an Thanh Hóa. Một người có tài dân vận, nhưng không phát huy được vì có một số vấn đề cá nhân chưa được làm rõ. Trong đó có câu chuyện khi Chánh Nhì về ở nhà vào khoảng năm 1937-1938 ông về nước, ở Quảng Bình. Viên tri phủ ở đó bắt ông Nhì lên Sở liêm phóng Hà Nội, báo cho toàn quyền Đông Dương biết. Theo lẽ thông thường, vớ được ông cộng sản gộc như vậy thì chỉ có bỏ tù mọt gông. Nhưng tên toàn quyền Đông Dương này lại làm cơm đãi, cho áo quần, cấp tiền cho ông về Sài Gòn. Về lại xứ sở trong tư thế như vậy, anh em đồng chí chẳng ai liên lạc với ông. Đi đâu người ta tránh đó. Việc này ông Bảy Trấn biết rõ. Tới cuộc chỉnh huấn này, người ta chỉ xoay ông Nhì một câu: Tại sao được kẻ địch đối xử như vậy. Ông trả lời: Thật tình cũng không rõ vì sao. Không giải đáp được, nên câu hỏi ấy cứ được nhắc hoài - ông Nhì khổ sở quá, không biết làm sao. Bị dồn ông đâm bực: Các đồng chí đi mà hỏi Tây, chứ tôi thì chẳng biết tại sao.

Ông Hoàng Đạo ngừng lại để nụ cười hiền hậu nở trên khuôn mặt nãy giờ đang cau lại: “Cứ hỏi tại sao viên toàn quyền mời ăn cơm! Thôi tụi mày hỏi Tây tao không biết. Nó mời ăn, tao ăn… Thuở đầu cách mạng nhiều cái đơn sơ và ấu trĩ, nói lại có lúc buồn cười” - Đó là ý nghĩ đưa ông Đạo trở lại liên hệ với câu chuyện của chính mình khi ở cái trường “bốn số một”.

Các đồng chí lúc thân mật gọi nhau mày, tao, họ cùng nhau đi tắm suối, câu hỏi vẫn đeo theo: “Hồ sơ chống Pháp của mày, nó biết tới tận lông chân. Nó nói bắn chứ không cần xử. Còn mày thì nói với chúng tao như đùa. Tình báo Pháp có thua ai trên thế giới đâu, mà mày coi nó như trong tay. Tao không hiểu. Mày nói tao coi”. Nếu nó biết thật thì “tao” chết rồi. Nó biết tao làm công an, diệt phản động. Chỉ có tao làm điệp báo là nó chưa biết. Biết sao nó dùng?

Có người máu ham mê nghe chuyện ly kỳ thì động viên: Đạo nói hay quá, nói tiếp tục đi! Họ khoái nghe ông Đạo kiểm điểm, vì đời ông chính là câu chuyện trinh thám hấp dẫn! Để đáp lại với những câu hỏi “tại sao” dai như đỉa, ông Đạo có lúc cáu, bảo: hỏi Nguyễn Chánh Nhì ấy!

Bây giờ nhớ lại, ông nhận định: “Thật ra toàn quyền Đông Dương mời cơm ông Nhì, đó chỉ là thủ đoạn vặt. Với trường hợp ông Nhì, dù có lấy hồ sơ cũ ra để khai thác, cũng chẳng có gì hơn nữa. Nó biết vậy, nên làm động tác vô hiệu hóa. Theo tôi, có thể đó là thủ đoạn lặt vặt trong nghề mật thám” - ông Đạo suy đoán vu vơ.

Trong công việc, đã có lần người ta muốn sử dụng đến thứ lặt vặt đó rồi. Ông nhận được những cái ảnh chụp Bảo Đại đang quan hệ riêng tư với một phụ nữ tên Lý Lệ Hà. Ông đưa cho Bảo Đại xem và xé bỏ, đốt trong gạt tàn thuốc lá ngay trước mặt Bảo Đại. Ông tỏ một thái độ không bao giờ lợi dụng để xâm hại cá nhân theo cách nhỏ nhen ấu trĩ. Hành động này gây được lòng tin cậy, một lợi thế cho hoạt động, mà nó cũng phù hợp với cách nghĩ, cách cư xử thật sự của ông đối với con người - Có lẽ sức mạnh làm cho Pháp tin ông, vì thái độ chính trực không sợ chết, sẵn sàng tranh luận bảo vệ tư tưởng đúng đắn của mình. Khi còn ở ngoài kháng chiến, nhận nhiệm vụ xong chính ông đòi nhanh vào lòng địch, không đủ kiên nhẫn chỉ ngồi mà đọc tài liệu nghiên cứu từ xa. Có người nói ông phiêu lưu mạo hiểm, quan điểm lệch lạc nghiệp vụ.

Thật dễ hiểu khi người đọc các cuốn tiểu thuyết viết về ông, vẫn tiếp tục thắc mắc - Cho tới mai sau, các thế hệ khác lớn lên, tiếp tục đọc và cũng sẽ thắc mắc như vậy. Bởi vì đó là những điều bất thường trong đời người, cả trong lịch sử cũng có khi xảy ra. Theo tôi, thắc mắc sẽ được giải đáp khi ta biết rõ về con người ông, một người Việt Nam điển hình, một nhà hùng biện đầy sức thuyết phục, một người tình báo theo loại ba của bảng xếp hạng các tình báo của nhân loại. Loại vì tiền, ở một số nước, điệp viên có cổ phần trong công ty lớn, hưởng đời đời. Loại vì quyền lực và hy sinh trọn đời. Còn loại ba, chính là loại lý tưởng. “Loại này thành công nổi tiếng không ai cho một đồng xu, thậm chí còn phải độc lập tác chiến, tự kiếm việc làm mà sống để hoạt động trong lòng địch với bao nhiêu nguy cơ sống chết”, một nhân cách thật sự của người yêu nước sẽ chinh phục được lòng tin. Đằng sau các hoạt động của ông, ngành công an hỗ trợ tạo ra các chứng cứ để cho tranh luận của ông có cơ sở. Ông tranh luận theo cách nắm bắt các lập luận của người ta, tìm cách đi vào lòng người. Những nhà tình báo như vậy ở nước ta có những tấm gương lớn. Ông Đạo kể về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ... Chính lời ông Nhạ nói cuộc đảo chính sẽ đến, đã thuyết phục được anh em họ Ngô. Nhà tình báo, cố vấn Vũ Ngọc Nhạ thành công còn do ông tìm ra nguyên nhân sự thất bại của Ngô Đình Diệm và được Nhu tin dùng. Ngay trong cách thuyết phục, phải có sự chân thật. Nghe ông nói vậy, tôi phải hỏi ngay câu hỏi mà ai cũng phải đặt ra: Ông phản đối sự thủ đoạn, ông chân thật ngay cả đối với kẻ thù? (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1345
Quay lên trên