Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Đâu phải tới lúc học tập mới hiểu bóc lột là như thế nào. Tất cả đối với ông đều từ thực tế dữ dội mà làm vững chắc thêm nhận thức - không chỉ dừng chân ở nhận thức, mà sự thật cần thiết đã thúc đẩy ông làm được cả những điều không thể làm được. Cần phải truyền cho thợ người Hoa cùng đứng lên trong đội ngũ công nhân Việt Nam. Cái tính hăng hái này vượt qua hàng rào ngôn ngữ. Ngay những người nghe, cũng chỉ phải hướng về những ý tưởng sục sôi của người nói. Cái giọng lơ lớ của người mới học thuộc lòng được cũng chẳng sao: Đồng lòng “thùng xám” chúng tôi “ngộ tì” ngộ tì thùng xám - bì èn tì há ủ tố (khổ sở nhiều quá rồi, phải đồng lòng...). Đó là lời diễn thuyết ông đã từng nói với thợ thuyền người Hoa.
23. Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Đạo bị thành kiến là con người phiêu lưu mạo hiểm - Điều này có phần đúng. Nó xuất phát từ bản tính yêu tự do - mà các điệp viên không được phép mắc sai lầm này. Dù sao tôi cũng không có nhiệm vụ phải tranh luận gì quanh việc này, bởi chính ông đã trả giá. Câu chuyện của ông, lần này phải đối mặt với một đoạn đời khó chịu nhất: Ông suýt nữa bị xử tử và những ngày chờ chết ấy diễn ra ngay ở căn cứ cách mạng ở thành phố Sài Gòn - Gia Định. Ông lại trải qua một lần tù, mà lần này đặc biệt hơn: Ông bị chính các đồng đội thân thiết giam cầm.
“Kinh nghiệm đau xót này chính do tính vô nguyên tắc trong hoạt động, tôi mắc phải khi đi vào chiến khu thành phố Sài Gòn” - Đó là lúc ông đang là chính khách, đại diện của Bảo Đại, làm việc dưới sự bảo trợ của Pháp, ông vào Sài Gòn theo các hoạt động với tư cách đó - Nhưng ông bị dày vò vì đã lâu lắm chưa về thăm mẹ, không biết bà sống chết thế nào. Đây là một dịp hiếm có cho ông về thăm mẹ sau nhiều năm dài đi hoạt động ở miền Trung, miền Bắc. Hơn nữa, là một điệp báo, là một người tham gia cách mạng rất sớm, ông biết rằng những chỉ huy của chiến khu cũng toàn là người bạn thiếu thời của ông; những người hoạt động ở Sài Gòn như Trần Thắng Minh, Trần Đình Xu, Đào Sơn Tây... Thế là từ Sài Gòn, ông đi ra. Ý ông muốn nhờ những bạn bè thân đó tìm cách - kể cả bắt - bà má từ Dĩ An ra cho gặp con. Lúc đó chưa có cơ sở để ông về được Dĩ An. “Đó là năm 1949, tôi phải vô mật khu Hố Bò, trung tâm đầu não chiến khu Sài Gòn - Chợ Lớn”. Hai người bạn thân đưa ông đi: Anh Hưng, người phụ trách công tác phản gián, người trước đây đã ở tù giam chung cùng xà lim với Hoàng Đạo trong nhà tù thực dân. Người thứ hai là anh Mười Phát, phụ trách tình báo cho liên trung 512. Lúc đó chưa có sư đoàn, mới chỉ có liên trung đoàn.
“Hai người bạn như thế, đều là phản gián cả - đưa tôi vào chiến khu. Hai người khác đón tiếp cũng là những lãnh đạo lớn của chiến khu: Anh Khương, Bí thư Sài Gòn - Chợ Lớn và anh Chiêu, Bí thư Khu 7”.
Hoàng Đạo nhớ lại cuộc đón tiếp có một không hai, một tình thế oái oăm, những người đồng chí biết nhau rất rõ, nhưng vì nguyên tắc hoạt động chặt chẽ, họ không thể tin theo cảm tính được. Sau một hồi trao đổi, các anh hỏi: “Anh hoạt động những gì, làm gì cho cách mạng, ai cũng đã biết. Sao lần này lại vào Sài Gòn có giấy tờ của Bảo Đại cấp. Anh đi gặp gỡ hết các đảng phái trong và ngoài khu tự do”. Họ đã được tình báo của ta báo rõ các hoạt động hợp tác với địch của ông, thậm chí còn biết cả tin người Pháp sẽ dùng mọi cách để cứu ông, kể cả việc họ phải nhảy dù để cứu, nếu ông bị bắt. Các đồng chí yêu cầu Hoàng Đạo trả lời, nếu không trả lời được thì đem bắn chứ không có điều kiện giam giữ, bởi chính họ cũng còn phải cơ động để chạy các cuộc càn quét của giặc. Cái cảnh bị còng, bị thẩm vấn... thì đã nhiều trong cuộc đời của người tù trong nhà tù thực dân, Hoàng Đạo đã phải trải qua từ lúc còn vị thành niên. Nhưng trớ trêu thay, lần này là những người của kháng chiến, của Đảng, người cùng đội ngũ với ông đã buộc lòng phải làm như vậy. Ông bị xích chân, mỗi bước đi phải dùng tay nhấc sợi xích lên.
“Trong một gian nhà nhỏ thắp đèn măng - xông, suốt sáu đêm liền, một ông tên là Lưu hỏi - Ông ta luôn hỏi một câu vì sao đi vào chiến khu, vào với mục đích gì. Tôi chỉ trả lời, đơn giản là vào thăm các anh và muốn gặp mẹ. Một người tình báo chiến lược lâu năm, có tên tuổi không thể trả lời như vậy. Nhất định phải xâm nhập vào chiến khu với ý đồ khác” - Quả thật là khó tin, một người tình báo nắm rõ các nguyên tắc hoạt động phải kỹ lưỡng hơn ai hết, thì lại chỉ có một lý do không ai nghe được: nhớ mẹ!.
Phó tư lệnh và phó trung đoàn trưởng liên trung, đồng thời là người bạn biết rất rõ Hoàng Đạo - Vậy mà các anh muốn đem bắn ngay để tránh hậu quả. Trước nguy cơ ấy, Hoàng Đạo yêu cầu họ báo cáo bề Trung ương để ông kịp giao lại các đầu mối quan trọng và hệ thống hoạt động chiến lược của ông trong lòng địch, rồi hãy xử bắn. Chính người cứu sống tôi là anh Phan Văn Chiêu. Anh nhân danh Bí thư Khu 7 ra lệnh tạm giam giữ để xin ý kiến Trung ương”. Hoàng Đạo kể đến đây, trán ông nhăn lại - Nói đến người đã quyết liệt đòi bắn mình, ông chỉ lướt qua, nhưng nhớ đến những đồng chí đã cứu mình, dường như ông mới nhức nhối - Nhìn ông, như là bị đau đâu đó trong người - Ông bảo: Cái người được sai chuẩn bị giết ông đó, là người trung kiên trước đây cùng tù, đã hiểu thấu người đồng chí một lòng sống chết với Đảng. Không thể nào đem bắn một người như thế. Hơn nữa, theo lời khai của Hoàng Đạo thì ông làm tình báo của Trung ương, nếu bắn ông mà chưa xác minh thì không thể được. Hoàng Đạo thường bị ký ức làm cho nhức nhối da diết với những cảnh vật và con người để lại nghĩa tình trong ông, hơn là nhớ những gì phũ phàng. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI