Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
Ở đó có một sức hút ghê gớm, một nỗi khao khát đã nung nấu lòng chú bé nghèo khổ. Mỗi nhịp gõ lạch tạch cheng, tịch tịch bùng của thợ cả cho đám thợ học việc tập rèn, đâp búa đã trở thành nhạc điệu thần kỳ trong tai chú. Quê nghèo, không có ruộng cày, mơ trở thành thợ của vùng công nghiệp đang lan tới người dân quê như một giấc mơ đổi đời. Đất cằn cỗi và thiếu nước. Giếng đào sâu tới cả chục thước, nhìn xuống đen ngòm thăm thẳm chứ không thấy nước. Nhiều cô gái lấy chồng, về làm dâu ở đó chỉ sợ đi lấy nước mà bỏ trốn luôn. Thời kháng chiến sau này các chiến sĩ đào hầm xuống giếng rồi đào ngách ngang chui vào vẫn khô ráo. Hầm cơ quan bây giờ như một thứ địa đạo di tích kháng chiến cho khách tham quan. Cảnh vật bây giờ đã đổi khác. Lịch sử nhà máy cũng phải viết một cuốn sách dày - những hình ảnh và những xúc cảm của chú bé nghèo khổ ấy vẫn sống trong lòng ông Hoàng Đạo tuổi đã 90 sắp sang thế kỷ XXI. Lòng ông vẫn mang hình ảnh những năm xa xưa của thế kỷ trên đồng Cây Gõ khi có Đảng, người ta treo cờ lên đó. Bọn giặc phải đem súng bắn gãy cây cờ, rồi bắt những người tù leo lên đưa cờ xuống vì chúng sợ có gài mìn.
Khi chú bé mười tuổi mới trả hết nợ chôn cha. Chú chỉ mơ ước trả nợ xong được làm thợ nuôi mẹ. Công việc đầu tiên của đời công nhân - bắt đầu bằng việc chăm nước cho thợ tiện, cho tới lúc mười ba mười bốn tuổi, chú bé khéo tay đã biết làm nghề, đã có tiền để góp tiền Công hội Đỏ mỗi tháng một hào. Lương đã lĩnh mỗi ngày một hào - còn gọi là một cắc - một tháng được hai đồng sáu - Con số này ăn sâu vào tiềm thức đến bây giờ: nỗi vui sướng của người thợ bé con. Cũng ở cái nôi của phong trào công nhân ấy, cậu bắt đầu tham gia cách mạng.
Hoàng Đạo kể đến đây thì cười - Ông biết là chuyện này đã nói rồi, ông vẫn nói lại - Có lẽ ông hài lòng nhớ lại miếng sắt thử nghề bữa đó làm rất đẹp: lật sáu mặt của khối sắt đo đều khít với một lỗ nhỏ có thể luồn thông qua nhau. Trong nụ cười của Hoàng Đạo, tôi thấy như ở đó hình ảnh một chàng trai, người thợ ở tuổi mười tám.Tuổi mười tám!
Bây giờ khó hình dung ra hoàn cảnh của ông lúc đó, cũng phải thôi! Ngay chính các con của ông chắc gì đã hình dung ra - Bởi ngày nay, trong cái gia đình nghèo khổ thì trẻ em cũng vẫn ra đi làm việc kiếm sống, bán bánh, bán khoai đương đầu với hoàn cảnh phức tạp. Nhưng có rất nhiều người ở tuổi mười tám, cơ thể trưởng thành nhanh hơn nhận thức. Dưới con mắt của nhiều gia đình trung lưu, con cái ở tuổi mười tám chưa phải là người lớn. Chân cẳng nhiều đứa “cao lêu đêu” như người “ngoài hành tinh”. Càng giống hơn nữa khi nó vừa đẩy cây lau nhà vừa đeo headphone, ai gọi cũng phớt tỉnh, mười tám tuổi, nhiều đứa còn say sưa với những ban nhạc Backstreet Boy hoặc Boyzone, Savagegarden, với Spicegirls, còn đang mê đắm các anh chàng râu tóc bù xù ôm cây đàn hát những khúc tình ca...
22. Thỉnh thoảng ông vẫn “ập đến” mà không hẹn như thế. Tôi bắt đầu phát hiện ra một điểm yếu ở ông là ít tính toán và rất phí sức lực, thích là làm. Có lẽ từ đây tôi hiểu hơn vì sao mỗi cuộc họp gia đình, ông hay bị “phê bình” - Mà đâu có ngán! Lại đi, lại đến, đi cả một quãng đường dài đôi khi chỉ để nói dăm ba câu.
Hôm nay, ông nhắn gì đây? Không, ông cầm theo một bản thảo, vỗ vỗ vào đó: “Một việc trước mắt, người ta trả tiền” - Đó là cuốn lịch sử nhà máy và phong trào công nhân Dĩ An mà ông có nhiệm vụ góp ý kiến - Ông bảo: “Góp rất khó, vì người ta viết các vấn đề lý luận đều đúng cả, chỉ có điều chưa sát với thực tế Dĩ An. Có lẽ tôi sẽ viết riêng ra cái phần tư liệu mình biết để đưa cho họ”.
Ông quay ra phân trần: Sự hình thành giai cấp thời kỳ chủ nghĩa tư bản không thể dùng lý luận chung gán ghép. Đặc điểm công nhân Dĩ An xuất thân từ nông dân chỉ có nghề làm ruộng mà lại không có ruộng - Họ ước mơ làm thợ để có ruộng và hai con bò kéo - Họ ước mơ cụ thể kiểu nông dân - Ông thường xuyên đi về làng quê, nay đã là nhà máy lớn - Vẫn phát hiện ra dấu vết còn lại của ngày xưa. Người công nhân bây giờ khi mở cửa cho xe ra vào, không biết cái vật dính trên tường chính là dấu vết chiếc chìa khóa của gác dan đi tuần ngày trước, gác dan đeo đồng hồ có 100 cái ổ khóa để đi kiểm tra. Chính gác dan bị kiểm tra gắt gao. Nếu không đi đủ tua, không đếm được từng chiếc chìa khóa lắp dính trên tường để lên giây, đồng hồ sẽ chết - Đi hai vòng hết một đêm.
Ông Hoàng Đạo mỉm cười kể về cái thưở ban sơ học lý luận chủ nghĩa Mác - Những người ít học như ông thì hiểu vần đề hóc búa của kinh tế học bằng bài toán thật sơ lược về giá trị thặng dư như sau: Đi làm thợ cắt tóc thuê cho chủ một ngày ba hào. Cắt mười cái đầu mỗi đầu hai hào. Mười lần hai là hai đồng. Sau khi trừ chi phí mọi thứ, còn dôi ra là m...
Thực tế cuộc đời ông đã nhìn thấy tận mắt sự bóc lột ấy như một chứng minh xác đáng.
Người kỹ sư tên là Péc-ke làm sếp ở nhà máy xe lửa Dĩ An đã “đẻ” ra cái “bông-đơ tra vai”: Tiện cái máy này phải mất hết mấy giờ? Người công nhân làm hết bốn giờ, cái “bông-đơ tra vai” ghi lại. Khi người công nhân làm vượt mức, chỉ hết có ba giờ chẳng hạn, liền được thưởng. Chỉ tiêu định mức bậy giờ không phải bốn giờ như trước nữa, bởi thật sự anh chỉ làm có ba giờ thôi. Nếu lần này người công nhân lại chỉ làm hết hai giờ, lại thưởng và cái mức do cái “bông-đơ tra vai” ghi sẽ là hai tiếng. Cứ như thế, người thợ phải chạy theo cái mức sát sao đó do chính mình tạo ra đến nỗi không kịp đi vệ sinh được nữa. Nó siết người thợ, dùng ngay chính quyền lợi của người thợ mà siết họ vào.
Chính viên kỹ sư Péc-ke này, sau khi mãn hợp đồng làm việc cho hỏa xa Đông Dương đã mua lại hãng sửa tàu và vận tải Sài Gòn - Nam Vang (CSNT) lập nên hãng SIMAC. Nay là Caric chuyên đóng sửa tàu thủy bên kia Thủ Thiêm. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI