(BDO) Xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) hiện có 221 hộ đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống với 843 nhân khẩu. Trong những năm qua, với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã không ngừng được cải thiện và nâng cao.
“Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã giúp đỡ để tôi có được cuộc sống sung túc như ngày hôm nay”, anh Kim Nhỏ nói.
Anh Kim Hoài, ngụ tại ấp Tân Thịnh cho biết, cuộc sống gia đình anh ngày trước gặp nhiều khó khăn, từ khi được hưởng những chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc như: hỗ trợ con giống, hỗ trợ vật nuôi, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình với lãi suất ưu đãi…đời sống vật chất và tinh thần của gia đình không ngừng được nâng cao. Hiện gia đình anh trồng được 7 ha cao su. Trong đó, 4 ha cao su đang cho mủ, còn lại 3 ha đã được 3 năm tuổi. Bình quân mỗi ngày gia đình khai thác được hơn 100 kg mủ nước. Với giá mủ hiện tại, mỗi ngày, gia đình anh có trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn mở được một tiệm kinh doanh buôn bán nhỏ tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Sau khi trừ các khoản chi phí bón phân, công chăm sóc cây, mỗi năm, vườn cao su và tiệm buôn bán nhỏ của gia đình anh cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
Cũng như gia đình anh Kim Hoài, nhiều hộ gia đình đồng bào Khơ-me ở xã An Bình đều được các ngành và địa phương hỗ trợ cách làm ăn mới, hiệu quả với các mô hình như vườn - ao - chuồng, vườn - chuồng, trong đó cây cao su là chủ lực.
Chị Ngưu Thị Lan bên ngôi nhà khang trang của mình.Gia đình vợ chồng anh Kim Nhỏ và chị Ngưu Thị Lan là điển hình. Gia đình anh vượt qua phương thức canh tác cũ trở thành một trong những hộ triệu phú của xã An Bình.
Chị Ngưu Thị Lan hồ hởi cho biết, trong những năm qua, được sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp chính quyền địa phương, đời sống của gia đình chị càng ngày càng ổn định. Các con trong gia đình nay cũng đã trưởng thành, cháu thứ hai hiện làm kế toán cho một công ty tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Hiện gia đình còn xây dựng được một trang trại trồng điều và cao su với diện tích hơn 5 ha đang cho thu hoạch, thu nhập vì thế cũng tươm tất hơn.
Thăm trang trại anh Kim Nhỏ chúng tôi cảm phục tính kiên nhẫn, chịu thương, chịu khó của anh cũng như nhiều hộ đồng bào Khơ - me ở đây.
Anh Kim Nhỏ cho biết, trang trại của gia đình anh mỗi năm cho thu hoạch từ 3,5 đến 4 tấn hạt điều với giá bán từ 40 - 50 triệu đồng. Mỗi ngày, gia đình anh còn thu hoạch được trên dưới 100 kg mủ cao su nước. Ngoài ra, gia đình còn nấu rượu lấy hèm phát triển đàn heo. Cuộc sống gia đình càng ngày được nâng cao.
Anh Kim Nhỏ (trái) bên vườn điều đang phát triển tươi tốt của gia đình.
Không chỉ anh Kim Hoài, anh Kim Nhỏ, ở xã An Bình còn có nhiều hộ đồng bào Khơ-me vươn lên làm kinh tế khá giỏi trở thành những triệu phú, điển hình như hộ gia đình ông Kim Phước, hộ gia đình ông Thạch Ninh, hộ gia đình ông Trị Gây…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Trước đây, đời sống đồng bào trong xã còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi có các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và chính quyền địa phương như: hỗ trợ con giống, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, mở các lớp đào tạo nghề cạo mủ cho các con em người đồng bào…, cuộc sống đồng bào Khơ-me ở địa phương ngày đang đổi thay rõ rệt. Hiện bà con đã biết áp dụng kỹ thuật trồng trọt để sản xuất, qua đó năng suất cây trồng ngày càng được được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Từ đó, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của xã An Bình và huyện Phú Giáo.
Trung Nam