Đổi thay từng ngày

Cập nhật: 31-12-2016 | 09:24:01

Từ những công nhân lao động (CNLĐ) xa quê hương với ý chí lao động, lập nghiệp họ đã góp phần xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển. Cuộc sống của mỗi CNLĐ đang từng ngày đổi thay, không chỉ về điều kiện vật chất, môi trường làm việc mà đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Tình người, tình đất

Những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của người lao động (NLĐ) luôn được các ban ngành, đoàn thể, người sử dụng lao động trong tỉnh quan tâm đầu tư đúng mức. Việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở luôn được cải thiện nhằm động viên tinh thần, giữ chân NLĐ gắn bó với quê hương Bình Dương. Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương khẳng định: “Bình Dương là vùng đất lành nên có sức hút rất lớn đối với lao động ngoài tỉnh. Có thể nói, nhờ một phần đóng góp rất lớn của lực lượng lao động này mà Bình Dương mới phát triển vững mạnh. Điều khác biệt ở Bình Dương là sự chu đáo của các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Đó là những thanh niên công nhân gắn bó với Bình Dương hàng chục năm trời, ban đầu là ở trọ, sau cưới vợ, sinh con và mua đất, cất nhà. Họ xem Bình Dương như là quê hương thứ 2 của mình vậy”. Đó là trường hợp của hai vợ chồng anh Phạm Ngọc Tuyên, quê Bình Định và chị Nguyễn Thị Thủy, quê Tuy Hòa. Từ những CNLĐ trực tiếp sản xuất giày da và ván lạng, anh Tuyên và chị Thủy chăm chỉ làm ăn, tích góp mua được miếng đất, xây ngôi nhà nhỏ, sống no ấm, hạnh phúc cùng bé trai đã hơn 1 tuổi. Có lẽ cái tết năm nay sẽ rất đáng nhớ nhất đối với anh Tuyên chị Thủy bởi họ đã có căn nhà mới đón tết cùng tiếng cười nói bi bô của con trẻ. Hay vợ chồng anh chị Phạm Minh Điền, Nguyễn Thị Ni từ Thanh Hóa xa xôi vào làm ăn và cũng đã mua đất, xây dựng cuộc sống mới ở Bình Dương.

Rời những căn nhà hạnh phúc của những cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi tìm đến những dãy nhà trọ nép mình sau những con phố thênh thang. Không khí những ngày cuối năm dường như náo nhiệt, gấp gáp hơn ngày thường. Hình ảnh những bà chủ trọ thân thương ngồi quây quần bên hàng chục công nhân để cùng cắt giấy màu, sợi dây kim tuyến và cả đèn nhấp nháy… để chuẩn bị trang trí lại căn phòng, khu nhà trọ để chào đón năm mới. Một vài người lo xếp đồ vào vali háo hức về quê. Bạn Nguyễn Thị Nhiên, quê Thanh Hóa, công nhân Công ty TNHH Đại Quang, vui cười nói: “Em mới vào đây làm được hơn 1 năm, em dành dụm được chút ít gửi tiền về cho bố mẹ để lo cho các em ăn học. Tết này, em không về quê và ở lại đón tết ở Bình Dương”. Để NLĐ được vui chơi vào những ngày cuối năm, ngoài việc tặng quà chúc mừng, các ban ngành, đoàn thể đã lên kế hoạch chào đón năm mới cho công nhân không có điều kiện về quê với buổi tiệc liên hoan nhẹ, tham gia chơi trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy cò cò, đập niêu, đi cầu kiệu… Nhiều địa phương còn tổ chức chương trình ca nhạc, chiếu phim phục vụ công nhân.

Bà Trương Thị Bích Hạnh (thứ hai từ trái qua), Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thăm hỏi công nhân tại khu nhà trọ

Cải thiện môi trường làm việc

Hiện toàn tỉnh có gần 1 triệu lao động đang làm việc trong các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp. Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ, các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc của CNLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hiện nay, hình ảnh NLĐ trong các công ty, xí nghiệp không còn là hình ảnh lầm lũi, thụ động, không biết quyền lợi của mình mà luôn tích cực tham gia đối thoại 3 bên để hiểu hơn về người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Đặc biệt với việc thực hiện quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp, giúp NLĐ phát huy vai trò, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vì việc làm, vì sự phát triển của doanh nghiệp. Con số 885.480 lao động (đạt 94% tổng số lao động) được ký kết hợp đồng lao động và trên 2.000 thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực là sự nỗ lực của các cấp, các ngành trên toàn tỉnh trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Bên cạnh đó, để NLĐ hiểu hơn về Luật Lao động, hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý được công đoàn cơ sở tổ chức thường xuyên. Cán bộ công đoàn tham gia giải trình những thắc mắc của NLĐ về vấn đề liên quan đến công việc trong xưởng như: tiền lương đối với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, tiền thưởng, chế độ độc hại, chế độ bảo hiểm xã hội, làm việc quá giờ quy định hưởng lương như thế nào, đình công thế nào để không phạm luật mà vẫn bảo đảm quyền lợi, cần phải làm gì để đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động.

Đi đôi với việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần, Bình Dương còn chú trọng đào tạo lao động, nâng cao trình độ tay nghề cho CNLĐ. Vì vậy, NLĐ được doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân theo học các lớp tin học, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ. Để định hướng nghề nghiệp cũng như tạo điều kiện cho NLĐ phát triển khả năng, sở trường của mình, các cán bộ công đoàn luôn dành thời gian dài để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm miễn phí cho NLĐ. Trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp tích cực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lao động, từng bước chuẩn hóa trình độ, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất.

Ngày tết đang đến rất gần, mong muốn ai cũng được đón một cái tết sung túc, hạnh phúc đó là ước mơ chung của mỗi CNLĐ và điều này đã được các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh làm rất tốt. Nơi đây, mọi người, mọi nhà đều rất vui vẻ, hạnh phúc chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều niềm vui, hy vọng mới.

KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên