Đối thoại để giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 10-12-2020 | 08:15:52

 Gặp gỡ, tiếp xúc với người nghèo là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Đây chính là chất xúc tác gắn kết giữa người nghèo và chính quyền địa phương nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 Song song với việc đối thoại, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều hình thức hỗ trợ cho các hộ nghèo

 Hiệu quả từ những buổi gặp gỡ

Bà Nguyễn Thị Hường là một trong những hộ mới thoát nghèo của phường An Bình, TP.Dĩ An trong năm qua. Khi được thông tin về buổi tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo do UBND TP.Dĩ An tổ chức, bà Hường đã thu xếp công việc để về tham dự. Bà Hường cho biết: Tại buổi tiếp xúc, tôi được gặp gỡ trực tiếp đại diện một số ngành chức năng nên tôi đã trình bày ý kiến, nguyện vọng về hướng hỗ trợ để thoát nghèo”.

Qua trao đổi, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Dĩ An xác định bà Hường thiếu vốn và cách thức làm ăn. Vì vậy, bà Hường đã được cán bộ giảm nghèo giới thiệu các mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho bà vay vốn ưu đãi. “Tôi quyết định dùng 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi để đầu tư chiếc máy may công nghiệp, nhận gia công hàng cho các công ty, xí nghiệp có nhu cầu. Trước đó, tôi cũng được tư vấn học nghề, tìm việc làm phù hợp với bản thân mang lại hiệu quả cao và giúp gia đình tôi thoát nghèo”, bà Hường cho biết.

Tại buổi tiếp xúc với hộ nghèo do UBND huyện Dầu Tiếng tổ chức, nhiều hộ nghèo của huyện tham dự và đã bày tỏ nhiều ý kiến. Trong đó, các ý kiến tập trung nhiều vào các nội dung, như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh, mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn để sản xuất, các chính sách hỗ trợ với người già cô đơn không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân nuôi con, hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, các chế độ về hỗ trợ một phần kinh phí khám, chữa bệnh đối với người nghèo, chính sách về BHXH... Những câu hỏi người nghèo đặt ra đều đã được đại diện các cơ quan, ban, ngành chức năng trả lời thỏa đáng. Qua buổi gặp gỡ, không chỉ được cung cấp những thông tin cần thiết, các hộ nghèo đều cảm nhận được sự động viên, sẻ chia của các ngành chức năng. Tuy mỗi hộ nghèo có một hoàn cảnh nghèo khác nhau nhưng điều dễ thấy nhất ở họ là có chung hy vọng vươn lên thoát nghèo từ sự vượt khó của của gia đình và sự trợ giúp của cộng đồng.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An cho biết: “Tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo là một hoạt động được TP.Dĩ An thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Các cuộc tiếp xúc thường được tổ chức trước khi diễn ra các cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm nhằm hiểu rõ nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo. Từ đó, UBND thành phố và các địa phương lên kế hoạch xây dựng chương trình hành động thiết thực. Qua những buổi tiếp xúc cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là hộ có người ốm đau nặng dài ngày, do thiếu lao động, thiếu vốn, phương tiện sản xuất, do chây lười lao động… Cũng từ các buổi tiếp xúc này, UBND TP.Dĩ An sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững”.

Cùng với việc thường xuyên đối thoại với người nghèo, nét nổi bật trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chính là sự linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai đầy đủ. Với sự thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách và nỗ lực của hộ nghèo, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng trân trọng, số hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các cuộc đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để nắm bắt điều kiện hoàn cảnh, nhu cầu cụ thể của từng hộ; trên cơ sở đó các ngành, địa phương đưa giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tại các buổi đối thoại, người nghèo còn được cán bộ thông tin thêm về các chính sách dành cho người nghèo. Ngoài chính sách của Trung ương, Bình Dương cũng thực hiện hàng loạt chính sách riêng như: Chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản”...

 Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 3.806 hộ nghèo. Trong tổng số 3.806 hộ nghèo thì số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là 1.893 hộ trên tổng số 290.652 hộ dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,65%. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.913 hộ, số hộ cận nghèo là 2.899 hộ. Thời gian qua Bình D ương đã giải ngân cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay vốn ưu đãi theo nhu cầu thực tế để phát t riển sản xuất. Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cũng được triển khai chặt chẽ để xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo và cận nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, người cận nghèo…

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=461
Quay lên trên