“Đồng bào người Chăm tại đây có 107 hộ, hầu hết đã thoát nghèo, chỉ còn vài hộ còn gặp khó khăn về nhà ở, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả. Dịp Tết Nguyên đán cũng là dịp để cộng đồng người Chăm tổng kết lại hoạt động trong năm. Tết nào bà con cũng vui mừng vì đời sống của đồng bào không ngừng được nâng lên”, ông Kho Sanh, Phó Giáo cả người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng vui vẻ cho biết.
Với 1 ha đất được Nhà nước cấp để trồng cao su, gia đình ông Thạch Khê năm nay lại đón một cái tết đầy đủ, ấm cúng Ảnh: C.SƠN
Đón xuân trong niềm vui
Với đồng bào người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, năm nay họ đón xuân cùng với niềm vui mới bởi tuyến đường dẫn vào làng đã được trải nhựa sạch sẽ, khang trang, nối liền với tuyến đường trục chính của xã. Đồng bào Chăm những năm gần đây đã chuyển đổi các diện tích trồng điều kém hiệu quả sang trồng cao su, vì vậy đời sống đã được cải thiện đáng kể.
Bình Dương hiện có 20 DTTS với hơn 17.000 người (chiếm 1% dân số toàn tỉnh). Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Hoa, Khmer… ít nhất là dân tộc Mạ với 1 hộ. Đồng bào DTTS hầu hết sống đan xen với người Kinh trên khắp các địa phương trong tỉnh. Riêng 3 dân tộc sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng; người Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo; người Hoa tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An. Đến nay, toàn tỉnh có 114 đảng viên là người DTTS, 532 đoàn viên, 16 người tham gia HĐND các cấp và 956 người hoạt động trong các hội, đoàn thể; bầu “già làng” có uy tín cho các ấp nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống... |
Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả người Chăm tại đây vui vẻ cho biết: “Đồng bào Chăm rất cảm ơn những chính sách hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành để đồng bào vươn lên trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt tín ngưỡng. Từ những chính sách hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật, bà con đã chăm chỉ lao động để vươn lên. Đồng bào người Chăm tại đây có 107 hộ và hầu hết đã thoát nghèo, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả, chỉ còn vài hộ gặp khó khăn về nhà ở. Dịp tết đến cũng là dịp để cộng đồng người Chăm tổng kết lại hoạt động của mình trong năm và tết nào bà con cũng vui mừng vì đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện”.
Một cái tết đầy đủ
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm các hộ đồng bào dân tộc Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Đến với khu tái định canh Suối Sai tại ấp Gia Biện, xã Tam Lập, trong màu xanh của khu vực sản xuất trên 100 ha trồng điều, cao su, mì, các hộ đồng bào tại đây vẫn đang tất bật cho những công việc “nương rẫy” cuối cùng trong năm.
Hiện tại, trong khu này đã có 112 hộ được cấp đất sản xuất với tổng diện tích được cấp là 116,2 ha. Vừa nghỉ ngơi sau “cữ” cạo cao su buổi sáng, ông Thạch Khê, ngụ ấp Tân Thịnh, xã An Bình cho biết, trước đây khi còn chưa có đất, gia đình lại đông nhân khẩu, cuộc sống gia đình rất khó khăn, tết đến không có tiền mua sắm. “Từ khi được Nhà nước cấp cho 1 ha đất, tôi trồng cao su, đến nay đã cạo được 3 năm, cuộc sống gia đình đã tốt hơn trước rất nhiều. Năm nay, từ nguồn thu bán mủ cao su, gia đình tôi cũng dư chút đỉnh để đón một cái tết ấm cúng hơn”, ông Thạch Khê nói.
Không trồng cao su như ông Thạch Khê, bà Châu Thị Giàu, cũng là một hộ dân được cấp đất trong khu tái định canh lại trồng điều. Bên cạnh đó bà còn trồng xen mì vào những rìa đất quanh vườn cây để tăng thu nhập. Mùa điều năm nay sau khi trừ hết chi phí bà còn thu về trên 20 triệu đồng. Bà Giàu phấn khởi cho biết, ngày trước khi chưa có đất, tết đến gia đình lại lo lắng cho việc trang trải nợ nần. Đến nay, khi có nguồn thu từ vườn cây cùng với việc làm thêm các công việc khác gia đình bà cũng đã có dư để mua sắm đồ tết cho con cái, sắm sửa đồ cúng bàn thờ gia tiên tươm tất hơn.
Số hộ đồng bào Khmer của xã An Bình hiện nay có 225 hộ và 938 nhân khẩu. Trước đây, có thời điểm tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo của An Bình là 42,5%. Tuy nhiên với những chính sách hỗ trợ thiết thực trong thời gian dài của Đảng và Nhà nước, đến cuối năm 2014 tỷ lệ này tại xã chỉ còn 8,14%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Bình cho biết, bên cạnh việc được nhận các chính sách hỗ trợ, điều quan trọng nhất là ý thức của đồng bào đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Họ không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã cố gắng lao động, sản xuất. Bà con đã ý thức hơn về phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa gia đình theo hướng văn minh. Chính vì vậy, trong những năm gần đây đời sống của đồng bào dân tộc Khmer An Bình đã được nâng lên rõ rệt, có những hộ đã vươn lên làm giàu. “Trong dịp Tết Nguyên đán, đồng bào lại vui mừng vì có các đoàn đại biểu của chính quyền, đoàn thể đến thăm hỏi, chúc tết. Đồng bào rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”, bà Lan nói.
Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng các DTTS như cho hộ đồng bào nghèo, hộ cận nghèo vay tín chấp để đầu tư sản xuất, bình quân số dư nợ hàng năm 1,71 tỷ đồng; mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp thông qua các lớp khuyến nông; giới thiệu mô hình trồng, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật trong chủ động phòng ngừa dịch bệnh, thiên tai…
Bên cạnh đó, tỉnh còn chăm lo sức khỏe cho đồng bào qua việc cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí; chú trọng nâng cao dân trí cho con em đồng bào DTTS bằng cách miễn, giảm học phí, tặng quà, trao học bổng. Số học sinh, sinh viên người DTTS không ngừng tăng lên. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 534 sinh viên là con em các đồng bào DTTS học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
CAO SƠN