Tại Bình Dương, cùng với số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng đều thì cũng có một số DN phải rút lui khỏi thị trường. Tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, khơi thông những điểm nghẽn để hạn chế thấp nhất số DN phải rút lui khỏi thị trường, cũng như giúp DN duy trì, phát triển sản xuất.
Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp giới thiệu thiết bị, máy móc hiện đại tại Hội chợ công nghiệp Việt Nam 2022 tổ chức tại Bình Dương
Khó khăn, thách thức
Giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN. Tình hình đăng ký thành lập DN mới của Bình Dương trong năm 2022 và đặc biệt là trong 2 tháng qua cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc.
Khi các DN đang tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch thì trong quý cuối cùng của năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp phải nhiều yếu tố bất lợi, như: Lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm… đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng DN, từ lĩnh vực sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Trên thực tế, số DN thành lập mới và số vốn đăng ký vẫn đạt khá.
Ông Trần Đỗ Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại He Vi (TX.Bến Cát), chia sẻ ngoài những khó khăn chung, việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng đang là vấn đề nan giải hiện nay đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. DN đang rất “đói” vốn, nhưng chính sách đưa ra lại chưa kịp thời và chưa phù hợp thực tế để DN được thụ hưởng một cách tốt nhất, tạo động lực cho DN phục hồi sản xuất. Hy vọng thời gian tới, Nhà nước cần xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng và các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Theo Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 30-11-2022, Bình Dương đã thu hút được trên 96.721 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 6.024 DN đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký hơn 38.205 tỷ đồng (tăng 23,1% về số lượng và tăng 14,9% về số vốn so với cùng kỳ); 1.517 DN điều chỉnh tăng vốn với 65.415 tỷ đồng (tăng 60,9% về số lượng và tăng 40,6% về số vốn so với cùng kỳ). Trong đó, số DN thực hiện việc kê khai, đăng ký qua mạng điện tử đạt trên 98%. Số DN thành lập mới và số vốn đăng ký vẫn tăng đều, thể hiện khát vọng khởi nghiệp bất chấp những bất ổn của nền kinh tế đang tác động không ít đến sức khỏe của DN.
Khu vực TP.Thủ Dầu Một có số lượng DN thành lập mới đạt cao nhất với 1.533 DN (chiếm 25,45% toàn tỉnh) với số vốn đăng ký trên 12.756 tỷ đồng (chiếm 33,39% toàn tỉnh). Tiếp đó là TP.Thuận An với 1.285 DN (chiếm 21,33% toàn tỉnh) với số vốn đăng ký trên 8.030 tỷ đồng (chiếm 21,02% toàn tỉnh).
Nỗ lực đồng hành
Ở chiều ngược lại, số DN giải thể là 530 DN với số vốn giải thể là 3.821 tỷ đồng. Số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng đầu năm 2022 là 1.353 DN. Thực tế đó cho thấy mặc dù Bình Dương đã mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trong trạng thái “bình thường mới” nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, cộng đồng DN trong tỉnh đã thể hiện được sự nỗ lực, kiên cường, bền bỉ trong việc thích ứng với bối cảnh có nhiều khó khăn. Trong những tháng cao điểm cuối năm 2022, có rất nhiều DN đang gặp vô vàn khó khăn. Điều này phản ánh khu vực DN vẫn chịu những tổn thương nghiêm trọng trước sự khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
“Đồng hành, hỗ trợ DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bình Dương đang thực hiện trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi DN vẫn đang tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Về phía cộng đồng DN, trong bối cảnh còn nhiều biến động như hiện nay, cần có những biện pháp thích ứng linh hoạt, đưa ra những kịch bản ứng phó cũng như chiến lược phù hợp để tự cứu mình. Về lâu dài, DN phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và tiếp tục trụ vững trên thương trường”, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm.
Trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn và thách thức, các ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện tối đa thúc đẩy sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, tích cực triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động… Tin rằng, với sự quyết tâm của tỉnh, mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Bình Dương đang kiên trì, quyết tâm thực hiện là cách để biến những thách thức thành cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
NGỌC THANH