Năm 2017, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) và Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Mục tiêu của sự hợp tác là phát triển khu kho vận hậu cần và các nhà máy xây sẵn theo tiêu chuẩn quốc tế để góp phẩn phát triển dịch vụ logistics tại Bình Dương. Sự hợp tác này được lãnh đạo tỉnh và hai công ty, tập đoàn đánh giá sẽ tạo động lực mới góp phần phát triển ngành logistics Bình Dương.
Trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa Becamex IDC và Warburg Pincus. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Phát triển logistics theo tiêu chuẩn quốc tế
Trong năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đã tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Warburg Pincus. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Warburg Pincus và Becamex IDC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa hai bên. Theo nội dung biên bản ghi nhớ giữa hai bên, tại Bình Dương, Warburg Pincus hợp tác đầu tư với Bcecamex IDC gồm 2 nội dung: Thành lập liên doanh và hợp tác chiến lược. Theo đó, hai bên sẽ hoàn thiện các bước để thành lập công ty liên doanh với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, phấn đấu phát triển lên 1 - 2 tỷ USD trong vòng 4 - 5 năm tới. Mục tiêu của liên doanh là phát triển khu kho vận hậu cần và các nhà máy xây sẵn theo tiêu chuẩn quốc tế để góp phẩn phát triển các dịch vụ logistics tại Bình Dương và các thành phố khác...
Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus là quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới, quản lý khối tài sản trị giá hơn 44 tỷ USD và tập trung đầu tư vào các công ty đang phát triển. Warburg Pincus đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, trong đó đi tiên phong là lĩnh vực logistics trên toàn cầu. Ông Timothy Geithner, Chủ tịch Tập đoàn Warburg Pincus, chia sẻ: “Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cho chúng tôi thấy những cơ hội mà tập đoàn có thể đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Warburg Pincus rất tin tưởng về những kết quả tốt đẹp trong quá trình hợp tác giữa tập đoàn và Becamex IDC. Tôi tin rằng, đây sẽ là sự hợp tác lâu dài, toàn diện, ngày càng phát triển, nhất là ngành dịch vụ logistics tại Bình Dương”.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá rất cao hợp tác chiến lược giữa Warburg Pincus và Becamex IDC. Các nội dung hợp tác giữa hai bên phù hợp với định hướng thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh và chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chương trình hợp tác giữa hai bên được triển khai thực hiện thuận lợi hiệu quả và thành công. |
Sự hợp tác giữa Becamex IDC và Warburg Pincus hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi góp phần phát triển ngành logistics của Bình Dương. Hiện nay, Bình Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành dịch vụ logistics. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một trong những tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, năng động và có tiềm lực kinh tế của vùng. Đây cũng là nơi tiếp cận công nghệ hiện đại và nguồn vốn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Cùng với đó, do có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh nên Bình Dương có nhiều thuận lợi trong việc liên kết, hợp tác với các tỉnh khu vực phía Nam cũng như các nước trên thế giới qua các cửa ngõ quan trọng trong vùng như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, cảng biển Cái Mép, Cát Lái và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên.
Đặc biệt, đến cuối năm 2016, Bình Dương cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng một số tuyến đường giao thông quan trọng để phát triển kinh tế, như đường Phạm Ngọc Thạch, ĐT747, ĐT744, Mỹ Phước - Tân Vạn; đồng thời triển khai xây dựng tuyến đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng... Các công trình này đã, đang và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 ICD (cảng cạn) đang hoạt động là ICD Sóng Thần và Cụm cảng - Trung tâm Logistics Dĩ An. Đây là các cơ sở có hạ tầng hoàn chỉnh, cung cấp các dịch vụ quan trọng gồm xếp dỡ, bảo quản container, lưu kho bãi, vận chuyển container và hải quan. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số doanh nghiệp khác đầu tư kho bãi, cung cấp dịch vụ đa dạng, phong phú, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ logistics của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Giải pháp phát triển nhanh, bền vững
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Kế hoạch được xây dựng với quan điểm phát triển tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý chiến lược của tỉnh; xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế đưa Bình Dương trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực phía Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao trong cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa.
Cùng với đó, kế hoạch của UBND tỉnh còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; phát triển các doanh nghiệp logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý, kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, kế hoạch còn nhằm hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics… bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đánh giá về ngành logistics tại Bình Dương, tiến sĩ Lý Bách Chấn, chuyên gia về logistics, cho rằng Bình Dương có số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu cùng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao đã tạo ra nhu cầu phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, ngành logistics của tỉnh chỉ mới tập trung vào một số khâu như vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kho bãi mà chưa có khả năng cung cấp các dịch vụ cao hơn, có giá trị gia tăng nhiều hơn. Ông đề xuất tỉnh Bình Dương cần có những biện pháp như phát triển và nâng cao hoạt động xuất nhập khẩu về mặt số lượng và chất lượng; cần tổ chức lại hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực và chất lượng các đơn vị cung ứng dịch vụ của ngành. Bình Dương cũng cần phát triển mạnh công nghệ, tin học ứng dụng trong thương mại, logistics và cần phát triển mạnh thương mại điện tử.
PHƯƠNG LÊ