Khi có sự giải thích rõ về việc dùng “bùi nhùi” từ phía CA Thanh Hóa, đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ phương pháp này...
Đầu năm 2012, việc công an Thanh Hóa sử dụng “lưới đánh cá” để bắt xe vi phạm được dư luận đặc biệt quan tâm và có khá nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó một thời gian biện pháp này không được áp dụng. Nhưng trong những ngày cuối năm 2012, công an Thanh Hóa lại áp dụng phương pháp này. Việc tái sử dụng “lưới đánh cá” như dư luận vẫn gọi lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy vậy trong lần này phần lớn các ý kiến lại ủng hộ việc làm của công an Thanh Hóa, thậm chí nhiều người còn cho đó là sáng kiến cần được nhân rộng.
Trong đầu năm 2012, phương pháp dùng bùi nhùi khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều Dư luận ủng hộ trước hết cũng vì họ đã thấy rõ những hiệu quả bước đầu của phương pháp này. Công an Thanh Hóa coi đây là phương pháp hữu hiệu khi CSGT chặn bắt, giải tán các nhóm đua xe trái phép vào ban đêm. Đặc biệt, với phương pháp này đã hạn chế được việc các đối tượng đua xe chạy trốn gây tại nạn cho cảnh sát giao thông.
Cùng với đó, có sự giải thích rõ ràng về cấu tạo, cơ chế hoạt động của phương pháp này từ phía công an Thanh Hóa đã làm cho mọi người hiểu rõ được ngọn ngành sự việc. Và khi đó mọi người mới vỡ lẽ, đây không phải là “lưới đánh cá” mà là “bùi nhùi”, không phải được dùng để quăng chụp vào người vi phạm như đồn đoán mà chỉ dùng để quăng vào phương tiện vi phạm, bùi nhùi sẽ bám vào máy, ốc, giảm sóc, bó chặt bánh xe khiến xe từ từ dừng lại.
Theo Công an Thanh Hóa, phương pháp dùng “bùi nhùi” chỉ để bắt các trường hợp đua xe, lạng lách chứ không sử dụng để bắt các trường hợp vi phạm thông thường và nó cũng chỉ được sử dụng vào bạn đêm. Và đến nay, phương pháp này chưa gây ra tai nạn đáng tiếc nào đối với trường hợp vi phạm cũng như người đi đường.
Khi mọi việc có sự lý giải rõ ràng, cộng với những kết quả bước đầu, mà mới đây nhất là vào đêm Noel vừa qua, bằng biện pháp này, Công an Thanh Hóa đã bắt giữ tại hiện trường 10 xe đua trái phép, ngăn chặn và giải tán hai nhóm đua xe, lạng lách… thì mọi người lại càng hiểu rõ và ủng hộ cho việc làm của các chiến sĩ công an Thanh Hóa.
Bày tỏ ý kiến về phương pháp bắt vi phạm mới này của Công an Thanh Hóa, bạn đọc Nguyễn Khắc Minh cho rằng "tuyệt vời trí tuệ Việt Nam, đặc biệt là trí tuệ xứ Thanh. Biện pháp này vẫn cần phải cải tiến, thiết kế cho nó thành một công cụ hỗ trợ, có đăng ký chất lượng hẳn hoi, có quy định rõ ràng cho các đối tượng sử dụng cũng như từng cung đường được phép sử dụng".
Cho rằng sáng kiến của Công an Thanh Hóa rất đáng khen, độc giả Dương Tuấn Dũng viết: "Qua theo dõi, tôi thấy công an Thanh Hóa khi sử dụng thí điểm súng bắn bùi nhùi lưới vào thực tiễn để ngăn chặn hiện tượng đua xe trái phép, lạng lách đánh võng... đã lường trước tất cả những gì có thể xảy ra sau đó. Như thế là đã rất thận trọng.
Cũng như nhiều độc giả, bạn Nguyễn Ngọc Quế cũng cho rằng, việc sử dụng bùi nhùi lưới để bắt đua xe trái phép như thế là rất hiệu quả. “Phải nói rằng cần áp dụng phương pháp trên để chấm dứt tình trạng đua xe, đánh võng, lạng lách, tránh những hậu quả đáng tiếc. Đề nghị Công an Thanh Hoá cứ âm thầm làm. Miễn làm sao trong năm nay không có tình trạng đua xe là thành công tốt đẹp. Chúc Công an Thanh Hoá manh khoẻ để tiêu diệt hết bọn đua xe”- Nguyễn Ngọc Quế cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sử dụng “bùi nhùi” để bắt “quái xế”.
Nhiều bạn đọc cũng đưa ra lý lẽ của mình khi cho rằng đây là một sáng kiến cần được nhân rộng. Theo bạn Phạm Mạnh Hùng, dùng phương pháp này không làm không làm tổn hại đến người thi hành công vụ, mà cũng không gây ầm ĩ đường phố. “Nếu đuổi bắt, lỡ may công an đâm vào người dân thì họ phải chịu trách nhiệm, thậm chí nếu sơ suất nghiệp vụ còn bị đi tù”.
Bạn đọc Huỳnh Đỗ Thùy Trang bày tỏ: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào lực lượng cảnh sát giao thông đã có biện pháp kịp thời ngăn chặn nạn đua xe. Đây là nỗi sợ hãi của người tham gia giao thông khi bị một làn xe đua trên đường”.
“Cần xử lý nghiêm các trường hợp lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, đồng thời nhân rông mô hình này đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước để phục vụ mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra”- Bạn đọc Phan Văn Ân đề nghị.
Trước khi nhân rộng cần thử nghiệm kỹ
Cũng ủng hộ phương pháp dùng “bùi nhùi” của công an Thanh Hóa, độc giả Trần Văn Hà viết: “Nếu có ai đó phản đối công an Thanh Hoá bắt bọn đua xe, lạng lách... bằng biện pháp dùng bùi nhùi thì thử hỏi họ có sáng kiến gì bắt bọn “quái xế” này không. Đây là một sáng kiến hay, nên thử nghiệm rồi nhân rộng”.
Bạn đọc dấu tên VTT thì cho rằng, đây là một biện pháp tốt. Công an Thanh Hóa đừng vì một số ý kiến trái chiều mà bỏ qua sáng kiến này: “Cần biểu dương người nghĩ ra sáng kiến. Còn chuyện sai sót thì sẽ có, nhưng tỉ lệ sai sót nhỏ thì là chuyện đương nhiên, nhưng đừng vì thế mà hủy đi một sáng kiến hay như thế”.
Bạn đọc Đại Biểu cho rằng, các chiến sỹ công an đã luôn luôn nghĩ ra những phương án để trấn áp và giữ bình yên cho những con đường. Nhưng độc giả cũng đề nghị nên co những thử nghiệm chứng minh cơ chế hoạt động của bùi nhùi. “Lấy ví dụ, bùi nhùi làm cho xe ngừng đột ngột có gây nguy hiểm cho người điều khiển, hay làm cho xe chậm dần sau đó ngừng hẳn. Phải trả lời rõ ràng câu hỏi này mới được sự đồng tình của nhân dân. Song, tôi cũng nghe nhiều người nhắc đến tính nhân đạo khi sử dụng phương pháp này. Nhưng thử hỏi tính nhân đạo của mọi người có được nhận lại xứng đáng không, hay là những tai nạn thương tâm mà xã hội phải rùng mình. Trong khi pháp luật chúng ta đã rất nhân đạo trong việc xử phạt các hành vi đó, nhằm răn đe, giác ngộ họ nhưng họ có thực sự tỉnh ngộ hay không. Thứ nữa, có ai muốn mình là nạn nhân của đối tượng đó không? Câu trả lời là không! Vậy, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn sâu xa hơn về những tiểu tế bào của xã hội này…”.
Cho rằng việc làm của công an Thanh Hóa đã rất thận trọng, nhưng bạn Dương Tuấn Dũng cũng cho rằng, cũng nên thí điểm súng bắn bùi nhùi lưới trước khi nhân rộng. Nhưng theo bạn Dũng, gốc rễ của vấn đề là phải có biện pháp giáo dục chung của cả hệ thống chính trị, xã hội trực tiếp vào cuộc từ gốc: từ gia đình, từ tổ dân phố, từ địa phương; không chỉ thông tin qua đài, báo...
Cũng đồng tình với ý kiến của bạn Dụng, độc giả Minh Hoàng Nam cho rằng, đua xe trái phép là coi thường mạng sống của chính mình và của mọi người tham gia giao thông. Vì thế, Bộ Công an phải kiến nghị tăng hình thức xử phạt, kể cả thu giữ phương tiện, truy tố hình sự thì mới giảm tệ nạn này.
Việc sử dụng "bùi nhùi" để bắt "quái xế" của Công an Thanh Hóa hiện tại cũng chỉ mới đang được thử nghiệm ở TP Thanh Hóa. Hiện nay chưa thể khẳng định được phương pháp này có thực sự tối ưu trong việc bắt các trường hợp đua xe, lạng lách, mà cần phải có sự nghiên cứu, thử nghiệm kỹ càng. Tuy vậy, việc đưa ra một sáng kiến, cách làm mới cũng rất đáng để nhiều nơi suy nghĩ, học hỏi, nhằm góp phần cải thiện tình hình giao thông hiện nay.
Theo VOV