Đưa các anh về đất mẹ!

Cập nhật: 14-07-2017 | 08:22:51

Để đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, rất nhiều người lính, thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, khi những khát vọng trong tim vẫn nung nấu từng ngày, từng giờ. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, góp phần đáp ứng nguyện vọng của thân nhân gia đình liệt sĩ và nhân dân trong tỉnh.

 Lực lượng dân quân TX.Bến Cát chuyển hài cốt liệt sĩ về đơn vị. Ảnh: THANH LIÊM

 Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Hơn 40 năm qua Đảng bộ, quân, dân tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) luôn xem việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên đã tập trung chỉ đạo, đầu tư kinh phí và hàng trăm ngàn công lao động liên tục tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, tiếp nhận hài cốt liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Đến nay, tỉnh Bình Dương hiện đang quản lý 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh và 5 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, với 13.006 mộ liệt sĩ (trong đó mộ liệt sĩ biết tên là 8.687 và mộ liệt sĩ chưa biết tên là 4.229). Riêng trong năm 2015 đã quy tập được 107 hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ an táng; trong đó, đã quy tập được 100 hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 hy sinh năm 1965 tại Làng 10 Dầu Tiếng đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Dầu Tiếng tổ chức lễ truy điệu và an táng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015) một cách trang trọng, chu đáo được nhân dân và thân nhân liệt sĩ đánh giá cao, tạo được tình cảm tốt đẹp trong nhân dân.

Phía sau mỗi cuộc “đoàn tụ”

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những bàmẹ, người vợ, người con luôn canh cánh trong lòng tâm nguyện tìm thấy hài cốt người thân của mình về yên nghỉ nơi đất mẹ. Phía sau mỗi cuộc “đoàn tụ”, luôn là nước mắt, niềm hạnh phúc vô bờ và cảm giác thiêng liêng dâng trào lên nơi lồng ngực của những “người đưa đò”. Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đề án đến cấp xã, phường, thị trấn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội, Hội cựu chiến binh các cấp rà soát, xác minh thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do các tập thể, cá nhân cung cấp, từ đó, xây dựng kế hoạch, lập bản đồ phục vụ cho công tác khảo sát, quy tập tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Quá trình tìm kiếm, các cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để đưa các anh về yên nghỉ ở các nghĩa trang, góp phần xoa dịu phần nào những mất mát, hy sinh của gia đình và thân nhân liệt sĩ.

Thiếu tá Lê Ngọc Hà, Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ, việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ làviệc làm mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta nhằm tri ân những người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống vì nền độc lâp của Tổ quốc. Vì vậy dù có khó khăn, vất vả đến mấy nhưng anh em trong đội tham gia tìm kiếm với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất. “Mặc dù công tác tìm kiếm, quy tập hiện đang gặp nhiều khó khăn vì hài cốt còn lại rất ít, lại chôn rải rác ở các vùng rừng sâu; thời gian chôn khá lâu nên địa hình, địa vật thay đổi làm mất dấu; các thông tin cung cấp không xác định được vị trí mộ của liệt sĩ nên gặp nhiều khó khăn trong khảo sát, tìm kiếm nhưng công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh qua các thời kỳ luôn được Đảng và Nhànước quan tâm, với quyết tâm cao độ, chúng tôi mong muốn sẽ tìm kiếm, cất bốc và đưa được nhiều nhất các hài cốt liệt sĩ về với nơi lòng đất mẹ”, Thiếu tá, Lê Ngọc Hà khẳng định.

Chăm lo “giấc ngủ” cho các anh

Nằm ngay trên quốc lộ 13, thuộc địa bàn phường Thuận  Giao, TX.Thuận An, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hiện là nơi an nghỉ của hơn 5.400 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệTổ quốc. Nơi đây hàng ngày vẫn được trông nom, chăm sóc chu đáo bởi những người quản trang. Bằng công việc lặng thầm, những người quản trang vẫn ngày ngày bảo vệ“giấc ngủ” bình yên cho các anh hùng, liệt sĩ, góp phần giữ gìn cảnh quan nghĩa trang sạch đẹp vàtôn nghiêm. “Đó là việc làm thiết thực, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ cha anh. Cùng với việc tiếp nhận, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nơi khác chuyển về, ban quản lý nghĩa trang còn cónhiệm vụ xây dựng kế hoạch nâng cấp các công trình cần thiết, đề xuất lên cấp có thẩm quyền để kịp thời tu sửa, tôn tạo nghĩa trang”, anh Nguyễn Tuấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý mộ, thuộc Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh cho biết.

An lòng trước sựchăm sóc cẩn thận tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, không ít người nhàcủa liệt sĩ ở các tỉnh, thành khác trong cả nước khi tìm được mộngười thân đang yên nghỉ nơi đây đã quyết định không di dời phần mộ các anh về quê nữa. Bởi người thân của họ đang được nằm lại bên cạnh đồng đội và được chăm lo hương khói mỗi ngày. “Đây là niềm an ủi lớn lao đối với thân nhân các liệt sĩ, gia đình chúng tôi cảm thấy rất yên tâm khi phần mộ con mình được quy tập về đây và được chăm sóc cẩn thận”, mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Trù (phường Bình Hòa, TX.Thuận An), là người có con là liệt sĩ được quy tập về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh chia sẻ. 

HUỲNH THỦY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên