Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của đề án, góp phần chuyển đổi số, tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh khẩn trương thu thập dữ liệu dân cư để cấp thẻ CCCD có gắn chíp cho kịp tiến độ do Bộ Công an đề ra. Ảnh: HƯNG PHƯỚC
Đưa dịch vụ công thiết yếu đến với người dân, doanh nghiệp
TRONG THỜI GIAN TỚI, TỔ CÔNG TÁC ĐỀ ÁN 06 TỈNH TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, TRONG ĐÓ TẬP TRUNG LÀM RÕ Ý NGHĨA, TẦM QUAN TRỌNG VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI SỐ, LỢI ÍCH CỦA THẺ CCCD, TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRỰC TUYẾN TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG … |
Xác định mục tiêu “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong việc triển khai thực hiện Đề án 06” trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các nội dụng của Đề án 06 sâu rộng đến người dân. Tại cấp huyện đã thành lập Tổ công tác ở 9/9 đơn vị; cấp xã đã thành lập Tổ công tác ở 91/91 đơn vị; ấp/khu phố đã thành lập Tổ công tác ở 585/585 đơn vị, với hơn 2.990 thành viên tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoàn thiện các nhiệm vụ của Đề án 06; đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công (DVC) trực tuyến.
Trong phân công nhiệm vụ, Công an tỉnh đóng vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06, đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả khâu làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Làm tốt việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử (gọi tắt là CCCD) và hồ sơ định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
Đến nay, Công an tỉnh đã thực hiện 11/25 DVC thiết yếu. Số lượng hồ sơ trực tuyến liên quan đến các lĩnh vực ngày càng nhiều, nhất là lĩnh vực cư trú, cấp hộ chiếu phổ thông, đăng ký, cấp biển số xe. Nhóm 14 DVC thuộc các sở, ban, ngành đã triển khai được 12/14 DVC. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tại Sở Tư pháp chiếm tỷ lệ cao, với hơn 13.940 hồ sơ trực tuyến; Sở Tài nguyên và Môi trường có 12.910 hồ sơ trực tuyến; Điện lực tỉnh có hơn 15.715 hồ sơ trực tuyến tiếp nhận dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và 2.300 hồ sơ trực tuyến tiếp nhận dịch vụ thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện. Quá trình triển khai thực hiện DVC ở các đơn vị, địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai kết nối cho 19/19 sở, ban, ngành và 9/9 huyện, thị, thành phố trong việc triển khai xác thực, khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…
Nhiều tiện ích của CCCD có gắn chíp
CCCD được mệnh danh là “tấm thẻ toàn năng” bởi các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng “VNeID” sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính, bảo đảm chính xác, thuận tiện và tính bảo mật cao.
Cán bộ công an hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng “VNeID” trên điện thoại thông minh có kết nối internet và tích hợp nhiều loại giấy tờ để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến
Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an tỉnh, cho biết: “Bộ Công an đã kết nối, liên thông dữ liệu với nhiều bộ, ngành để sử dụng thẻ CCCD liên quan đến nhóm tiện ích phục vụ kinh tế - xã hội. Cụ thể như liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD tích hợp bảo hiểm y tế, tính đến ngày 13-6, có gần 190 đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh (công lập và tư nhân); có 177/177 cơ sở (100%) khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp điện tử. Nhờ vậy, người bệnh đã giảm bớt nhiều loại giấy tờ phải mang theo. Ngoài ra, hiện đã có 27 cơ sở y tế đã được cung cấp tài khoản và triển khai nhập thông tin lưu trú của người bệnh, thân nhân người bệnh lưu trú tại các cơ sở y tế theo yêu cầu”.
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Thành, các tiện ích của CCCD được ứng dụng rộng rãi trong ngân hàng thông qua việc xác thực thông tin khách hàng chống giả mạo bằng chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD. Tại Bình Dương đã có ngân hàng lắp đặt, vận hành máy ATM có áp dụng giải pháp xác thực khách hàng đến giao dịch qua thẻ CCCD gắn chip. Mô hình an sinh xã hội nhờ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh giúp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành công an và ngân hàng thực hiện việc xác thực, làm sạch dữ liệu về an sinh xã hội và chi trả không dùng tiền mặt thông qua việc phát hành thẻ ngân hàng (ATM) cho các đối tượng là người có công và bảo trợ đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 46.250 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (trong đó có hơn 14.655 người thuộc đối tượng là người có công; hơn 31.595 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội). Đến ngày 10-6, tổng hợp số liệu đã xác thực, cấp thẻ ATM và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 28.150 đối tượng, chiếm tỷ lệ 65,5%.
HƯNG PHƯỚC