Hôm nay (8-6), tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh (Thành phố mới Bình Dương), Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong thời gian 1 ngày, các đại biểu sẽ được nghe GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt các nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: THÀNH SƠN
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại thủ đô Hà Nội. Đại hội Đảng lần này có ý nghĩa rất quan trọng vì diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đất nước đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp 2013. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011-2015); nhìn lại 30 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường; đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới, thời cơ, thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức. Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta 5 năm tới: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu quan trọng trong 5 năm 2016-2020 đó là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Gìn giữ hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 6,5 -7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%; năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Các chỉ tiêu quan trọng về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.
Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại; 95% -100% chất thải y tế được xử lý, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đó là: Tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhằm thống nhất nhận thức, nhận rõ tình hình và nhiệm vụ, nắm vững thời cơ và thách thức của đất nước; chung sức đồng lòng, đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng, vượt qua khó khăn, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết đại hội thành các luật, pháp lệnh, chính sách và các chương trình hành động của từng ngành, địa phương, đơn vị; tập hợp, động viên trí tuệ và sức lực của các tầng lớp nhân dân vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biến Nghị quyết Đại hội XII thành hiện thực.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn; tận tụy, gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ do Đại hội XII của Đảng đề ra. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
TRÍ DŨNG