Tôi quen vợ chồng Thụ và Huyền từ ngày cùng học chung trường đại học. Trải qua nhiều năm yêu nhau, họ đi đến hôn nhân. Cuộc sống ban đầu còn nhiều khó khăn. Thụ chỉ là nhân viên cho một công ty nước ngoài, còn Huyền vừa đi làm vừa học thêm chuyên môn. Có nhiều bữa vì đi làm về trễ hoặc làm biếng vô bếp, tôi thường ghé qua nhà Thụ xin “ké” bữa chiều. Ngày ấy, không khí ấm áp của gia đình họ khiến tôi cũng mong mỏi có được một mái ấm như vậy...
Dần dần, nhờ đất đai, nhờ sự giúp đỡ của họ hàng, cuộc sống của họ dần khá lên. Ngoài công việc cố định, Thụ cũng mở một công ty kinh doanh riêng. Vì công việc, anh thường xuyên vắng nhà, nhiều khi vì những cuộc nhậu quá trễ, anh còn ngủ lại luôn ở công ty để đỡ mất công đi đi về về. Huyền cũng tất bật với những dự án, kế hoạch, những chuyến công tác thường xuyên hơn. Hai đứa con, đứa lớn đang học tiểu học, đứa nhỏ gửi nhà trẻ rồi nhờ ông bà ngoại sáng đưa, tối đón về.
Vì là chỗ thâm tình nên thỉnh thoảng, Thụ vẫn ghé nhà tôi làm vài “xị” để bạn bè lâu ngày có dịp tâm sự. Hôm rồi, khi vợ tôi dọn cơm ra, Thụ chỉ buồn buồn nhìn mâm cơm. Đôi lúc, tôi thấy Thụ cứ mải ngắm các con tôi. Hỏi ra mới biết, đã từ lâu rồi gia đình Thụ rất thiếu không khí gia đình từ những bữa cơm đầm ấm. Thay vào đó là những cuộc nhậu nhẹt liên miên tối ngày. Những bữa tiệc không thể không góp mặt. Vợ bận việc vợ, chồng lo việc chồng. Cuối tuần vẫn phải lo công việc như những ngày khác. Bữa cơm gia đình đôi khi là qua loa cho xong, cũng có khi là ăn ở nhà hàng cho nhanh rồi về. Dường như họ không có khoảng thời gian dành riêng cho nhau. Gia đình nhỏ bỗng thay đổi hoàn toàn nếp sống cũ không rõ từ bao giờ.
Thụ trầm buồn nói, trước đây mình nghèo, bữa cơm cũng chẳng có gì cao sang nhưng vẫn cảm nhận được đúng nghĩa của không khí gia đình. Vậy mà giờ kinh tế khá giả hơn chút, thời gian dành cho nhau lại quá ít. Nhiều thứ dễ xô ngã mình, nó cuốn mình đi xa cũng không chừng...
Tâm sự của Thụ là một lời nhắc nhở để gia đình tôi và nhiều gia đình khác ghi nhớ. Bữa cơm gia đình không đơn thuần chỉ là để ăn cho no bụng. Rất khó để tìm được những gia đình có nhiều thế hệ còn chung sống với nhau. Nhưng với cuộc sống công nghiệp hối hả, nhiều gia đình chỉ hai thế hệ là bố mẹ và con cái nhưng cũng có những khoảng cách nhất định vô tình đẩy họ dần xa nhau. Con cái mải học mải chơi, vợ chồng người nào lo việc người đó... không gian bếp nổi lửa ít dần...
Các chuyên gia tâm lý và các nhà xã hội học đã khẳng định, một trong những bí quyết để gìn giữ mái ấm gia đình đó là chăm lo tới những nhu cầu cơ bản nhất nhưng lại đáng trân trọng nhất như chăm sóc cho bữa ăn gia đình. Một bữa cơm gia đình không chỉ làm ấm hơn tình thân giữa các thành viên mà còn là nguồn cung cấp “dinh dưỡng” bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, hơn bao giờ hết, bữa cơm gia đình đang thực sự trở nên mong manh. Do đó việc chăm chút và duy trì bữa cơm ấy chính là cách hữu hiệu để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hãy giữ lửa tổ ấm của mình từ những việc nhỏ nhất để gia đình luôn có không khí ấm áp đúng nghĩa.
THU THỦY